Bộ trưởng day dứt vì khoảng cách giàu nghèo

13/08/2018 16:51 PM | Xã hội

"Câu hỏi của đại biểu có tầm chiến lược đang làm day dứt trăn trở nhiều cấp lãnh đạo và cá nhân tôi"...

"Câu hỏi của đại biểu có tầm chiến lược đang làm day dứt trăn trở nhiều cấp lãnh đạo và cá nhân tôi", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến hồi âm chất vấn của đại biểu Bùi Sỹ lợi trong phiên chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/8.

Là người chất vấn đầu tiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi muốn Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban và giải pháp khắc phục tình trạng về khoảng cách giàu nghèo, giảm nghèo bền vững khi mà cứ 2 người nghèo nói chung thì có một người là dân tộc thiểu số. Và có nơi thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/3 bình quân cả nước.

Nhấn mạnh câu hỏi tầm chiến lược này khiến cá nhân rất day dứt, trăn trở, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 52% của cả nước, nên nhận định của đại biểu là chính xác.

Nhưng, còn thu nhập bình quân của đồng bào thiểu số thì có nơi chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm, tức là chỉ bằng 1/5 thu nhập bình quân của cả nước (37 triệu) chứ chưa được 1/3 như đại biểu nói, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khẳng định bản thân nắm vững tình hình đại biểu nêu, ông Chiến cho biết Uỷ ban Dân tộc đã tích cực tham mưu tìm nhiều giải pháp, đáng kể nhất là tham mưu phối hợp ban hành quyết định 2085 ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Với quyết định này sẽ giải quyết hỗ trợ căn bản về đất ở, đất  sản xuất nước sinh hoạt và vay vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bày tỏ kỳ vọng  những chính sách này sẽ đỡ khó khăn phần nào cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng Bộ trưởng cũng cho biết việc thực hiện còn một số khó khăn nên chưa đạt hiệu quả.

Hỗ trợ đồng bào là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng với cơ quan tham mưu chính thì Uỷ ban chúng tôi thấy rõ trách nhiệm trước khó khăn của đồng bào, ông Chiến nói.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng cần nhất là tích hợp chính sách hiện hành thành một chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực, có mục tiêu cụ thể và có hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng để giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ được trả lời 3 phút cho mỗi chất vấn, nên Bộ trưởng không nêu được nhiều thông tin chi tiết, song báo cáo của Bộ trưởng trước phiên chất vấn cho thấy vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là: 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%).

Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở nông thôn còn nhiều hạn chế.

Hiện nay tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số  là 26,6%, trong đó có 40 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc còn cao 4 – 5%.

Tỷ lệ biết đọc, biết viết của người dân tộc thiểu số chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7% (tương đương với khoảng 20% người dân tộc thiểu số mù chữ), phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 15%. Tỷ lệ học sinh đi học trung học cơ sở đạt 83,9%, trung học phổ thông đạt 41,8%. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số cũng đang là vấn đề nổi cộm, lên đến 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%)....

Theo hà Vũ

Cùng chuyên mục
XEM