Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về đề án được hàng triệu nông dân kỳ vọng
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đề án này sẽ làm thay đổi nông dân từ người trồng lúa đơn thuần đến tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ngày 5-2, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Đề án được xem là bước ngoặc rất quan trọng đối với ngành hàng lúa gạo ĐBSCL cũng như cả nước.
Đề án được Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL; hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: "Nếu không có "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" thì ngành hàng lúa gạo đất "chín rồng" sẽ ra sao? Chúng ta sẽ nói gì với nông dân?".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đề án sẽ làm thay đổi nông dân từ người trồng lúa đơn thuần đến tư duy kinh tế nông nghiệp; từ tăng trưởng đa giá trị, gắn với nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo, nông dân chuyên nghiệp. Đề án nhận được sự kỳ vọng của hàng triệu nông dân, thu nhập người trồng lúa được cải thiện. Tuy nhiên, kỳ vọng càng cao thì áp lực càng lớn.
Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Cùng với đó là đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng để thực hiện thành công, hiệu quả đề án, cần phải ghi nhớ 5 nguyên tắc cơ bản, đó là: Hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác và kiểm soát.
"Hết lòng, là chúng ta phải dốc tâm sức và trách nhiệm với đề án này, từng bước thúc đẩy từng nông dân hết lòng với nó. Tuân thủ là phải thực hiện theo kế hoạch, nếu không tuân thủ sẽ thất bại. Tuân thủ trong nguyên tắc nhưng phải linh hoạt trong ứng xử theo từng vùng, từng địa phương, từng điều kiện khí hậu…
Các doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ, đồng thời phải có sự kiểm soát để không lệch đường, lệch hướng; phải có sơ kết, tổng kết… quá trình thực hiện.
Chưa bao giờ chúng ta nhắc đến hạt gạo Việt Nam với niềm tự hào như bây giờ. Giá trị và uy tín gạo Việt Nam hiện tại rất cao trên thị trường thế giới. Ngoài ra, chúng ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho mình mà còn cho thế giới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.