Bộ Nông nghiệp sửa quy định kiểm dịch gây tốn hàng trăm tỷ mỗi năm, doanh nghiệp 'thở phào'

01/08/2022 19:24 PM | Xã hội

Sau nhiều lần các doanh nghiệp kiến nghị về quy định bất cập gây tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa sửa đổi quy định, đưa các sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu vào danh mục miễn kiểm dịch.

Theo Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản mà Bộ NN&PTNT vừa ban hành. Theo đó, các sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm: Sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Theo quyết định mới, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: Động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Theo các doanh nghiệp thuỷ sản, sau nhiều lần kiến nghị, việc Bộ NN&PTNT sửa đổi quy định “kiểm dịch các sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu” là một tin vui giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện tại.

Trước đó, báo Tiền Phong đã phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp thuỷ sản đang chịu quy định kiểm dịch vô lý . Cụ thể, hàng nhập khẩu (chủ yếu là sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm) được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho hàng xuất khẩu đáng lý được miễn kiểm dịch theo thông lệ quốc tế, nhưng về Việt Nam lại được đưa vào danh mục “kiểm dịch” hoặc đồng thời “kiểm dịch và “kiểm tra an toàn thực phẩm”.

Điều này khiến số lượng tờ khai “kiểm dịch” hàng thuỷ sản của Bộ NN&PTNT đã lớn hơn tổng số tờ khai kiểm tra “an toàn thực phẩm” và “chất lượng” của 13 bộ, ngành cộng lại. Chỉ tính thời gian tối thiểu để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định là 2 ngày/lô, mỗi năm DN phải dành gần 135.000 ngày để làm hồ sơ kiểm dịch, và chỉ riêng việc lưu kho đã tốn hơn 224 tỷ đồng; chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác.

Theo Dương Hưng

Từ khóa:  thuế
Cùng chuyên mục
XEM