Bóng ma phóng xạ vẫn ám ảnh hơn 40 năm sau thảm họa Chernobyl: Những con chó hoang tại đây đã 'khác biệt về mặt di truyền'

06/03/2023 16:14 PM | Sống

Các nhà khoa học đã so sánh những con chó sống trong khu vực nhà máy điện Chernobyl và những con sống xa hơn, để rồi nhận thấy chúng "khác biệt về mặt di truyền".

Gần 40 năm sau thảm họa hạt nhân tại Chernobyl, hàng trăm con chó hoang vẫn sống trong khu vực bị bỏ hoang xung quanh đống đổ nát của nhà máy điện Ukraine. Và quần thể chó hiện là trọng tâm của một nghiên cứu khoa học nhằm xem xét cấu trúc di truyền của động vật, đề từ đó tìm hiểu xem điều gì có thể tiết lộ về việc sống trong môi trường phóng xạ.

Trong một báo cáo mới được công bố cuối tuần trước trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã kiểm tra cấu trúc di truyền của 302 con chó đại diện cho ba quần thể chó thả rông riêng biệt. Sau đó, họ đã so sánh những con sống trong khu vực nhà máy điện nguyên tử và những con khác sống cách đó khoảng 14 km đến 28 km.

Bóng ma phóng xạ vẫn ám ảnh hơn 40 năm sau thảm họa Chernobyl: Những con chó hoang tại đây đã 'khác biệt về mặt di truyền' - Ảnh 1.

Những con chó hoang được các nhà nghiên cứu gắn thẻ đang nằm dài bên ngoài một quán ăn tự phục vụ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Trong quá trình phân tích gen, nhóm các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những con chó sống trong khu vực 30 km từ tâm chấn của thảm họa đã “khác biệt về mặt di truyền" với những con sống ở xa.

Mặc dù những kết quả này không cho thấy rằng bức xạ chắc chắn là nguyên nhân gây ra những khác biệt di truyền này, nhưng dữ liệu có thể giúp hiểu rõ hơn về tác động lâu dài của việc tiếp xúc với bức xạ.

Việc phân biệt giữa những thay đổi di truyền do phóng xạ và những thay đổi do "các yếu tố ảnh hưởng khác" gây ra sẽ rất phức tạp. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng xem đây là một "cơ hội vàng" để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng có thể tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt như thế này trong suốt 15 thế hệ?

Đồng tác giả của nghiên cứu và nhà di truyền học Elaine Ostrander cho biết các mẫu DNA của chó rất có giá trị vì chúng thường chia sẻ không gian và chế độ ăn giống như con người.

“Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội thực hiện công việc này ở một loài động vật như loài chó”, nhà di truyền học này cho biết.

Bóng ma phóng xạ vẫn ám ảnh hơn 40 năm sau thảm họa Chernobyl: Những con chó hoang tại đây đã 'khác biệt về mặt di truyền' - Ảnh 2.

Một con chó hoang đứng cạnh một đài tưởng niệm bên ngoài khu vực Chernobyl.

Khi nhà máy điện nguyên tử ở Ukraine phát nổ vào năm 1986, những người dân sơ tán khỏi khu vực đã phải bỏ lại thú cưng của họ. Theo tờ New Scientist, trong khi các nhà chức trách vào thời điểm đó đã tiêu hủy nhiều loài động vật để ngăn chặn sự lây lan của ô nhiễm phóng xạ, các công nhân chịu trách nhiệm dọn dẹp đã chăm sóc một số con chó. Và chúng đã sinh sôi và phát triển suốt từ đó tới nay.

Sáng kiến Nghiên cứu Chó Chernobyl - một tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y - ước tính có hơn 800 con chó hoang đang sống trong khu vực này.

Tham khảo Business Insider

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM