Bong bóng du lịch thực sự có thể phục hồi kinh tế sau dịch bệnh?
Gần đây có 1 ý tưởng mới nổi lên, hướng về mục tiêu kết nối lại thế giới: tạo ra những "bong bóng" mà trong đó các nước đang đối phó tốt với virus corona sẽ kết nối với nhau, các hoạt động đi lại, giao thương giữa các nước này bình thường trở lại.
Thế giới vừa trải qua những ngày thực sự đáng nhớ. Năm ngoái, chúng ta di chuyển nhiều hơn bao giờ hết, với tổng cộng 4,6 tỷ chuyến bay đã được thực hiện. Nhưng trong tháng 4 vừa qua, những chiếc máy bay chỉ chở tổng cộng 47 triệu hành khách. Con số này quy đổi theo tỷ lệ hàng năm sẽ khiến thế giới quay ngược trở lại năm 1978.
Hoạt động đi lại đóng băng khiến những vết thương mà Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu càng lan rộng hơn, khiến các mối quan hệ thương mại trở nên phức tạp hơn, đảo lộn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và gần như nhấn chìm ngành du lịch. Tuy nhiên gần đây có 1 ý tưởng mới nổi lên, hướng về mục tiêu kết nối lại thế giới: tạo ra những "bong bóng" mà trong đó các nước đang đối phó tốt với virus corona sẽ kết nối với nhau, các hoạt động đi lại, giao thương giữa các nước này bình thường trở lại.
Sau khi xem xét kỹ, ý tưởng này mang đến một số niềm lạc quan. Theo tính toán của The Economist, có thể tạo ra những bong bóng kết nối các nước chiếm 35% GDP toàn cầu, 39% tổng khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu và 42% chi tiêu cho du lịch của toàn thế giới. Nhưng chính những thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải khi tạo ra các bong bóng này cũng cho thấy việc tái khởi động nền kinh tế toàn cầu khó khăn đến mức nào.
Ở thời điểm hiện tại, biên giới các nước không thể quay trở lại trạng thái hoàn toàn giống với trước dịch. Nhiều chuyên gia y tế ban đầu phản đối việc hạn chế đi lại giờ đã phải thừa nhận đó là biện pháp hữu dụng, đặc biệt là đối với những nơi đã kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng. "Mỗi ca nhiễm trong nội địa đều có thể là hạt mầm reo rắc đại dịch", theo Ben Cowling, chuyên gia dịch tễ học tại ĐH Hong Kong.
Bong bóng đầu tiên trên thế giới đã được triển khai hôm 15/5, gồm Estonia, Latvia và Lithuania, những nước kiểm soát dịch tốt nhất ở châu Âu. Công dân các nước này được tự do đi lại giữa 3 nước mà không cần cách ly. Nhóm tiếp theo sẽ là New Zealand và bang Tasmania của Australia, nơi các ca nhiễm đã giảm xuống một cách ổn định. Trung Quốc và Hàn Quốc đã mở kênh nhập cảnh nhanh cho doanh nhân. Ông Cowling cho rằng thế giới sẽ xuất hiện khá nhiều bong bóng quy mô nhỏ.
Nhưng giống như logic hiệp định thương mại vùng bao giờ cũng hiệu quả hơn so với hiệp định song phương, bong bóng lớn hơn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Do đó Economist cho rằng nên sáp nhập các bong bóng nhỏ như hiện nay thành 2 bong bóng lớn.
Đầu tiên là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi những nước từ Nhật Bản đến New Zealand đã ghi nhận ít hơn 10 ca nhiễm mới trên mỗi 1 triệu dân trong tuần qua. Thứ hai là ở châu Âu: áp dụng tiêu chí nới lỏng hơn một chút – dưới 100 ca nhiễm mới trên mỗi 1 triệu dân, bong bóng này kéo dài từ bờ biển Baltic đến vùng biển Adriatic (một phần của biển Địa Trung Hải). Bong bóng ở châu Á Thái Bình Dương chiếm 27% GDP thế giới nhờ có Trung Quốc và Nhật Bản, còn bong bóng ở châu Âu chiếm 8%.
Một thước đo khác để đánh giá giá trị của bong bóng là mức độ hội nhập thương mại. Đối với các nước trong bong bóng châu Á Thái Bình Dương, trung bình 51% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là với các nước trong nhóm. Còn trong bong bóng châu Âu, tỷ lệ là 41%. Các nước nhỏ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi kết nối lại với các nước láng giềng lớn hơn.
Di chuyển tự do đặc biệt có lợi cho những nơi phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan và Hy Lạp. Các "công xưởng sản xuất" ở châu Âu và châu Á cũng hưởng lợi nhờ người lao động được tự do di chuyển. Trước dịch, mỗi ngày có 3,5 triệu người qua lại giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu, và 700.000 người đi lại giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Những quả bong bóng này còn tạo ra các hiệu ứng (cả tiêu cực và tích cực) vượt ra bên ngoài lãnh thổ. Ngày nay hoạt động thương mại dịch vụ đã chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với thương mại hàng hóa. Anh có thể ở bên ngoài bong bóng Baltic-Adriatic nhưng những chuyên viên tài chính của London vẫn được hưởng lợi. Hay ở 1 ví dụ khác tại châu Á: Việt Nam tham gia bong bóng châu Á Thái Bình Dương nhưng Indonesia thì không, khi đó dòng vốn đầu tư sẽ chuyển dịch từ Indonesia sang Việt Nam.
Nhưng chặng đường phía trước còn rất dài và khó khăn. Trên phương diện thương mại, các bong bóng giống như phiên bản cao cấp nhất của các thỏa thuận phi thuế quan: các nước cần phải hài hòa về cách tiếp cận để kiểm soát đại dịch, trong khi trên thực tế Mỹ và châu Âu thậm chí không thể thống nhất với nhau về vấn đề liệu khử trùng gà bằng chlorine có an toàn hay không.
Liệu các nước có tỷ lệ lây nhiễm tương tự nhau nhưng ở mức cao có thể hình thành bong bóng hay không? Đó chính là câu hỏi dành cho Anh và Pháp ở thời điểm hiện tại: 2 nước có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày nhưng đang không áp dụng chính sách cách ly công dân của nhau. Điều này có thể tạo ra 2 vấn đề. Đầu tiên, vì cả hai nước hiện nay vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội, họ không thực sự muốn có quá nhiều người tập trung ở một chỗ. Thứ hai, nếu một trong hai nước bắt đầu kiểm soát dịch tốt hơn đáng kể, có lẽ sẽ lựa chọn đóng cửa biên giới với nước kia để tránh lây lan.
Do đó có thể nói những bong bóng "nhiễm bệnh" sẽ ít hiệu quả hơn và nguy hiểm hơn. Lý tưởng nhất là những bong bóng "sạch". Theo Teo Yik Ying, hiệu trưởng trường Y tế công Saw Swee Hock trực thuộc ĐH Quốc gia Singapore, để hiệu quả thì đầu tiên các quốc gia phải kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong nước, sau đó cần cởi mở với các đối tác bằng cách chia sẻ dữ liệu về tình hình dịch bệnh, công khai thông tin về cách truy lùng dấu vết và cách ly người bệnh. Như vậy cần có niềm tin rất lớn giữa các chính phủ với nhau.
Nhắc đến yếu tố niềm tin khiến bong bóng châu Á Thái Bình Dương trở nên lung lay. Gần đây Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty Australia sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19. Lào và Campuchia có ít ca nhiễm nhưng chưa được các nước giàu hơn đánh giá cao.
Giải pháp để bù đắp niềm tin là thực hiện nhiều xét nghiệm hơn. Quy trình nhập cảnh nhanh giữa Hàn Quốc và Trung Quốc là 1 ví dụ. Nếu doanh nhân được xét nghiệm âm tính với virus trước khi khởi hành, họ chỉ cần cách ly 1-2 ngày và sẽ được xét nghiệm thêm một lần nữa trước khi nhập cảnh. Nhưng quy trình này khá rắc rối và dễ quan liêu, trong 10 ngày đầu tiên thực hiện quy định mới Trung Quốc chỉ cho phép 210 người Hàn Quốc nhập cảnh.
Nhưng ở thời điểm hiện tại thực sự khó có thể tìm ra lối tắt nào khác. Michael Baker, chuyên gia dịch tễ học tại ĐH Otago ở Wellington, cho rằng các nước phát triển đang chia làm 2 nhóm: những nước như New Zealand và Hàn Quốc hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn virus trong khi những nước như Anh và Mỹ có thái độ thiếu quyết liệt hơn. Có lẽ 1 phiên bản bong bóng khác sẽ thích hợp hơn: hàng hóa và tiền vẫn tự do lưu chuyển, còn con người vẫn phải được phân chia rõ ràng giữa dương tính và âm tính.
Tham khảo The Economist