Bob Dylan, giải Nobel văn chương và sự khốn cùng của văn học

18/10/2016 11:31 AM | Sống

Có lẽ, thế giới mà chúng ta đang sống, đã thật sự thay đổi rồi. Ở đó, việc một nhạc sỹ đoạt giải Nobel văn chương không có nghĩa người nhạc sỹ đó không xứng đáng, mà nó chỉ đơn thuần nói lên sự khốn cùng của văn học mà thôi. Phải vậy không?

Đây không phải là một câu chuyện đùa. Nó là sự thật. Bob Dylan, một nhạc sỹ/ca sỹ người Mỹ đã giành giải Nobel văn chương năm nay, vì đã “tạo ra những thể nghiệm thi ca mới trong âm nhạc truyền thống Mỹ”. Nhân tiện, Bob đã vượt qua Murakami để có vé đến Stockholm trong tháng tới.

Nghe thì hơi ngạc nhiên và có phần buồn cười, nhưng ngẫm lại thì cũng không sai khác mấy. Thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới của Kim Jong Un, của Tập Cận Bình, của Putin và Hillary/Trump, cũng hoàn toàn có thể là một thế giới của Bob Dylan quá đi chứ.

Theo lý thuyết phân rã của tôi, xã hội chúng ta đang tiến vào giai đoạn cuối cùng của một chu kỳ phát triển, ở đó mọi sự phân rã, chia tách, hỗn loạn và kèm theo nó là những xấu xa, suy thoái trên mọi phương diện của đời sống xã hội sẽ là những nét chủ đạo trong giai đoạn này. Vậy nên, thế giới nhạc dân gian/blues của Bob đã chiến thắng nhẹ nhàng trước thế giới huyền ảo huyễn hoặc và bế tắc của Murakami.

Vì sao vậy?

Vì khi văn hóa xuống cấp, những kiệt tác khó mà xuất hiện để lên ngôi. Không phải là Bob không xứng đáng, mà chỉ đơn giản là văn học đã khốn cùng. Những tác phẩm văn chương mà tôi có thể nhớ được vào lúc này đều đã được viết từ cách đây lâu lắm. Còn Murakami? Cái thế giới huyền ảo, mơ màng và bế tắc của ông, theo tôi, chỉ mang lại những gì…bế tắc và hư ảo, với những con mèo, cái giếng, nhân vật nam bất cần và đơn giản và cô đơn cùng nhân vật nữ cũng bất cần, cô đơn và không kém phần đơn giản.

Nhìn xung quanh chúng ta xem, đó là một thế giới xuống cấp và bế tắc. Từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho tới chính sách của các ngân hàng trung ương; từ cuộc chiến ở Syria cho đến chiến tranh OPEC-đá phiến; từ thiết kế Iphone 7 cho đến những cục pin hư của Samsung… tất cả đều bế tắc. Và lẽ ra, Murakami xứng đáng phải là người được nhận giải cao nhất cho “tư tưởng bế tắc” của thời đại chúng ta đang sống, nhưng một lần nữa, Ủy ban xét giải Nobel lại cho thấy sự “bế tắc” của mình trong một lựa chọn còn “bế tắc” hơn cả Murakami.

Việc Bob được giải Nobel văn chương năm nay cũng cho thấy mức độ hỗn loạn (chaos) của thế giới mà chúng ta đang sống đã đạt tới đỉnh điểm thế nào. Khi David Riesman viết Đám đông cô đơn, chắc hẳn ông cũng chưa bao giờ nghĩ đến thế giới hiện nay, thế giới đông đúc chật chội chưa từng có nhưng cũng lại cô đơn hơn bao giờ hết. Tâm lý của thế giới đó không còn dễ dàng phân định giữa nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng, mà đó là tâm lý của những con người phức tạp, nội tại ở điểm này và ngoại tại ở điểm kia (có dịp tôi sẽ viết sâu hơn về chuyện này).

Cũng dễ hiểu thôi vì chúng ta đang ở cuối một chu kì, tức là chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của nhiều hiện tượng, vấn đề và cũng lờ mờ hình dung ra một tương lai mới, khác hẳn những gì mà ông bà và cha mẹ chúng ta đã chứng kiến. Ở đó, các lực mới và cũ đan xen, xung đột với nhau và trong khi những cái cũ quen thuộc dần biến mất thì những cái mới nhưng vô cùng khó hiểu lại lần lượt hiện ra. Kết quả là một sự hỗn loạn trong mọi phương diện đời sống. Trong đó có văn chương.

Ở thời đại chúng ta đang sống, người ta đang phải vật lộn để tìm kiếm hướng đi mới. Những đỉnh cao chỉ huy nên thuộc về nhà nước hay thị trường? Vật lí học cổ điển giải thích thế nào về vật lí lượng tử và thuyết hỗn loạn? Khoa học hiện đại của phương Tây hay những triết lí cổ truyền của phương Đông sẽ dẫn dắt chúng ta vào kỉ nguyên mới? Tranh cãi, và vật lộn.

Trong đoạn cuối của chu kì phát triển đó, thật khó để tìm kiếm một tư tưởng nổi trội, một tư tưởng chủ đạo hay một tư tưởng dẫn dắt. Thi ca vốn đã có giai điệu, còn âm nhạc... Đỉnh cao của sự phức tạp là sự đơn giản và khi bạn cần phải dùng đến nhiều công cụ để truyền tải cảm xúc và tinh thần, quả thực nó sẽ không thể làm thỏa mãn tính cao quý nhất mà chỉ loài người chúng ta mới có: sự tưởng tượng. Einstein chẳng đã từng nói sự tưởng tượng quan trọng hơn tri thức đó sao?

Nói gì thì nói, khi nhắc đến Bob, với tất cả sự tôn trọng của mình, tôi vẫn không tài nào liên hệ được với những TS Eliot hay Tagore. Có lẽ, thế giới mà chúng ta đang sống, đã thật sự thay đổi rồi. Ở đó, việc một nhạc sỹ đoạt giải Nobel văn chương không có nghĩa người nhạc sỹ đó không xứng đáng, mà nó chỉ đơn thuần nói lên sự khốn cùng của văn học mà thôi. Phải vậy không?

Hát như Dylan, “câu trả lời, bạn của tôi, đang cuốn bay trong cơn gió”.. (một câu trong bài hát của Bob Dylan: The answer my friend is blowin' in the wind).

Ủy ban Nobel không liên lạc với Bob Dylan nữa

Theo AFP, sau nhiều ngày không thể liên lạc trực tiếp với nghệ sĩ Bob Dylan, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định không tìm cách liên hệ với ông nữa.

Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia SR này 17-10, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, bà Sara Danius, nói:

"Hiện tại chúng tôi không làm gì nữa. Tôi đã gọi điện và gửi email cho những người cộng tác gần gũi nhất của ông ấy và nhận được những phản hồi rất thiện chí. Cho tới lúc này, như vậy là đủ rồi".

Kể từ thời điểm công bố giải Nobel văn chương 2016 ngày 13-10 tới nay, nghệ sĩ lừng danh của Mỹ vẫn giữ thái độ im lặng.

(Theo Tuổi trẻ)

Long Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM