Bỏ tập đoàn lớn nước ngoài về đầu quân cho MoMo, TS Cambridge thổ lộ: Đội ngũ AI Việt không kém nước nào ở Đông Nam Á, trừ Singapore!
Buổi chia sẻ về chuyện "câu" Đặng Hoàng Vũ về MoMo được tiến hành qua zoom thay vì truyền thống mời nhậu của CTO Thái Trí Hùng, bởi khi ấy Vũ đang ở Anh. Tốt nghiệp Tiến sĩ ĐH Cambridge, từng làm việc cho HP, Facebook, FPT, Vũ khi ấy nghĩ về MoMo chỉ là "một công ty nhỏ nhất mình làm trước nay". Anh chất vấn: "Các anh làm AI như thế nào? Nếu chém gió thì tôi không về!"
"Chúng tôi mất nửa tiếng thuyết phục Vũ là ở MoMo chỉ có làm thật, chưa bao giờ 'chém'", Thái Trí Hùng – CTO MoMo – nhớ lại chuyện tuyển dụng Đặng Hoàng Vũ – hiện là Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh.
"Khi tôi về rồi thì đúng là MoMo không chém", Vũ cười. "Trước khi vào MoMo, tôi nghĩ đây là công ty nhỏ nhất tôi làm từ trước đến giờ. Bây giờ thì không nhỏ lắm, phát triển nhanh hơn tôi nghĩ".
Vũ vốn dân toán, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Cambridge, anh hứng thú với ngành công nghệ thị giác máy tính và gắn bó với trí tuệ nhân tạo (AI) đến giờ. "Chê" MoMo nhỏ bởi Vũ đã từng làm việc ở Hewlett Packard (HP), Facebook, FPT trước khi gia nhập công ty kỳ lân lớn thứ 2 Việt Nam.
Nhu nhập cao ai cũng cần, tiền kiếm được ở nước ngoài vẫn nhiều hơn, nhưng…
Tiết lộ lý do về nước, Vũ cho biết bởi "Ở Âu Mỹ buồn lắm". "Cửa hàng người ta cũng đóng và thứ 7, Chủ Nhật cũng lèo tèo người hơn. Việt Nam mình có văn hóa đi ăn chung, đi nhậu rất thú vị", Vũ cười.
"Về công việc, các công ty truyền thống ở nước ngoài thì tương đối khép kín, quan hệ trên công ty chủ yếu là công việc. Các công ty về Tech thì vui hơn, cũng giống Việt Nam là nhiều người trẻ, nhiều hoạt động. Tôi nghĩ ở trong môi trường Tech, Việt Nam cũng tương đối hiện đại và gần với phương Tây. Do đó cũng không gặp khó khăn gì về môi trường khi chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và về Việt Nam thì rõ ràng vui hơn rất nhiều".
Khi được hỏi lý tưởng khi về nước, ví như góp sức phát triển công nghệ Việt Nam, Vũ thẳng thắn cho rằng sẽ quá kiêu ngạo nếu nói mình về để phát triển công nghệ của Việt Nam, bởi "những người như tôi không thiếu".
"Với tôi, làm khoa học kỹ thuật thì không quan trọng ở đâu, quan trọng nhất là đóng góp được về kiến thức, kỹ thuật dù ở bất kỳ quốc gia nào", Vũ nói.
* Về Việt Nam thu nhập sẽ giảm, không lẽ anh làm việc không phải vì tiền?
Thu nhập cao thì ai cũng cần. Hơn nữa, thu nhập cũng phản ánh sự đánh giá của người tuyển dụng đối với mình. Nhưng nếu người ta chỉ xem đóng góp của mình như thứ mua được bằng tiền thì cũng không hay lắm. Như vậy tôi nghĩ phải 2 chiều, giống như trong tuyển dụng hay trong đãi ngộ nhân sự, cái quan trọng không phải là trả cho bao nhiêu tiền, quan trọng người tuyển dụng cho thấy họ cố gắng bao nhiêu % trong đãi ngộ.
Tiền nhiều nhưng không đam mê thì không thú vị lắm!
Tiền kiếm được ở nước ngoài vẫn nhiều hơn - cái đó không phủ nhận. Thậm chí tất cả bạn bè tôi ở đại học, 10 người thì 9 người ra làm ngân hàng, phân tích đầu tư... và tất nhiên tiền sẽ rất nhiều. Tuy nhiên với tôi, tiền nhiều nhưng không đam mê thì không thú vị lắm.
Bạn bè, gia đình cũng thắc mắc khi chọn về nước nhưng tôi nghĩ bình thường, chẳng sao cả, mỗi người đều có cái đánh đổi thôi.
Team AI Việt Nam không thua kém nước nào ở Đông Nam Á, trừ Singapore
* Về MoMo làm về AI nhưng khác lĩnh vực so với các công ty trước đó, anh có gặp khó khăn?
Khó khăn lớn nhất, cũng là khó khăn chung ở tất cả các công ty Việt Nam là thị trường thiếu người. Thế giới cũng thiếu chứ không chỉ Việt Nam nhưng Việt Nam thiếu hơn vì bản chất là không "nhập" được người từ các nước xung quanh. Tôi là 1 người không hay tự kiêu về đất nước mình và theo cảm nhận cá nhân thì đội ngũ AI của Việt Nam không thua kém nước nào tại Đông Nam Á, trừ Singapore. Mặt trái của việc này là nhân sự các nước xung quanh không có tính cạnh tranh để chúng ta thu hút.
Thứ 2, kỳ vọng của thị trường rất lớn cho nên các bạn làm mảng AI thường nhảy việc qua lại. Về mặt cá nhân, đó là quyền lợi khi họ trẻ, muốn tìm hiểu cơ hội tốt nhất cho bản thân nhưng về mặt sản phẩm thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến nguồn lực làm sản phẩm dài hạn.
Điều đặc biệt, MoMo có 1 may mắn là các bạn tương đối gắn bó với MoMo. Tôi nghĩ 1 phần là do MoMo có hướng đi rõ ràng, nhất là mình làm thật, sát với nhu cầu thật. Thứ 2 là mình làm dài hơi, chứ không phải làm để đánh bóng tên tuổi.
* Lý do anh thích lãnh đạo của MoMo như Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tường hay CTO Thái Trí Hùng?
Thực ra hồi đầu chỉ gặp các anh ấy mấy lần, chưa đi nhậu nên chưa biết các anh ấy vui như thế nào (cười). Tuy nhiên lúc đó tôi cảm nhận được các anh ấy thật sự có cái mong muốn, sẵn sàng tìm người đi cùng nhau đến đó và họ không đối xử với AI, với công nghệ như 1 món hàng theo kiểu "tôi đầu tư nhiều được nhiều, tôi thích chất chơi bỏ tiền to mua hàng hiệu".
Và các anh ấy cũng không đối xử với AI, với công nghệ theo kiểu cái gì đó hết sức bí hiểm, tháp ngà. Các anh ấy rất rõ ràng: Công nghệ và AI cụ thể mang lại lợi ích gì cho người dùng và các anh nhận thức rất rõ từ đầu rằng đây là câu chuyện, là con đường gian nan chứ không phải cứ đánh đổi tiền là được. Các anh ấy thấu hiểu và có được tầm nhìn là mình sẽ đi đến đâu và nó sẽ dài, khó khăn như thế nào.
* Lời khuyên của anh cho các bạn sinh viên nếu muốn theo đuổi AI?
Công nghệ thay đổi liên tục và rất dễ lỗi thời, quan trọng là phải nắm được những cái ở dưới, hiểu được nguyên lý AI hoạt động như thế nào, trong 1 cái ứng dụng thì đâu là chỗ dễ va vấp. Sau đó tự làm, tự phát triển lên. Bây giờ có 1 cái tốt nữa là các khóa học online rất nhiều, chất lượng tốt và có rất nhiều cuộc thi quốc tế và Việt Nam, các bạn có thể thử sức, đó là thuận lợi rất lớn so với tầm 10 năm trước.
Thích làm game nên học CNTT, sau phát hiện ra code là ông chán nhất, không được vẽ hình nhân vật nên quay xe học Toán
* Anh có thể chia sẻ thêm về bản thân mình?
Tôi là người hồi nhỏ muốn đi học công nghệ thông tin vì tôi thích lớn lên đi làm game chơi điện tử, sau đến lúc tôi vào đại học phát hiện ra sự thật một người không thể làm được 1 game mà cần 1 tập thể, thứ 2 cái ông code là cái ông chán nhất, cái ông đó không được vẽ hình nhân vật nên tôi chán tôi quay ra học toán.
Sau khi học toán xong, đến lúc tốt nghiệp tiến sĩ rồi thì tôi đi 1 hội chợ nghề nghiệp hướng nghiệp và thấy phần mềm AI hồi đấy nó phát hiện người đột nhập vào ga tàu, đi ngang đường tàu hoả nguy hiểm nó tự động cảnh báo, thấy hay hay nên tôi xin vào làm.
Tôi làm công ty nào thường làm khá lâu. Lúc tôi ra trường tôi làm ở công ty HP, làm bộ phận phần mềm, làm 4 năm. Sau đó về FPT làm 5 năm.
* Các bạn trẻ thích nhảy việc mà sao anh làm lâu thế?
Tôi hay nghĩ nếu mà mình nhảy thì nhỡ mọi người làm tiếp được cái gì rất hay thì sao nên mình ở lại xem mọi người làm được tới đâu. Tôi rất sợ mọi người đang làm 1 cái gì hay mà mình bỏ đi thì mình sẽ không biết (cười).