Bố U75 phải nhập viện, tôi lái xe về trong đêm: Khi nghe cuộc nói chuyện của bố mẹ, tôi đã phải oà khóc

19/05/2024 06:59 AM | Sống

"Chỉ sau sinh nhật 73 tuổi của bố vài ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại từ mẹ. Chẳng ngờ rằng lần trở về nhà đó đã giúp tôi nhận ra nhiều điều", anh Lý Minh chia sẻ.

Tôi tên là Lý Minh, 38 tuổi, đang làm việc trong một công ty Internet ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tôi là con trai duy nhất trong nhà nên được cha mẹ vô cùng cưng chiều. Dẫu hoàn cảnh gia đình chỉ ở mức bình thường, song chưa khi nào họ để tôi phải thua kém bạn bè.

Tôi được học ở ngôi trường cấp 2 có chất lượng tốt nhất huyện. Sau khi thi được vào trường cấp 3 thuộc top đầu, tôi tiếp tục học đại học trên thành phố. Từ khi rời nhà lên Bắc Kinh học tập rồi sau này sinh sống và lập nghiệp tại đây, tôi ít khi trở về thăm nhà.

Hôm đó, sau khi vừa kết thúc một ngày dài làm việc tại cơ quan vào lúc 7h tối, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ mẹ. Ở đầu dây bên kia, mẹ thông báo bố tôi vừa nhập viện. Sức khỏe của ông đang trong tình trạng nguy kịch.

Sau khi nhận được thông tin này, tôi vội vào phòng lấy túi đồ, bỏ thêm một vài bộ quần áo rồi lái xe trở về quê ngay trong tối hôm đó. Đến khoảng 5h sáng hôm sau, tôi đã có mặt tại trung tâm huyện rồi vội vàng đến thẳng bệnh viện.

Ngay khi đứng trước cửa phòng bệnh, tôi nghe thấy bố mẹ đang nói điều gì với nhau. Tôi cố tình đứng ngoài mà không đẩy cửa vào phía trong. Nội dung cuộc nói chuyện đó đã khiến tôi phải tự trách bản thân mình rất nhiều.

“Tôi đã bảo bà rồi là không cần gọi cho con. Tôi biết được bệnh của mình. Bà gọi cho con rồi nó lại phải vội vàng về trong đêm. Như thế nó rất vất vả”, bố cao giọng nói.

Bố U75 phải nhập viện, tôi lái xe về trong đêm: Khi nghe cuộc nói chuyện của bố mẹ, tôi đã phải oà khóc- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Song câu nói của mẹ ngay sau đó thực sự khiến nước mắt tôi trào ra. “Đã rất lâu rồi tôi chưa được gặp thằng bé. Tôi chỉ muốn nhân cơ hội này để được nhìn thấy nó mà thôi. Phải đến mấy năm nay, tôi chỉ nhìn thấy nó qua chiếc điện thoại, chứ có biết nó béo gầy ra sao”, mẹ nghẹn ngào nói.

Nghe đến đây, tôi vội đẩy cửa vào và ôm chầm lấy bố mẹ. Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng chỉ cần mình gửi tiền chu cấp và gọi đôi ba cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe bố mẹ vậy là đủ. Song thực tế, điều họ cần là sự bầu bạn và chăm sóc của con cái.

Sau lần đó, tôi thường xuyên đưa vợ con trở về thăm nhà nhiều hơn. Tôi trổ tài nấu những món ngon để chiêu đãi bố mẹ và cùng ông bà đi tập thể dục, tổ chức những chuyến du lịch để gắn kết gia đình. Kết nối với bố mẹ nhiều hơn, tôi nhận ra sức khỏe của 2 cụ khỏe mạnh và tâm trạng cũng tốt hơn.

Bố U75 phải nhập viện, tôi lái xe về trong đêm: Khi nghe cuộc nói chuyện của bố mẹ, tôi đã phải oà khóc- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra rằng phụng dưỡng cha mẹ, chu cấp cho họ bằng khoản tiền mình kiếm được là điều con cái nên làm. Tuy nhiên, những người làm con như chúng ta cũng cần phải dành thời gian cho đấng sinh thành. Bầu bạn cùng cha mẹ, quan tâm đến sức khỏe và nói lời yêu thương họ mỗi ngày là cách tốt nhất để thể hiện lòng hiếu thảo.

Khi còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con phát triển khỏe mạnh. Lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn, mong con học tốt, tránh xa những thứ tiêu cực. Và lúc con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, cha mẹ mong con mình sau khi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt.

Những kỳ vọng của cha mẹ đều hướng đến mục đích chung là mong con nên người, có cuộc sống vui vẻ. Thế nhưng càng lớn, với những bộn bề của cuộc sống, công việc, nhiều người hiếm khi quan tâm xem cha mẹ thật sự cần gì ở mình. Dù không nói ra, song cha mẹ nào cũng mong được con cái kề cận, yêu thương mỗi ngày.

Con cái không thể chỉ dùng tiền bạc để bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn cần cảm nhận nhu cầu của bố mẹ bằng cả tấm lòng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.


Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM