Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện “bắt mạch” điểm nghẽn của ngành du lịch
"Hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu", Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Sáng 6/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, trả lời về vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là điểm nghẽn của ngành du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết có 4 điểm nghẽn lớn.
" Hạ tầng giao thông , sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu", Bộ trưởng Thiện cho biết.
Điểm nghẽn thứ hai là vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá du lịch Việt Nam đứng thứ 67/136 nền kinh tế, trong đó xếp hạng khá cao thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch ở Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề thị thực chỉ xếp thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá, thấp nhất trong các nước ASEAN, đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (vị trí 21).
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm, vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.
Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành du lịch, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Phần lớn nhân sự để quản lý khách sạn 4-5 sao đều phải thuê người nước ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.
"Hôm qua có đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn hay không? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", Bộ trưởng Thiện trả lời.
Ông cũng cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên "đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế".
Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.