Boeing dàn xếp 2,5 tỷ USD cho vụ điều tra tai nạn máy bay 737 MAX
Thỏa thuận này bao gồm 243,6 triệu USD tiền phạt hình sự, 1,77 tỷ USD bồi thường cho các hãng hàng không và 500 triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân của hai vụ rơi máy bay...
Nhà sản xuất máy bay Boeing ngày 7/1 đạt được thỏa thuận trả 2,5 tỷ USD với Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp các cáo buộc hình sự về việc công ty này lừa dối Cục Hàng không Liên bang (FAA) để được cấp phép bay cho dòng phi cơ 737 Max bị lỗi.
Tháng 3/2019, 737 Max bị FAA và nhiều cơ quan quản lý hàng không trên thế giới đình bay sau hai vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng. Tới tháng 11/2020, Máy bay này được FAA cấp phép bay trở lại sau khi hệ thống an toàn bay bị lỗi được điều chỉnh đáng kể. Những lỗi này được xác định là nguyên nhân gây ra hai vụ tai nạn thảm khốc và cũng là tâm điểm của cáo buộc gian dối nhằm vào Boeing.
"Những tuyên bố sai lệch, một nửa sự thật và những nội dung bị lược bớt của nhân viên Boeing với FAA đã gây cản trở việc đảm bảo an toàn bay cho công chúng của cơ quan quản lý", luật sư Erin Nealy Cox của Quận Bắc Texas cho biết. "Vụ án này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Bộ Tư pháp sẽ buộc các nhà sản xuất như Boeing phải chịu trách nhiệm về việc lừa dối các cơ quan quản lý - đặc biệt là trong những ngành cần có trách nhiệm cao như hàng không".
Đơn kiện nhằm vào Boeing cho biết ít nhất 2 nhân viên Boeing đã tham gia vào vụ lừa dối cơ quan chức năng từ cuối năm 2016 - trong các giai đoạn xin cấp phép cuối cùng để khai thác Boeing 737, cho tới tận cuối năm 2018 - khi máy bay này đã được đưa vào sử dụng và sau vụ tai nạn đầu tiên.
Theo hồ sơ, ít nhất một trong hai nhân viên này đã nghỉ việc tại Boeing vào tháng 7/2018 để làm việc cho một hãng hàng không. Tình trạng làm việc của nhân viên còn lại không được xác định. Boeing đã đồng ý hợp tác với cơ quan chức năng nếu có bất kỳ truy tố cá nhân nào phát sinh từ vụ việc này.
Thỏa thuận trên bao gồm 243,6 triệu USD tiền phạt hình sự, 1,77 tỷ USD tiền bồi thường cho các hãng hàng không là khách hàng của Boeing và 500 triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân của hai vụ rơi máy bay. Trước đó, Boeing cũng đã dành ra một khoản dự phòng để đền bù cho các hãng hàng không và khoảng 100 triệu USD cho các gia đình nạn nhân. Hãng này cũng cho biết sẽ phải trả một khoản bổ sung là 743,6 triệu USD từ lợi nhuận cho việc dàn xếp này.
Theo thỏa thuận, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ hoãn mọi truy tố hình sự đối với Boeing trong 3 năm và các cáo buộc sẽ được hủy bỏ nếu không phát hiện thêm hành vi sai trái của công ty.
"Tôi tin chắc rằng thỏa thuận này là điều đúng đắn mà chúng tôi phải làm - một bước thừa nhận rằng chúng tôi đã không đạt những giá trị và kỳ vọng của mình", CEO Dave Calhoun của Boeing cho biết. "Thỏa thuận này cũng là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với chúng tôi rằng việc tuân thủ nghĩa vụ minh bạch với cơ quan quản lý quan trọng thế nào và những hậu quả mà chúng tôi phải đối mặt nếu không làm được điều đó".
Tuy nhiên, nhiều gia đình nạn nhân của hai vụ tan nạn tỏ ra bất bình và cho rằng thỏa thuận của Boeing chẳng khắc nào "cú tát vào cổ tay".
"Đây là một thỏa thuận bảo vệ cho Boeing", Michael Stumo, cha của Samya Rose Stumo - người thiệt mạng trong vụ tai nạn thứ hai vào tháng 3/2019, bức xúc.
Ông Stumo cho biết gia đình các nạn nhân của hai vụ tai nạn đang yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ không dàn xếp thảo thuận với Boeing.
"Những người có hành vi gian lận ở Boeing chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Chính phủ vẫn tiếp tục bảo vệ họ dù công nhận hành vi phạm tội của họ. Số tiền chi trả để dàn xếp sẽ chỉ là một trong những sai lầm về tài chính của công ty. Đây là thứ công lý giả tạo được những người trong cuộc đồng ý, nhưng lại loại bỏ gia đình các nạn nhân".
"Điều này có thể là một lời nhắc nhở rằng đội ngũ lãnh đạo hiện tại của Boeing và FAA không xứng đáng để chúng ta giao phó tính mạng của mình", Zipporah Kuria, một công dân Anh mất cha trong vụ tai nạn thứ hai, nói. "Ưu tiên của họ là lợi ích của doanh nghiệp thay vì tính mạng con người". Kuria cho rằng thỏa thuận trên "thậm chí chưa chạm được vào bề mặt công lý".
Theo các chuyên gia, số tiền dàn xếp được đánh giá là khá nhỏ so với những thiệt hại mà Boeing hứng chịu trong 2 năm qua. Trước đó, hãng này đã mất 20,7 tỷ USD tiền đền bù trực tiếp cho các hãng hàng không, chi phí sản xuất, kho bãi và bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Bên cạnh đó, thiệt hại về doanh thu do các đơn hàng bị hoãn, hủy hoặc đàm phán lại có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Có thể nói, sự cố với Boeing 737 Max là một trong những sai lầm đắt giá nhất trong lịch sử đối với Boeing, về cả thiệt hại tài chính lẫn thiệt hại về người.