"Bố mẹ đi làm xa về có đi ra đón vậy không?" và quan điểm xứng đáng nhận điểm 10 của một bà mẹ về chuyện "đu Idol"
Tôi vẫn nhớ cái ôm đầy cảm động của con lúc đó. Một cái ôm không chỉ cảm ơn vì được mượn tiền, mà còn vì con biết rằng, khoảng cách thế hệ không khiến cho cha mẹ có cái nhìn phiến diện về chuyện trong đời mình, con thần tượng một ai đó.
"Bố mẹ đi làm xa về không biết có đi ra đón vậy không nhỉ" - có người đặt câu hỏi trong một hội nhóm dành cho phụ huynh, đính kèm là loạt ảnh người hâm mộ nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BlackPink vây kín sân bay để đón chờ thần tượng. Dưới phần bình luận, tranh cãi nổ ra với không ít ý kiến trái chiều.
Nhiều người đồng tình bày tỏ sự không hài lòng: "Nhiều lúc thấy thật phẫn nộ. Bố mẹ ông bà anh chị em không yêu, thậm chí còn khó chịu, trong khi người không quen thì cuồng phát ớn". Cũng có người "công tâm" hơn, phản biện: "Sao lại quy kết các con yêu idol thì không yêu gia đình? Nếu con thiếu gắn kết với cha mẹ thì đó là lỗi của người lớn. Còn lại tuổi trẻ ai cũng có hình mẫu của riêng mình, miễn không mù quáng và cuồng tín thì có vấn đề gì đâu?".
Câu chuyện khiến tôi - một bà mẹ có đứa con gái 15 tuổi mê mẩn BlackPink nhớ lại: Vài tuần trước, khi có thông tin nhóm nhạc này sang Việt Nam biểu diễn, con tôi nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Vé vào cửa với một học sinh như con là quá cao, dù cho con có chọn vị trí xa sân khấu nhất đi nữa.
Hè này con xin đi phụ bán cà phê gần nhà, một giờ 20 ngàn đồng, ngày được 100 ngàn. Nhưng phải đến 15/8 con mới nhận tháng lương đầu tiên, trong khi hai đêm nhạc thì cuối tháng 7 đã diễn ra. Không có tiền "đu idol", con buồn bã mấy ngày liền.
Tôi chẳng biết BlackPink là nhóm nào. Và trên cương vị của tôi, chuyện giáo huấn cho con vài điều, như kiểu "không xem idol cũng có ảnh hưởng gì đâu", "không lúc này còn lúc khác" thì dễ. Nhưng cuối cùng, sau khi bàn bạc với chồng, chúng tôi quyết định cho con mượn 3 triệu, cộng với tiền tiết kiệm con có để con mua một chiếc vé. Tháng 8, khi nhận lương, con sẽ trả lại cho bố mẹ một nửa. Nửa còn lại sẽ chia đều cho những tháng tiếp theo.
Tôi vẫn nhớ cái ôm đầy cảm động của con lúc đó. Một cái ôm không chỉ cảm ơn vì được mượn tiền, mà còn vì con biết rằng, khoảng cách thế hệ không khiến cho cha mẹ có cái nhìn phiến diện về chuyện trong đời mình, con thần tượng một ai đó.
Ai cũng có một thời tuổi trẻ nồng nhiệt
Nhiều người biết chuyện bảo tôi chiều con. Tôi mặc kệ. Với thế hệ đầu 8x, chắc hẳn nhiều người không thể quên mình đã từng "phát cuồng" vì Spice Girls, Backstresst Boys, Boyzone ra sao... Cứ có tiền là mua poster về treo đầy phòng. Nếu hồi đó các nhóm nhạc này sang Việt Nam biểu diễn, liệu "độ cuồng" của chúng ta có thua kém con cháu mình hiện tại hay không?
Mỗi người đều có sở thích và đam mê riêng. Tuy nhiên, có những sở thích, đam mê của người này lại trở thành sự "dị hợm", "lố bịch, vô bổ" trong mắt người khác. Nhất là trong các thế hệ của một gia đình có sự chênh lệch về tuổi tác, quan điểm, phong cách sống.
Tôi đọc đâu đó có người kể, họ từng chứng kiến một tình huống: Trong bữa cơm, cậu con trai mở Youtube trên tivi để xem. Đúng lúc đó xuất hiện một ban nhạc ăn mặc khá kì dị trình diễn. Ngay lập tức cha cậu bé nói: "Mày suốt ngày xem mấy đứa trộm cắp hát". Nhà đang có khách và dĩ nhiên lòng tự tôn của cậu bé mới lớn ấy bị tổn thương. Vấn đề sau đó trở nên phức tạp hơn nhiều lần, bởi người cha ứng xử thiếu suy xét.
Tôi luôn khuyến khích các con trân trọng tài năng, cái hay, cái đẹp, thích thì cứ xem nhưng là thưởng thức và học hỏi. Tôi cũng nói với con "người mà cha mẹ thần tượng nhất, khâm phục nhất chính là ông bà nội ngoại".
Nhưng như thế không có nghĩa là tôi bắt con thần tượng mình, hoặc con không có quyền yêu mến người nào ngoài gia đình hay một ai đó khác với tiêu chuẩn của cha mẹ. Chính những yêu ghét sôi nổi đó là kỷ niệm đáng nhớ để sau này lớn lên, nhìn lại, con biết rằng mình đã sống đầy mãnh liệt và đam mê của một giai đoạn gọi là "tuổi trẻ".
Những đứa trẻ thần tượng một ca sĩ, cầu thủ... không có gì là xấu. Ngược lại, nhìn ở khía cạnh tích cực, thần tượng một ai có nghĩa là họ đã xác định được cho mình một mục tiêu, lý tưởng để phấn đấu, phát triển bản thân. Ít nhiều thì tài năng của những ngôi sao, thần tượng đó cũng có ảnh hưởng tích cực đến lối sống của fan hâm mộ.
Như một ý kiến tôi rất đồng tình: "Đu idol" đừng nghĩ chỉ mang lại tiêu cực, nó là động lực cho rất nhiều cô cậu bé học giỏi vài ngoại ngữ, theo đuổi 1 ngành học, đam mê, sang nước ngoài sống... Không có gì mang lại động lực lớn bằng cái làm tinh thần con người ta phấn khích, yêu mến".
Tôi rất tán thành việc lên án một bộ phận "fan cuồng", khi các con bỏ ăn bỏ uống, bỏ học, bỏ làm việc, như kẻ mất hồn, có những hành động quá khích... Quả thật đó là những hành vi không bình thường. Nhưng không thể vì một vài con người nào đó mà để đem cả một thế hệ trẻ ra đánh giá và phê phán.
Thần tượng khác với yêu thương một ai đó
Việc thần tượng một người khác với yêu thương một ai đó. Con cái ngưỡng mộ một nhóm nhạc không đồng nghĩa với việc con thiếu quan tâm đến những người trong gia đình.
Ở giai đoạn ban đầu, cha mẹ nào cũng là thần tượng của con cái. Nhưng khi con lớn hơn, muốn con thần tượng mình, bản thân người làm cha mẹ phải sống sao cho chúng khâm phục. Chúng ta không thể bắt con phải thần tượng khi bản thân mình sống không gương mẫu, xa cách, thiếu thấu cảm và thương yêu.
Không phải fan Kpop chỉ toàn những em bé cấp II, cấp III. Còn có rất nhiều sinh viên năm cuối, rất nhiều người đã đi làm, đã có gia đình. Họ hoàn toàn đủ nhận thức để biết "bên idol, bên gia đình" bên nào "nặng" hơn. Họ biết phân biệt giữa hâm mộ một thần tượng và yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.
Thế hệ nào cũng có thần tượng của mình. Thế hệ nào cũng có niềm đam mê cho lý tưởng của bản thân. Tuy nhiên, tôi dặn con, sở thích cá nhân khiến bản thân vui vẻ, nhưng nên có chừng mực, đặc biệt là tài chính. Đừng vì thần tượng mà đòi hỏi bố mẹ bỏ ra một số tiền lớn so với thu nhập gia đình để đi đu idol.
Còn lại, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Thật không công bằng khi có nhiều người luôn áp đặt quan điểm và hoàn cảnh của riêng họ vào người khác và cho rằng người ta phải làm theo mới là đúng đắn. Chỉ là một tấm vé xem ca nhạc giải trí thôi, chỉ là muốn đón idol để nhìn người mình yêu mến bằng xương bằng thịt mà thôi, sao phải lên án và nâng cao quan điểm một cách "vô tội vạ" như thế?
Việc con thần tượng một cá nhân, tập thể nào đó trong giai đoạn phát triển cũng là điều đáng được tôn trọng. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh cũng có thể ngồi xuống, lắng nghe suy nghĩ của con và hiểu tại sao con thích một ngôi sao nào đó. Hướng dẫn các con đánh giá những mặt tốt đẹp của thần tượng, điều chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm để con trở thành người tốt hơn.
Có thần tượng không xấu, nhưng nếu con quá "cuồng" theo hướng tiêu cực thì cha mẹ nên xem xét lại liệu bản thân đã dành đủ thời gian, đúng sự quan tâm cho con hay chưa. Tôi tin rằng, khi cha mẹ thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của con, thì lúc đó phụ huynh không cần áp đặt, con cái cũng luôn gắn kết và xem cha mẹ là thần tượng lớn nhất của mình.