Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu tư hạ tầng 100 triệu USD thì mất hết, 400 triệu USD cũng mất hết, nhưng đầu tư 1 tỷ USD thì sinh ra 2-3 tỷ USD, đó là bản chất của kinh doanh di động
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tư công nghệ mới 5G thì chưa chắc đã thành công, nhưng không đầu tư 5G thì chắc chắn chết. Vì vậy, không còn câu hỏi đầu tư hay không đầu tư nữa, mà chỉ còn câu hỏi đầu tư thế nào và khi nào thôi.
Ngày 29/12/2023, MobiFone đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông đã có phát biểu chỉ đạo hội nghị với những định hướng lớn về phương hướng phát triển của MobiFone trong thời gian tới, mà trong đó, định hướng đầu tiên Bộ trưởng nhắc tới là: Đầu tư 5G, đầu tư hạ tầng mạng:
"Đầu tư 5G vào năm đầu tiên của công nghệ 5G, tức là năm 2020, so với sau 4 năm, tức là năm 2024, thì giá thiết bị giảm 4 lần. Không cần ngần ngại gì để không phủ sóng rộng toàn quốc. Giá thiết bị đã giảm 4 lần thì cơ bản sẽ giảm tiếp rất chậm. Thuê bao 5G thế giới cũng đã đạt 15% rồi, 5G cũng đã tải gần 1/4 tổng lưu lượng data di động rồi, không còn quá sớm để phải phủ sóng hẹp nữa rồi.
Hạ tầng thì phải đầu tư trước, rồi kinh doanh sau. Di động là 1 mạng, không thể phủ sóng 3 thành phố mà thành 1 mạng di động được. Đầu tư 3 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì đầu tư giảm 5-6 lần so với đầu tư toàn quốc nhưng doanh thu thì không giảm 5-6 lần so với mạng toàn quốc, mà giảm 50-60 lần so với mạng toàn quốc. Đó là bản chất kinh doanh của di động. Đầu tư 100 triệu USD thì mất hết, đầu tư 200 triệu USD thì mất hết, đầu tư 300, 400 triệu USD thì cũng mất hết, đầu tư 1 tỷ USD thì sinh ra 2-3 tỷ USD. Đó là bản chất của kinh doanh di động.
Đầu tư công nghệ mới 5G thì chưa chắc đã thành công, nhưng không đầu tư 5G thì chắc chắn chết . Viễn thông mà không đầu tư liên tục thì sẽ chết. Vậy thì không còn câu hỏi đầu tư hay không đầu tư nữa, mà chỉ còn câu hỏi đầu tư thế nào và khi nào thôi.
Cách đây 4 năm mà làm 5G thì nên làm 4,5G, thậm chí phải làm 4,5G vì thiết bị 5G chưa sẵn sàng, đầu cuối còn ít hơn nữa . Phủ sóng ngày ấy thì cũng nên lỗ chỗ vì thiết bị đắt, mà làm lỗ chỗ thì 4,5G tốt hơn 5G. Bây giờ mà làm thì làm toàn quốc, và đã toàn quốc thì nên là 5G SA. SA thì đắt hơn hơn NSA, chỉ 5-10% là không đáng kể, mà chỉ đắt hơn ở phần lõi, tức là phần có người dùng, có thuê bao mới thì mới phải đầu tư, khác BTS phải đầu tư trước. Nếu xét vậy thì đầu tư 5G SA giai đoạn đầu cũng không đắt hơn đến 5-10%.
MobiFone mà muốn giảm đầu tư thì hãy gộp tần số với một doanh nghiệp khác mà đầu tư. 5G là có cái lợi là chia sẻ hạ tầng BTS được. Giảm chi phí đầu tư là khá lớn.
Các ứng dụng 5G thì qua 4-5 năm, thế giới đã sáng tạo ra hàng trăm ngàn ứng dụng 5G, Mobifone cũng không phải nghiên cứu gì nhiều, chọn cái phù hợp mang về mà dùng thôi. Nhiều ứng dụng là khá đơn giản và hiệu quả cao.
Từ 5G trở đi, ứng dụng mới sẽ quyết định doanh thu nhà mạng. Bởi vậy, nhà mạng thế hệ mới thì phải nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới. Hoạt động nghiên cứu sẽ là hoạt động chính của nhà mạng. China Mobile chi 3-4% doanh thu hàng năm cho nghiên cứu phát triển. Thời 2/3/4G thì nhà mạng chỉ cần bán alo, bán nhắn tin, bán data, mà không cần phải nghĩ, phải sáng tạo cái gì mới cả. Thời 5G thì không như vậy nữa.
Kinh doanh di động hiệu quả hay không, không phải do đầu tư nhiều hay ít hoặc tiết kiệm chi phí, mà chính là do kinh doanh có tốt hay không, do bán hàng là chính. Bán được 50% dung lượng đầu tư so với bán được 10% dung lượng đầu tư là giá dịch vụ giảm 5 lần, là hiệu quả tăng lên hàng chục lần. Bởi vậy, thay vì cứ nghĩ chuyện đầu tư nhiều hay ít, toàn quốc hay không toàn quốc thì việc chính lại là bán hàng, lại là sáng tạo dịch vụ để bán.
Đã vào sân chơi viễn thông thì không phải nhỏ thì đầu tư nhỏ, mà ngược lại, nhỏ phải đầu tư lớn hơn, ông nhỏ nhất muốn thắng thì mạng phải to hơn để chất lượng tốt hơn. Không thể đã nhỏ hơn, thương hiệu kém hơn, chất lượng kém hơn mà lại đầu tư ít hơn để chất lượng lại kém đi nữa. Nếu vậy thì chết là chắc.
Hiện nay, tốc độ tối thiểu của 3 nhà mạng lớn là: Viettel là 16,8Mbps, Vinaphone là 16,6Mbps, MobiFone là 9,3Mbps - chỉ bằng 55% so với nhà mạng tốt nhất. Cũng vì chất lượng kém hơn mà kinh doanh suy giảm liên tục 3 năm nay. Năm 2022 giảm 4% và năm nay 2023 giảm tiếp 10%.
Viettel khi đi ra nước ngoài thì luôn là nhà mạng nhỏ nhất. Chiến lược khi đó là mạng phải to hơn ông to nhất ngay từ đầu, sau đó mới kinh doanh và vì thế mà họ 7/10 nước đã vươn lên thành số 1 mặc dù vào sau hàng chục năm."
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Viễn thông MobiFone đến năm 2025
Cũng trong ngày 29/12/2023 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ban hành Quyết định số 776 về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Viễn thông MobiFone đến năm 2025.
Một trong những mục tiêu của Đề án là Mobifone trở thành doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, nền tảng cho kinh tế số, xã hội số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; sản xuất thiết bị phục vụ hệ thống 5G, trên cơ sở đó hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác.
Về chỉ tiêu kinh doanh, Công ty mẹ MobiFone phấn đấu tổng doanh thu giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 137.705 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giai đoạn hết năm 2025 đạt 7.433 tỷ đồng.
Riêng năm 2024, kế hoạch doanh thu Công ty mẹ MobiFone là 25.949 tỷ đồng, lợi nhuận 1.671 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.505 tỷ đồng, không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.
Về cơ cấu lại Công ty mẹ - MobiFone và các công ty con, sẽ giữ nguyên vốn đầu tư của MobiFone tại CTCP Công nghệ MobiFone toàn cầu (MobiFone Global) và CTCP Dịch vụ Gia tăng (MobiFone Plus).
Đối với CTCP Dịch vụ kỹ thuật MobiFone (MobiFone Services): Thực hiện sắp xếp theo đề án riêng theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Về cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, cơ cấu lại nhân sự: Sáp nhập Trung tâm tư vấn thiết kế MobiFone vào Trung tâm đo kiểm và sửa chữa thiết bị viễn thông MobiFone và đổi tên thành Trung tâm Công nghiệp Công nghệ cao MobiFone.
Thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc đơn vị hạch toán độc lập Tổng công ty để triển khai 8 lĩnh vực chiến lược của MobiFone gồm: Dịch vụ IOT, An toàn thông tin mạng, tài chính số, giáo dục số, y tế số, dịch vụ cloud, thương hiệu giới trẻ, phân tích dực liệu.