"Bóng ma lạm phát" toàn cầu, chính sách của FED và tác động đến dòng vốn vào thị trường Việt Nam
Nhiều nghiên cứu kinh tế học đã chỉ ra, bất ổn toàn cầu và áp lực lạm phát luôn luôn là đồng biến. Bởi người dân sẽ có xu hướng tích trữ, đổ tiền vào các kênh phòng ngừa rủi ro, làm tăng giá vàng, giá của tài sản có tính an toàn cao.
Ngay từ đầu năm 2022, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo FED sẽ có động thái tăng lãi suất. Trong thời kỳ đại dịch, tính đến tháng 10/2021, một tháng FED đã bơm ra 120 tỷ USD. Tổng tài sản FED mua vào là 4.500 tỷ USD, nâng tổng tài sản lên 9.000 tỷ USD. Tháng 11/2021, trước áp lực lạm phát, FED đã giảm số tiền bơm 15 tỷ USD, tháng 12/2021 tiếp tục giảm thêm 15 tỷ USD.
Từ tháng 1/2022, số tiền được bơm đã giảm đi 30 tỷ USD, xuống chỉ còn 90 tỷ USD và đến cuối tháng 3 sẽ không còn bơm tiền nữa.
"Tín hiệu là kết thúc bơm tiền sẽ bắt đầu nâng lãi suất, chưa rõ là bao giờ nâng nhưng thị trường phán đoán là sau tháng 3 có thể nâng luôn 0,25 điểm %" - ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam nhận định.
Mới đây, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Sau khi giữ lãi suất chuẩn ở mức gần 0 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết họ sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% hay 25 điểm cơ bản. Ngoài ra, FOMC cũng đưa ra tín hiện về lộ trình 6 lần nâng lãi suất trong năm nay và mức tăng đồng thuận đến cuối năm nay sẽ là 1,9%. Con số này cao hơn so với ước tính của cơ quan này vào tháng 12. FOMC dự kiến sẽ thực hiện 3 lần nâng lãi suất nữa vào năm 2023 và không tiếp tục vào năm sau đó.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, động thái này của FED có thể ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, chuyên gia tại Đại học Kinh Tế TP. HCM đánh giá, tác động của việc FED tăng lãi suất với nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu là gián tiếp, thông qua tâm lý của nhà đầu tư. Quan trọng là thị trường đón nhận hành động tăng này như thế nào.
"Quan sát những lần phải tăng lãi suất trước của FED, tôi thấy thật ra, việc cần quan tâm không hẳn là đánh giá kết quả của việc FED tăng, giảm lãi suất mà thông điệp họ muốn truyền đạt. Nhà đầu tư, cũng như giới phân tích, muốn đánh giá được FED nghĩ gì, kỳ vọng điều gì từ thị trường, thông qua hành động tăng giảm lãi suất đó" - ông Bảo nói. "Cá nhân tôi cho rằng, việc FED tăng lãi suất lần này có thể coi là một hành động sửa sai cho những đánh giá cuối năm 2021, rằng bóng ma lạm phát không đáng sợ như một số phân tích trước đó".
Chuyên gia này phân tích, trước đó, FED kỳ vọng vào ba việc. Thứ nhất là dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Thứ hai là các hoạt động kinh tế ở phía cung, lẫn phía cầu, sẽ làm giảm áp lực lạm phát. Và thứ ba, là tình trạng khan hiếm lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giảm trong năm 2022. Những điều này được cho sẽ làm giảm áp lực lạm phát của năm 2022.
Vì thế, FED cho rằng việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chưa thực sự cần thiết, thay vào đó, họ cân nhắc việc thu hẹp bớt các chương trình mua lại tài sản, làm chậm lại quá trình bơm tiền vào nền kinh tế, hơn là tăng lãi suất. Đối với họ, tăng lãi suất là một liều thuốc quá mạnh, chưa cần thiết vào lúc này.
Nhưng vừa rồi, cuộc xung đột Nga – Ukraine và các diễn biến kinh tế có liên quan, ví dụ như hành vi trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây với Nga, cộng với tình hình căng thẳng toàn cầu do cuộc xung đột, và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nguồn cung năng lượng, lại thổi bùng bóng ma lạm phát lên. Nhận định của FED đã không còn chính xác, áp lực lạm phát quá mạnh. Việc tăng lãi suất, theo PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, là sự thừa nhận của FED với điều này. Và điều đó càng củng cố thêm tâm lý e ngại của người dân về áp lực lạm phát.
Nói về áp lực lạm phát, ông Bảo chỉ ra, có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên nhận định rằng áp lực lạm phát 2022 là rất lớn. Quan điểm còn lại thì phản biện rằng bóng ma lạm phát không đáng sợ như vậy. Những người phản biện lập luận rằng, áp lực lạm phát toàn cầu chưa phải quá lớn, và cho dù áp lực tăng giá lớn thì sự truyền dẫn đến nền kinh tế Việt Nam cũng không quá mạnh.
"Cá nhân tôi vẫn cho rằng, thứ nhất, áp lực tăng giá cả trên trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục cao, chủ yếu là từ giá năng lượng, giá dầu như chúng ta đã thấy. Thứ hai là giá cước vận chuyển đường bộ, đường hàng không… khiến cho các yếu tố đầu vào cho ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ đều tăng cả. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraine như một giọt nước tràn ly, thổi bùng tâm lý bất ổn toàn cầu" - chuyên gia này nói và dẫn chứng, rất nhiều nghiên cứu kinh tế học đã chỉ ra, bất ổn toàn cầu và áp lực lạm phát luôn luôn là đồng biến. Bởi người dân sẽ có xu hướng tích trữ, đổ tiền vào các kênh phòng ngừa rủi ro, làm tăng giá vàng, giá của tài sản có tính an toàn cao.
Trả lời câu hỏi, liệu FED có thực hiện việc thu hẹp tiền tệ hay không, chuyên gia này đánh giá, đó vẫn là một câu hỏi mở. Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định, dưới cách điều hành tiền tệ và quan điểm của ông Powell, có thể thấy, Chủ tịch FED không quá quan ngại áp lực lạm phát, cho rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của FED. Có thu tiền về hay không sẽ phụ thuộc vào việc cú sốc giá này sẽ kéo dài bao lâu, căng thẳng Nga – Ukraine sẽ diễn biến thế nào.
"Còn có tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam, có làm dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam hay không, thì tôi cho rằng khó có tác động đó xảy ra. Tôi vẫn cho rằng, sự kiện này gây ra vấn đề tâm lý nhiều hơn. Tác động sẽ thông qua việc nhà đầu tư nhìn nhận những quyết định đó của Mỹ và môi trường đầu tư toàn cầu như thế nào, để đi đến quyết định đầu tư cá nhân, chứ không phải là FED hút tiền về thì dòng vốn quốc tế, dòng vốn gián tiếp sẽ đảo ngược" - chuyên gia này kết luận.