Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng?

29/10/2020 11:00 AM | Công nghệ

Không có gì để bình luận về loạt logo ứng dụng mới của Google ngoài 2 chữ: Rất tệ.

Google từ lâu đã chứng tỏ mình là một công ty công nghệ thực sự thích thú với việc thường xuyên thay đổi các biểu trưng logo quen thuộc, dễ nhận biết thành những thứ mới mẻ dị biệt mà họ tự hào gọi là "reimagination" (tạm dịch: tái tưởng tượng).

Google cũng luôn "chém gió" to rõ và dài dòng về ngôn ngữ thiết kế cùng lựa chọn của mình. Nhưng, bộ logo mới với những đốm màu cầu vồng nho nhỏ, thứ mà giờ đây mọi người sẽ khó phân biệt được khi mở các tab trên trình duyệt của mình, lại giống như một liều thuốc độc. Và dưới đây là những lý do tại sao những thứ mới mẻ này lại tệ hại và có lẽ cũng sẽ không thể tồn tại lâu.

Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng? - Ảnh 1.

Bộ logo mới cho các ứng dụng của Google.

Trước tiên, vẫn biết rằng mục đích của Google là hợp nhất ngôn ngữ hình ảnh của các ứng dụng khác nhau trong bộ ứng dụng của mình. Điều này có thể quan trọng, đặc biệt là với một công ty khổng lồ với nhiều mảng kinh doanh dịch vụ như Google. Trong những năm qua, chúng ta đã thấy rất nhiều ngôn ngữ biểu tượng của Google, nên thật khó để khiến bản thân quan tâm đến những ngôn ngữ mới.

Nhưng đôi khi như bây giờ, Google lại làm một điều gì đó vô nghĩa. Vô nghĩ đến nỗi bất cứ ai nhìn vào cũng muốn "ném vào mặt" nhà thiết kế một vài lời chửi mắng, chỉ để mong công ty chú ý và đẩy nhanh việc thay thế nó thêm chút nữa. Rõ ràng, vì bạn và tôi, cùng hàng trăm triệu người dùng khác sẽ phải nhìn chằm chằm vào những biểu tượng mới xấu xí này cả ngày cho đến khi Google gỡ bỏ chúng.

Để tìm hiểu xem liệu đây là dấu hiệu cạn kiệt sức sáng tạo của bộ phận thiết kế, hay thái độ coi thường con mắt người dùng của những người đã ký duyệt bộ logo mới này của Google, chúng ta sẽ thử tập trung thảo luận về cách các biểu tượng này đã đi sai hướng như thế nào, trong ba phạm trù: màu sắc, hình dạng và thương hiệu.

Màu sắc

Màu sắc là một trong những điều đầu tiên bạn nhìn thấy một thứ gì đó. Bạn có thể dễ dàng nhận ra màu sắc ngay cả trong tầm nhìn ngoại vi của mình. Vì vậy, có một màu sắc riêng biệt là điều quan trọng để tạo mẫu và thiết kế theo nhiều cách. Thử nghĩ xem nếu tất cả các công ty đều muốn sử dụng logo màu lam, thảm họa này sẽ khủng khiếp đến mức nào?

Đó là một phần lý do tại sao các biểu tượng của các ứng dụng Google phổ biến nhất lại rất dễ phân biệt. Màu đỏ của Gmail đã có từ một thập kỷ trở lại đây và màu xanh lam của ứng dụng Calendar cũng khá lâu đời. Màu xanh mòng két của ứng dụng Meet hay màu vàng cam của ứng dụng ghi chú Keep (nếu bạn còn nhớ?). Ngoài trừ ứng dụng Maps sở hữu biểu tượng với nhiều màu sắc nhưng nó vẫn khá đẹp, trước khi bị thay thế.

Có hai vấn đề với màu sắc của bộ nhận diện mới. Đầu tiên là chúng... không thực sự có màu sắc.

Tất cả chúng đều có đủ tất cả các màu, mà chỉ cần nhìn thoáng qua cũng khiến bạn khó phân biệt trong nháy mắt. Hãy nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy những biểu tượng này ở kích thước siêu lớn như trong hình ảnh ở trên. Thường thì chúng sẽ có kích thước rất bé trên trình duyệt hay màn hình, như hình dưới đây:

Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng? - Ảnh 2.

Thậm chí chúng có thể nhỏ hơn. Và không bao giờ đặt gần nhau. Chẳng phải vậy là Google đã tự đem đá đập vào chân mình khi muốn người dùng không thể phân biệt được các ứng dụng khi nhìn trực tiếp?

Chính xác thì các nhà thiết kế của Google đang tìm kiếm điều gì khi sáng tạo ra bộ logo này? Tất cả chúng đều có mọi màu, và thậm chí không theo cùng một thứ tự hoặc hướng. Một số màu đỏ, vàng, lục, lam và một số có màu đỏ, vàng, lam, lục. Ba biểu tượng có màu sắc lần lượt theo chiều kim đồng hồ và hai cái ngược chiều kim đồng hồ. Nghe có vẻ không quan trọng nhưng mắt của con người được tiến hóa để chú ý đến những vấn đề tiểu tiết như vậy, và chúng đơn giản sẽ chỉ làm bạn bối rối hơn.

Dường như nhà thiết kế đã sắp xếp thứ tự các màu trong bộ nhận diện của Google một cách ngẫu nhiên. Hay nói cách khác thì những đốm màu nhỏ này chỉ giống như đám đồ chơi lổn nhổn hoặc một gói kẹo vụn.

Ban đầu, bạn có thể chú ý đến các tab hình tam giác nhỏ màu đỏ, như một chỉ báo trực quan và đẹp mắt. Nhưng bằng cách nào đó chúng cũng bị làm rối tung lên, khi mỗi biểu tượng lại có thể có tab màu đỏ này ở một góc khác nhau.

Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng? - Ảnh 3.

Cảm nhận của người dùng Việt về bộ nhận diện mới của Google.

Chưa hết, bạn cũng sẽ nhận thấy rằng các biểu tượng mang lại cảm giác lệch lạc về khối lượng. Vâng, chính là "khối lượng". Đó là bởi vì trên nền sáng, các màu khác nhau có khả năng thu hút thị giác khác nhau. Màu tối sẽ nổi bật trên nền trắng hơn là màu vàng hoặc một chút màu đỏ, khiến các biểu tượng sẽ tạo cảm giác nặng hơn ở các cạnh chữ "L". Ví dụ bên trái của logo Gmail và Calendar, phía dưới bên trái trong logo Drive và Meet, phía dưới bên phải trong logo Docs. Nhưng trong các tab không hoạt động, màu nền sẽ là màu đậm, lúc này các màu sáng sẽ nổi bật hơn và cảm giác lệch lạc dường như lại nằm ở một phía khác.

Có thể nhóm thiết kế đã dành rất nhiều thời gian để nhìn ngắm xem xét những logo này ở kích thước khá lớn trên màn hình rộng và không nghĩ quá nhiều về việc chúng trông như thế nào khi sử dụng thực tế trên màn hình của một chiếc Chromebook hoặc điện thoại Android giá rẻ. Nếu bạn chưa biết thì tất cả các chi tiết nhỏ sẽ hiện răng cưa khi chúng rộng 20 pixel.

Hình dạng

Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng? - Ảnh 4.

Google Translate nên chuyển ngữ từ "rất tệ" trong mọi ngôn ngữ thành: "Logo Google"

Ngoài màu sắc, một chi tiết dễ nhận thấy khác ở bộ nhận diện này là hầu hết chúng có lỗ ở giữa. Và việc cảm nhận hình dạng của những biểu trưng này sẽ bị thay đổi tùy thuộc vào nền. Các logo ban đầu đã giải quyết điều này bằng cách sử dụng một hình dạng rắn duy nhất, các "lỗ" nếu có cũng được tô màu và đánh bóng.

Nhưng vì một lý do nào đó, Google muốn nhét lỗ vào giữa những biểu trưng này. Nếu hiểu biết đôi chút về thiết kế, bạn sẽ hiểu phải cẩn thận như thế nào khi xử lý các phần trong suốt của một mẫu đồ họa. Bởi bạn sẽ không biết được rằng chúng - những cái logo có lỗ - sẽ được đặt trên một nền giao diện có màu sắc như thế nào. Liệu những logo này có trông đẹp mắt không khi đặt trên một tab màu xám đậm? Hay cái lỗ sẽ luôn được tô bằng màu trắng trên nền đen và màu đen trên nền trắng, giống biểu tượng Thái cực đồ trong thuyết Âm Dương?

Nhưng dù sao thì vấn đề với những biểu tượng này là hình dạng của chúng rất xấu. Tất cả chúng đều rỗng và bốn trong số chúng có hình chữ nhật (nếu tính cả phần không gian bên trong của logo Gmail). Nhưng chúng không phải là một hình chữ nhật tròn trịa mà luôn bị vát cạnh và nhìn thoáng qua, bốn trên năm biểu trưng về cơ bản chỉ là hình chữ O đầy góc cạnh. Một chữ O cao hơn, một chữ O có chóp nhọn và hai chữ O hình vuông với các kiểu màu hơi khác nhau. Ở khoảng cách xa, bạn chỉ có thể mô tả về chúng như vậy, và nếu nhìn thật gần, bạn cũng chỉ có thể mô tả chúng như vừa rồi.

Và cuối cùng, các màu trùng lặp gây rắc rối. Nó làm cho logo Drive trông giống như một biểu tượng của thứ gì đó "nguy hiểm" như vũ khí sinh học hay phóng xạ hạt nhân.

Và nếu để ý kỹ hơn, thì những hình dạng đó dường như đã thực sự được sử dụng trên logo Office và Bing của Microsoft.

Bộ nhận diện mới của Google: Cạn kiệt sức sáng tạo hay coi thường con mắt người dùng? - Ảnh 5.

Logo Office và Bing phải chăng là tiền thân của bộ nhận diện Google.

Nhãn hiệu

Google từ lâu đã nổi tiếng với thói quen ném những giá trị vào thùng rác. Logo cũ của Gmail là một trong số đó. Công ty đã chuyển đổi hình ảnh đầy góc cạnh thành một biểu tượng tròn trịa cách đây vài năm. Hình dạng chữ "M" tự nhiên của phong bì được nhấn mạnh rất tốt và màu trắng đỏ rất dễ nhận biết, cũng như dễ đọc. Đây chính là loại biểu tượng mà bạn sẽ muốn giữ trong một thời gian dài. Nhưng không!

Google giờ đây muốn đặt Gmail, về cơ bản đã hoạt động như một thương hiệu hoàn toàn bất khả chiến bại trong lĩnh vực của riêng mình trong hơn một thập kỷ qua, ngang hàng với các dịch vụ khác không được tin cậy hoặc ít được sử dụng rộng rãi.

Giờ đây, Gmail chỉ là một hình cầu vồng khác trong "một biển" các hình dạng cầu vồng rất giống nhau. Điều này không khác gì việc nói cho người dùng biết rằng "dịch vụ này không đặc biệt đối với chúng tôi" hay "Đây không phải là dịch vụ đã hoạt động rất tốt trong thời gian dài. Đây chỉ là một ngón tay trên bàn tay của một gã khổng lồ Internet".

Tương tự cho tất cả các phần còn lại của bộ nhận diện này. Từ giờ bạn sẽ không bao giờ quên rằng chúng đều là một phần của cùng một bộ máy mang tên Google, thứ biết mọi thứ bạn tìm kiếm, mọi trang web bạn đang truy cập và mọi thứ bạn làm tại văn phòng. Sự đồng nhất về nhãn hiệu này chính là khúc dạo đầu cho sự bùng nổ thương hiệu, trong đó bạn không còn là người dùng Gmail nữa, mà chỉ là một cá nhân nhỏ bé đang ở trong ngôi nhà của Google ngày này qua ngày khác mà thôi.

Và với góc nhìn này, thông điệp của Google rất rõ ràng: Bỏ lại cái cũ - những thứ đã tạo dựng niềm tin cho bạn - để đón nhận cái mới - những thứ sẽ tận dụng lòng tin của bạn.

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM