Bỏ việc Giám đốc vận hành Pizza 4P’s để tự khởi nghiệp và "giấc mơ lớn" của người đàn ông Nhật muốn góp phần thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam

18/08/2020 11:32 AM | Kinh doanh

Cách đây 2 năm, lúc quyết định rời Pizza 4P’s, Taku Tanaka đứng giữa 2 sự lựa chọn: xây dựng một nhà hàng hoặc làm nhà cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng. Với lựa chọn đầu tiên, nếu làm tốt, thị trường có thể có thêm một thương hiệu ẩm thực tốt như Pizza 4P’s; còn với lựa chọn thứ hai, nếu thành công, Taku có thể góp phần thay đổi cả ngành ẩm thực. Đã startup là phải mơ lớn, thế nên chàng trai trẻ này đã chọn phương án thứ hai để khởi nghiệp.

Với tôi, khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp chính là Covid-19


Cuối tháng 3/2020, lòng Taku Tanaka dường như chết lặng khi nghe thông tin Nhà nước Việt Nam ra lệnh lockdown toàn xã hội để ngăn ngừa virus Corona lây lan mạnh hơn.

Lúc đó, sau khoảng hơn 1,5 năm gầy dựng Kamereo, tình hình kinh doanh của startup này đang ngày càng tốt hơn và nhận được rất nhiều sự yêu quý từ các đối tác nhà hàng. Qua thời gian, Kamereo dần chứng tỏ cam kết cung cấp thực phẩm "chất lượng nhà hàng giá siêu thị" của mình không phải chỉ để PR.

Giãn cách toàn xã hội tức đồng nghĩa với việc những đối tác nhà hàng của họ không được mở cửa kinh doanh mà chỉ có thể bán online. Với đặc thù phân khúc, việc các nhà hàng chuyển qua bán online không thực sự hiệu quả, nên hầu hết nhà hàng đều quyết định đóng cửa nghỉ khoẻ. Hậu quả: ngay lập tức doanh số của Kamereo giảm 70%.

Vấn đề nữa là, sứ mệnh và mô hình kinh doanh cốt lõi của Kamereo chủ yếu phục vụ ngành nhà hàng/khách sạn, nên Taku Tanaka không hề có bất cứ phương án kinh doanh nào để đối phó với biến cố này. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người từng được chọn làm Giám đốc vận hành của Pizza 4P’s khi còn rất trẻ, Taku Tanaka không chịu ngồi im chờ chết. Anh cùng đội ngũ ngay lập tức tìm cách xoay chuyển tình hình, nếu mình không thể bán hàng theo kiểu B2B nữa thì có thể chuyển sang B2C.

Tuy nhiên, vì không có sự chuẩn bị trước, nên Kamereo không có bất cứ công cụ gì để phục vụ việc chuyển hướng chiến lược đột ngột; họ buộc phải bắt đầu xây dựng một nền tảng mới. Và mệnh lệnh tối thượng là phải xây thật nhanh để đưa vào hoạt động chứ không thể làm chậm rãi và kỹ càng như trong thời bình. Với quyết tâm cao độ, chỉ 1 tháng sau, Kamereo đã có thể trình làng nền tảng bán thực phẩm B2C online của mình với tên gọi là KameMart.

Cho tới thời điểm này, startup này vẫn không ngừng hoàn thiện nền tảng KameMart để ngày càng tối ưu hóa nó, phục vụ công việc kinh doanh và trải nghiệm khách hàng.

"Có thể nói, với tôi, khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp chính là Covid-19. Bởi nó xảy ra quá đột ngột, không ai ngờ tới và tôi không có bất cứ sự chuẩn bị nào để đối phó với nó", anh Taku Tanaka hồi tưởng.

Bỏ việc Giám đốc vận hành Pizza 4P’s để tự khởi nghiệp và giấc mơ lớn của người đàn ông Nhật muốn góp phần thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam - Ảnh 1.

App mua hàng online KameMart - thành quả sau 1 tháng nỗ lực toàn diện của tập thể Kamereo.

Dù ra đời tương đối vội vàng, trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và chưa có bất cứ chương trình PR - marketing nào; song KameMart vẫn được một bộ phận khách hàng trung và cao cấp đón nhận nhiệt tình. Tất cả là nhờ uy tín trong những ngày tháng cung cấp thực phẩm cho 1 loạt nhà hàng có thương hiệu như Là Việt Coffee, Cuốn và Chấm, Lion City Group, Cục Than Bistro… Hiện tại, KameMart có khoảng 3.000 user và khoảng 10% trong đó là khách hàng thường xuyên của siêu thị online này.

Rút kinh nghiệm lần 1, để không phải rơi vào tình cảnh "bỏ trứng vào 1 giỏ", ngoài kênh bán qua app và website của bản thân, Kamereo còn đưa KameMart lên các ứng dụng và nền tảng thương mại điện tử khác như Grab, Shopee, Lazada. Thậm chí, họ còn xây dựng một nhà kho gần nhà kho trong nội thành nhằm bảo đảm thực phẩm của KameMart lúc nào cũng sẵn sàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và tươi ngon nhất.

Trong cái rủi có cái may


Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc cạnh khác, việc có thêm KameMart là một bước tiến mới cần thiết của Kamereo. Như chia sẻ của chính Taku Tanaka, việc đi cả hai kênh B2B và B2C khiến Kamereo vững vàng hơn trên con đường thực hiện sứ mệnh được nhiều người cho là không tưởng - "chất lượng nhà hàng giá siêu thị", cho ngành nhà hàng/khách sạn và các thực khách - người tiêu dùng cuối. Bởi dù sao thì đi bằng 2 chân vẫn tốt hơn 1 chân!

"Sở dĩ chúng tôi có thể thực hiện được điều mà ít doanh nghiệp tại Việt Nam làm được, là bởi có thể xem Kamereo như một sàn thương mại, kết nối trực tiếp giữa nhà cung cấp và các chủ nhà hàng.

Chúng tôi có những nhà cung cấp chất lượng với giá cả phải chăng. Vùng nguyên liệu chủ yếu của chúng tôi là Đà Lạt và Củ Chi, tiêu chí chất lượng nông sản ít nhất phải đạt chuẩn VietGap. Trước khi Covid-19 diễn ra, thường thì chúng tôi sẽ cử người đến tận trang trại để kiểm tra chất lượng nông sản cũng như truyền đạt với nông dân hay chủ trang trại về mục tiêu sứ mệnh của Kamereo, sau đó chúng tôi sẽ ký hợp đồng giá ‘cố định’. Nhờ đó, thực phẩm của Kamereo luôn có giá ổn định và phải chăng.

Thứ hai, sản phẩm của chúng tôi không phải đi qua nhiều đầu nậu trung gian như ở chợ hoặc siêu thị. Sau khi thu hoạch, người nông dân sẽ trực tiếp chở nông sản của họ đến các kho tập trung của chúng tôi, rồi chúng tôi phân phối trực tiếp đến nhà hàng.

Thứ ba, bằng hệ thống quản lý công nghệ cao và nhà kho hiện đại, chúng tôi ngày càng quản lý hàng tồn kho tốt hơn. Như chúng ta đều biết, trong ngành thương mại thực phẩm, quản lý hàng tồn kho luôn là vấn đề gây nhức đầu với các doanh nghiệp; nhưng bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thực phẩm của tôi, cộng với mô hình kinh doanh đặc thù của Kamereo, Kamereo không gặp quá nhiều khó khăn ở khâu này. Cái khiến tôi phiền lòng nhất, vẫn là giá logistic tại Việt Nam vẫn còn quá cao", Taku Tanaka chia sẻ.

Bỏ việc Giám đốc vận hành Pizza 4P’s để tự khởi nghiệp và giấc mơ lớn của người đàn ông Nhật muốn góp phần thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam - Ảnh 2.

Có thể việc thêm mảng B2C khiến công việc quản lý hàng tồn kho phức tạp hơn trước, nhưng vì họ có tới 2 tệp khách hàng để đẩy hàng đi, nên cũng không có quá nhiều lo lắng. Thêm nữa, việc có cả B2B lẫn B2C khiến anh Taku Tanaka cảm thấy tự tin hơn trong việc đưa doanh nghiệp sống sót qua mùa Covid-19. Theo anh, trong những đợt cao trào Covid-19, Kamereo sẽ tập trung vào B2C hơn và ngược lại. Dù như thế nào, thì doanh nghiệp cũng sẽ không rơi vào tình cảnh buộc phải đứng im như trước kia.

Trong đợt cao trào Covid-19 lần thứ hai này, doanh thu chung của thị trường F&B giảm xuống khoảng 30% còn của Kamereo giảm xuống tầm 20%.

Thị trường F&B của Việt Nam rất giàu tiềm năng, chất lượng thực phẩm tốt hơn rất nhiều nước Đông Nam Á


Mặc dù vừa mới khởi hành đã gặp nhiều khó khăn, tiêu biểu như Covid-19, nhưng founder Kamereo rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của doanh nghiệp mình.

Trong thời gian cùng gây dựng Pizza 4P’s với đội ngũ mình, Taku Tanaka nhận ra một điều: rất ít người Việt Nam có thể tiếp cận với thực phẩm chất lượng tốt với giá cả phải chăng. Với các chủ nhà hàng, nhu cầu này hết sức bức thiết, bởi chỉ khi tìm được nguồn cung thực phẩm tốt giá cả phải chăng ổn định thì họ mới có thể làm ra những món ăn ngon và nhà hàng mới thu về nhiều lợi nhuận.

Cách đây 2 năm, lúc quyết định rời Pizza 4P’s, Taku Tanaka đứng giữa 2 sự lựa chọn: xây dựng một nhà hàng hoặc làm nhà cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng. Với lựa chọn đầu tiên, nếu làm tốt, thị trường có thể có thêm một thương hiệu ẩm thực tốt như Pizza 4P’s; còn với lựa chọn thứ hai, nếu thành công, Taku có thể góp phần thay đổi cả ngành ẩm thực. Đã startup là phải mơ lớn, thế nên chàng trai trẻ này đã chọn phương án thứ hai để khởi nghiệp.

Kamereo là hệ thống tìm nguồn hàng và đặt hàng thực phẩm từ các nguồn cung ứng B2B cho nhà hàng/khách sạn/quán cà phê đầu tiên tại Việt Nam.

Bỏ việc Giám đốc vận hành Pizza 4P’s để tự khởi nghiệp và giấc mơ lớn của người đàn ông Nhật muốn góp phần thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam - Ảnh 3.

Vùng nguyên liệu của Kamereo ở Đà Lạt.

"Sau rất nhiều năm làm việc trong ngành F&B Việt Nam, tôi nhận thấy người Việt Nam có lẽ đã quá khắt khe với các sản phẩm quốc nội. Chất lượng ngành nông nghiệp Việt Nam khá tốt nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia hoặc Indonesia. Nếu ai đó thường xuyên chê thực phẩm Việt Nam chỉ toàn hàng bẩn, thì hãy một lần sang Indonesia hoặc Malaysia, bạn sẽ có một cái nhìn thiện cảm hơn với đồ Việt.

Tôi nghĩ, vấn đề ở đây nằm nhiều ở khâu trung gian mua bán – vận chuyển, khiến lúc thực phẩm đến tay người tiêu dùng bị biến dạng, thêm hóa chất hoặc không còn tươi ngon như lúc đầu thu hoạch. Kamereo ra đời với mục tiêu rút ngắn khoảng cách từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng, khiến thực phẩm đến tay người tiêu dùng tươi ngon và sạch nhất có thể", doanh nhân người Nhật bày tỏ.

Nhiều người cho rằng, đối thủ của KameMart là Farmer’s Market hoặc AnNam, nhưng thật ra không đúng. 2 nhà cung cấp này đi ngách cao cấp hơn của KameMart. Còn nếu buộc KameMart phải lựa chọn đối thủ, thì có thể là các siêu thị như Co.op Mart, VinMart, Big C…Tuy nhiên, theo anh Taku Tanaka, Kamereo không quan trọng chuyện đối thủ hay đối tác, một thị trường muốn phát triển nhanh cần phải có nhiều tay chơi.

Thêm nữa, ADN của startup này chính là Kamereo – nghĩa là con tắc kè trong tiếng Nhật, tức là luôn chuyển đổi mình từng ngày để phù hợp với chuyển động thị trường và ngày hôm nay luôn tốt hơn ngày mai. Thế nên, kể cả khi có nhiều đối thủ,  Kamereo cũng không cảm thấy sợ hãi.

"Không chỉ trong năm này mà trong khoảng vài năm tới, chiến lược kinh doanh của Kamereo vẫn là tập trung cho thị trường trong nước. Hiện tại, tập người dùng của chúng tôi vẫn còn khá mỏng nên chúng tôi muốn làm dày nó lên cũng như cung cấp thực phẩm tới nhiều người Việt Nam hơn nữa. Tuy nhiên, tầm nhìn của chúng tôi không chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp thực phẩm tốt cho nhà hàng hoặc người dân.

Đội ngũ Kamereo sẽ tập trung giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực nhà hàng/khách sạn. Ngành ẩm thực vẫn còn nhiều cơ hội để ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất. Chúng tôi hướng đến việc làm mới lĩnh vực F&B bằng cách đưa công nghệ vào thay thế những thao tác thủ công mỗi ngày.

Mọi hướng đi của chúng tôi đều bắt đầu bằng câu hỏi ‘vấn đề ở đây là gì?’. Đối với Kamereo, việc nhìn nhận một vấn đề không chỉ dừng ở phía bề mặt, mà chúng tôi sẽ còn tiến tới sâu hơn đến cốt lõi của mọi khó khăn", Taku Tanaka kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM