Bỏ túi gần 1 tỷ USD, nhưng Richard Branson vẫn buồn vì Virgin American bị thâu tóm bởi đối thủ nhỏ hơn

06/04/2016 10:17 AM | Kinh doanh

Mặc dù khoản lợi nhuận thu về từ thương vụ khá lớn nhưng tỷ phú Richard Branson nói rằng “tôi không thể làm gì để ngăn cản được thương vụ này” bởi số cổ phần của ông tại Virgin American quá nhỏ.

Tỷ phú Richard Branson bày tỏ sự buồn bã khi Virgin American (hãng hàng không Mỹ được thành lập bởi Virgin Group - tập đoàn do Richard Branson sở hữu) bị Alaska Airlines thâu tóm dù thậm chí thương vụ này sẽ mang về cho ông khoản tiền lên tới hơn 786 triệu USD.

Chủ tịch Virgin Group nói rằng ông cảm thấy “buồn” sau khi Virgin Mỹ bị thâu tóm bởi Alaska Airlines với mức giá 2,6 tỷ USD.

Mặc dù khoản lợi nhuận thu về từ thương vụ khá lớn nhưng tỷ phú Richard Branson nói rằng “tôi không thể làm gì để ngăn cản được thương vụ này” do số cổ phần sở hữu tại Virgin American quá nhỏ.

Trên thực tế, khoản tiền “trời cho” này tương đương với 1/7 tổng tài sản trị giá 5,1 tỷ USD của tỷ phú Branson và nó sẽ giúp khối tài sản của ông tăng lên đáng kể.

Tập đoàn Virgin của Branson sở hữu khoảng 30% Virgin Mỹ sau khi chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào năm 2014 với giá trị thị trường đạt gần 1 tỷ USD.

Thương vụ này đồng nghĩa với việc chỉ sau 18 tháng, giá trị cổ phần của tỷ phú Richard đã tăng gấp đôi.

Dẫu vậy, tỷ phú Branson tỏ ra không hề bận tâm đến những lợi ích kể trên mà thay vào đó ông viết một bài chia sẻ dài trên website của Virgin để phàn nàn về sự "bất lực" khi phải chứng kiến thương vụ diễn ra.

Với giọng nói đầy đăm chiêu, tỷ phú Branson kể về thời kỳ khởi nghiệp Virgin Mỹ vào năm 2007.

Ông nói rằng hy vọng có thể khiến trải nghiệm bay tại Mỹ “tốt trở lại” nhưng hiện tại ông không thể chịu được cảnh bị một hãng hàng không nhỏ hơn thâu tóm – một tình huống mà ông nói là cực kỳ “buồn bã” và không thể ngăn lại được.

Branson viết rằng từ năm 2007, ngành công nghiệp hàng không Mỹ bị thống trị bởi 4 hãng hàng không lớn nhất, kiểm soát tới 80% thị trường.

Ông viết: "Sẽ là không thật lòng nếu như bảo tôi không buồn khi Virgin Mỹ bị sáp nhập với một hãng khác nhỏ hơn. Do không phải người Mỹ và theo quy định của Bộ giao thông Mỹ, tôi chỉ có thể sở hữu lượng cổ phiếu không có quyền biểu quyết, từ đó làm giảm sức ảnh hưởng của tôi đối với bất kỳ thương vụ thâu tóm nào".

“Vì vậy tôi thật sự buồn vì không thể làm gì để ngăn cản thương vụ này xảy ra”.

Sự buồn bã của Branson là điều dễ hiểu bởi không giống như công ty đầu tiên mà ông khởi nghiệp và sau đó bán lại. Việc hãng hàng không Virgin Mỹ bị thâu tóm giống như một mất mát rất lớn đối với vị tỷ phú 65 tuổi.

Khởi nghiệp với Virgin Record vào những năm 1970, 20 năm sau đó ông đã bán với giá 1 triệu bảng. Những khoản đầu tư mạo hiểm khác của ông còn có Virgin Cola, Virgin Vodka và Virgin Comics.

Dự án chính của ông hiện tại là Virgin Galactic – tham vọng tấn công vào ngành công nghiệp du lịch vũ trụ.

Thỏa thuận mua Virgin phải được chấp thuận bởi các nhà chính sách Mỹ nhưng nếu diễn ra thành công, nó sẽ giúp Alaska Airlines kiểm soát được hãng hàng không lớn thứ 9 thế giới về mặt số lượng hành khách.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM