"Bóc mẽ" những bất thường của Xuyên Việt Oil
Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 5 bị can với 3 tội danh khác nhau
Dư luận đang quan tâm đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Trước khi khởi tố vụ án, cơ quan thẩm quyền từng chỉ ra những bất thường của Xuyên Việt Oil.
Kiểm tra lại vẫn sai phạm
Như đã thông tin, ngày 8-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án trên, đồng thời khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với bà Mai Thị Hồng Hạnh (giám đốc) và bà Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc Xuyên Việt Oil), về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Mở rộng điều tra, ngày 14-12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi". Ngày 19-12, đến lượt ông Lê Duy Minh (Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cựu cục trưởng Cục Thuế TP HCM) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Nhận hối lộ". Mới đây nhất, ngày 21-12, cơ quan trên tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương), để điều tra về tội "Nhận hối lộ". Như vậy, trong vụ án này, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 3 quan chức.
Không phải chờ đến khi các bị can nêu trên bị khởi tố, bắt giam thì những bất thường trong hoạt động kinh danh của Xuyên Việt Oil mới được hé lộ; bởi lẽ doanh nghiệp này từng bị thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm.
Cụ thể, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cuối năm 2022 đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại doanh nghiệp này. Theo đó, Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22-8-2016, cấp lại vào ngày 19-11-2021. Khi được Bộ Công Thương cấp phép, Xuyên Việt Oil có đầy đủ các điều kiện theo quy định tại điều 7 Nghị định 83/2014/CP. Cụ thể là Xuyên Việt Oil có 49 đại lý, bao gồm 17 đại lý do công ty mẹ Xuyên Việt Oil trực tiếp ký hợp đồng đại lý và 32 đại lý thuộc Công ty Đại Đồng Xuân, là công ty con của Xuyên Việt Oil.
Tuy nhiên, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ ra rằng để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể, Xuyên Việt Oil có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân. Thế nhưng, đúng vào ngày được cấp lại giấy phép, Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân ký kết văn bản hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm hủy bỏ, hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết. Bộ Công Thương đã "bóc mẽ" sự bất thường này, chỉ rõ Xuyên Việt Oil chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu). Từ kết quả thanh tra này, Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép thời hạn 1,5 tháng và bị xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi như không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý...
Năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện việc kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Xuyên Việt Oil. Tại thời điểm kiểm tra, Bộ Công Thương ghi nhận công ty này có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng trong đó 3 cửa hàng có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Do không đáp ứng điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nên ngày 11-8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BCT thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Xuyên Việt Oil.
Đằng sau nợ thuế cực lớn
Những bất thường trong hoạt động kinh doanh của Xuyên Việt Oil đã hé lộ từ nhiều năm trước với các khoản nợ thuế cực lớn. Năm 2022, doanh nghiệp này nợ trên 684 tỉ đồng tiền thuế - đây cũng là thời điểm thị trường xăng dầu trong nước gặp trục trặc về nguồn cung. Vì lý do này, Cục Thuế TP HCM đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục, không giải quyết nhập khẩu xăng, dầu cho Xuyên Việt Oil.
Về con số nợ thuế hiện tại, trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023 vừa được Cục Thuế TP HCM công bố, Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách với số nợ thuế lên tới 1.529 tỉ đồng, chiếm gần 19% tổng số nợ. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỉ đồng. Đáng chú ý, tháng 1-2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng ngàn tỉ đồng. Thời điểm đó, ông Lê Duy Minh là lãnh đạo Cục Thuế TP HCM.
Công ty Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TP HCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định. Tuy nhiên, trong văn bản gửi Cục Thuế TP HCM, Tổng cục Thuế chỉ ra những bất thường liên quan đến công tác quản lý thuế với Xuyên Việt Oil, dẫn đến tình trạng nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng chưa thể thu hồi.
Trong văn bản của Tổng cục Thuế nêu rõ từ năm 2020 đến tháng 7-2022, Xuyên Việt Oil còn khả năng nộp thuế nhưng Cục Thuế TP HCM chưa quyết liệt yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chỉ áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế sau khi công ty phát sinh số tiền thuế nợ lớn dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Ngoài số nợ thuế nêu trên, Xuyên Việt Oil còn nợ hàng ngàn tỉ đồng tại các ngân hàng thương mại và đều bị xếp vào diện nợ xấu. Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, đến cuối năm 2022, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đi lùi khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỉ đồng, giảm 10.446 tỉ đồng (46,7%) so với năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ 800 tỉ đồng, năm trước đó lỗ 720 tỉ đồng; lỗ lũy kế lên đến 3.533 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 533 tỉ đồng. Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil tại thời điểm 31-12-2022 ghi nhận 8.483 tỉ đồng, giảm hơn 30% so với cuối năm 2021; nợ phải trả giảm 30% xuống 9.015 tỉ đồng, trong khi nợ vay ngắn hạn tăng 145%, tương ứng 5.844 tỉ đồng.
Việc điều tra các hành vi phạm tội của những bị can trên, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ - người từng có thời gian dài làm trong lĩnh vực ngân hàng - vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Ông Đỗ Thắng Hải được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương từ tháng 1-2014. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng là đơn vị chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hải.
Vụ Thị trường trong nước có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định các điều kiện cấp phép cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Công ty Xuyên Việt Oil, rồi trình lãnh đạo Bộ Công Thương cấp phép. Vụ này cũng có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định và trình lãnh đạo bộ chấp thuận, cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tước quyền sử dụng, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật. Trong đó có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng xăng dầu, khí.