img

Nói về mặt trải nghiệm, không chỉ tôi mà có lẽ bất kỳ ai khác nữa khi chuyển từ iPhone sang dùng một chiếc điện thoại Android, đều thấy rất khó làm quen. Từ cách hiển thị thông báo (notification), thao tác điều khiển (bỗng dưng phải làm quen với nút Back, nút đa nhiệm), cấp quyền truy cập cho các ứng dụng, hay không còn Face ID cực kỳ bảo mật và tiện lợi... tất cả đều là những trở ngại khiến cho việc “chuyển phe sang Android” trở nên hết sức khó khăn. Vì thế, nếu định đổi sang dùng hệ điều hành mới, chiếc smartphone bạn chọn phải có gì đó thực sự hấp dẫn, khác biệt mới có thể chuyển đổi một iFan thành Fandroid. 

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 1.

Tôi đã từng rất hứng thú với tính năng zoom 50X trên P30 Pro, từng tỉ mẩn ngồi vẽ vời hết bức tranh này đến hình vẽ nọ trên Galaxy Note10+, hay selfie liên tục trên Reno 10X Zoom Edition chỉ để xem camera “vây cá mập” hoạt động như thế nào. Nhưng rốt cục, niềm vui, sự hứng khởi khi trải nghiệm những thú vui ấy chỉ kéo dài được cùng lắm là… 2 ngày. Sau đó tôi lại quay về với iPhone.

Điều này càng đúng trong năm 2019, khi iPhone 11 Pro Max là chiếc smartphone khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thời lượng pin vô địch, sạc nhanh, camera đã nằm trong danh sách những smartphone chụp đẹp nhất và chắc chắn là dễ sử dụng nhất, đi kèm độ mượt danh tiếng của HĐH iOS khiến cho tôi tin rằng mình sẽ chẳng còn hứng thú gì với bất kỳ mẫu máy Android nào khác trên thị trường… hoặc cùng lắm là “mình sẽ chỉ dùng được khoảng 1,2 ngày là chán”.

Cho tới khi gặp được Galaxy Fold.

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 2.

Quá hoàn hảo, iPhone 11 Pro Max đủ để khiến các iFan không màng tới việc đổi máy

Cho đến giờ tôi đã dùng Galaxy Fold được hơn 2 tuần và VẪN CHƯA CHÁN - điều mà cá nhân tôi đánh giá, chưa bao giờ có một smartphone Android nào khác có thể làm được. Để làm được điều đó, Galaxy Fold phải có một điểm thực sự khác biệt so với iPhone, mang lại điều gì đó mà iPhone không thể làm được. Trong trường hợp này, đó chính là “form factor” - hình thái thiết bị. Hiểu nôm na rằng như thế này: dù bạn dùng smartphone nào trên thị trường trong thời điểm hiện tại, không sử dụng màn hình gập thì trải nghiệm tương tác cũng sẽ giống nhau, dù là cỡ 18:9 hay 21:9, dù kích cỡ to hay nhỏ như Galaxy Note10+ đến iPhone 4, do “form factor” của chúng giống hệt nhau. 

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 3.

Form factor của Galaxy Fold khác hoàn toàn so với bất kỳ smartphone “màn hình thường” nào đang có trên thị trường

Ở một “form factor” hoàn toàn khác so với tất cả các smartphone hiện có trên thị trường, Galaxy Fold mang tới một trải nghiệm sử dụng hết sức đặc biệt mà ở đó, chiếc smartphone đóng vai trò máy tính bảng nhiều hơn là điện thoại. Vấn đề là: bạn không thể nhét một chiếc máy tính bảng nào vào túi quần một cách thoải mái hơn Galaxy Fold. 

Điều này tưởng chừng rất nhỏ nhặt trên lý thuyết, thậm chí chính tôi cũng từng hoài nghi về tương lai của smartphone màn hình gập. Nhưng khi sử dụng, tôi mới tin rằng vì sao Samsung và nhiều hãng điện thoại khác không tiếc hàng tỷ USD để đầu tư cho công nghệ này. Vì đơn giản, nó thực sự hữu ích.

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 4.

Galaxy Fold có thể biến thành máy tính bảng một cách dễ dàng

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 5.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 6.

Sướng. Rất sướng là đằng khác. Mở ra gập vào thực ra chỉ là tác động về mặt vật lý, hay gọi nôm na là “việc chân tay”, quan trọng nhất là phần mềm hỗ trợ và trải nghiệm người dùng phải chính xác, đó mới là “việc dành cho nghệ nhân”. “Việc chân tay” đã có những hãng Trung Quốc làm trước, nhưng tôi cho rằng “việc dành cho nghệ nhân” đến lúc này mới chỉ có Samsung làm được (hãy tìm hiểu về chiếc Royole FlexPai, bạn sẽ hiểu tại sao). 

Bạn mở máy, đặt vân tay lên cạnh bên để mở khóa (Galaxy Fold sử dụng cảm biến vân tay đặt ở cạnh), tìm ứng dụng, gõ nội dung mình cần trên bàn phím đã được tối ưu cho smartphone màn hình gập… rồi bạn mở email ra đọc, chợt nhớ ra có việc cần giao cho người nào đó, chỉ cần vuốt cạnh bên phải để mở thêm ứng dụng chat, copy nội dung gửi cho người đó. Hết việc, bạn gập máy lại, đút vào túi, hết sức nhẹ nhàng. Tất cả các thao tác diễn ra hết sức tự nhiên, không một chút gượng nào. 

 
Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 7.

Bàn phím mặc định đã được tối ưu rất tốt dành cho Galaxy Fold, do đó bạn sẽ khó lòng dùng được những bàn phím bên thứ 3 do chưa được tối ưu, ví dụ như Laban key.


Khi mở máy ra, bạn có trong tay một chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ xem được nhiều nội dung hơn tất thảy các smartphone khác có trên thị trường. Cũng bắt đầu từ khi sử dụng Galaxy Fold, tôi mới trở nên thích đọc truyện tranh trên smartphone thay vì máy tính. Kể cả bạn có đọc truyện tranh trên Galaxy Note10+ đi nữa, chữ trong tranh đôi khi vẫn là quá nhỏ, về lâu dài không tốt cho mắt. Nhưng trên Galaxy Fold, kích cỡ được cải thiện rất nhiều, giúp đọc và xem tốt hơn. Còn nếu bạn là người thích xem YouTube hoặc phim trên điện thoại thì đây chắc chắn là mẫu smartphone bạn cần rồi (không tính đến mức giá và độ bền).

Màn hình lớn hỗ trợ rất tốt cho bạn trong công việc. Và trong trường hợp của tôi, từ việc gõ văn bản, kiểm tra email, nhắn tin nội bộ… đến làm việc trên trình quản lý nội dung CMS đều thuận tiện hơn nhiều so với smartphone thông thường, kể cả so với những chiếc phablet lớn nhất. Bạn có thể đa nhiệm thực sự, vì khi chia 2, màn hình đủ lớn để thao tác. Trong khi với phablet bình thường, không gian đa nhiệm là không nhiều.

Về màn hình phụ: trước khi sử dụng Galaxy Fold, tôi từng đọc review trên các trang nước ngoài, hầu hết reviewer cho rằng màn hình phụ của máy quá nhỏ, không thể dùng như một chiếc điện thoại được. Cá nhân tôi cho rằng đây lại là ưu điểm, vì màn hình nhỏ như vậy rất hợp cho thao tác sử dụng một tay. Tôi chỉ dùng màn hình phụ khi muốn: gọi điện thoại, đọc nhanh thông báo, xem giờ, xem OTP trên ứng dụng Authenticator, chỉnh nhanh Spotify. Còn nếu muốn làm những công việc phức tạp hơn thì tốt nhất là mở Galaxy Fold ra mà làm tiếp, đừng “cố đấm ăn xôi” với màn hình bé tẹo này làm gì.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 9.

Màn hình phụ của Galaxy Fold nên nhỏ, để dễ thao tác một tay hơn. Với các tác vụ phức tạp, bạn nên dùng máy ở chế độ màn hình lớn.

 Một điều phải lưu ý trong bài viết này đó là tôi sẽ không đánh giá về hiệu năng hay camera của máy. Những vấn đề đó xin được gửi tới bạn trong các bài viết kế tiếp. Nói ngắn gọn thì Galaxy Fold có thể thực hiện tất cả những tác vụ nặng nhất mà không hề cảm thấy giật, lag (đấy là lý do tôi không review vì tất nhiên, 12GB RAM với Snapdragon 855 mà còn chậm thì… thua). Còn module camera cũng như tinh chỉnh phần mềm, Galaxy Fold không khác gì so với Galaxy S10+, vì thế nên trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đề cập nữa.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 10.

Hãy nói về cảm giác khi dùng Galaxy Fold giữa chốn đông người mang lại. Có giá lên tới 50 triệu đồng và được bán hết sức giới hạn (mỗi lần chỉ 1.000 chiếc và không phải ai cũng mua được), Galaxy Fold bỗng dưng biến iPhone 11 Pro Max trở thành một chiếc điện thoại bình thường. Nhưng không phải vấn đề giá cả, việc sử dụng Galaxy Fold mới làm người sở hữu trở nên đặc biệt. Chẳng ai quan tâm tới việc tôi đang dùng mẫu iPhone mới nhất hiện tại, nhưng với Galaxy Fold, bất kỳ ai cũng sẽ tò mò muốn sờ thử để xem “nó hoạt động như thế nào”. 

Từ cậu bán cafe vệ đường, đồng nghiệp, người thân cho tới cả những người có vai vế trong xã hội… đều ngay lập tức chú ý khi tôi “mở ra đóng vào” chiếc Galaxy Fold mỗi lần sử dụng. Cậu bạn tôi, chủ của hơn 20 khách sạn lớn, chắc chắn có thể mua bất kỳ smartphone nào cậu ấy muốn, vẫn hỏi mượn để “xem thử nó như nào”. Đây là cảm giác mà có lẽ không smartphone nào khác trên thị trường, thậm chí cả những chiếc điện thoại xa xỉ của Vertu, Mobiado… có thể mang tới được. Bạn thu hút người khác bằng sự tiến bộ đột phá của công nghệ, chứ không phải bằng giá trị của thương hiệu đắt đỏ hay những nguyên vật liệu xa xỉ.

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 11.

Nói ngắn gọn là OAI, cầm Galaxy Fold rất oai, thế là đơn giản nhất! Nhưng có lẽ cảm giác này chỉ tồn tại được với những phiên bản đầu của điện thoại màn hình gập, giống như bạn sử dụng chiếc iPhone đời đầu tiên giữa một rừng điện thoại cơ bản Nokia vậy. Khi màn hình gập phổ cập, cảm giác ấy sẽ sớm biến mất.

Điều thứ 2 mà Galaxy Fold mang lại cho tôi đó là cảm giác “nghiện”. Đã dùng qua bao đời smartphone đầu bảng, nhưng hành vi sử dụng của tôi khá là giống nhau: mỗi khi rút điện thoại ra, tức là mình đang cần kiểm tra một cái gì đó, có thể là email, tin nhắn, mạng xã hội hoặc chụp ảnh… nhưng với Galaxy Fold, nhiều khi rút điện thoại ra chỉ để mở ra, ghé tai vào nghe bản lề cơ của máy hoạt động “kẹt kẹt”, cảm nhận được cơ chế giống lò xo kéo 2 màn hình qua lại, sau đó gập vào để nghe tiếng “cộp” vui tai mà thôi. 

Đặc biệt cái tiếng “cộp” khi đóng máy cực kỳ dễ gây nghiện. Ai cũng sẽ như thế, tôi đảm bảo. Nó giống như việc bạn nghiện bẻ khớp tay hoặc bấm bong bóng xốp hơi vậy.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 13.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về kích cỡ của Galaxy Fold khi gập lại thì có lẽ hơi thừa. Nhìn qua ảnh, Galaxy Fold rất dày. Và ngoài đời cũng đúng như vậy luôn, máy dày nhưng trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ “vướng víu”, thực tế thì việc nhét máy vào túi quần dễ hơn rất nhiều so với việc nhét iPhone 11 Pro Max hay Galaxy Note10+. Đơn giản là chiều rộng của Galaxy Fold ngắn hơn, phần đầu máy được làm thuôn, giúp cho việc “đút ra đút vào” dễ hơn nhiều. 


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 14.

Rút Galaxy Fold ra khỏi túi dễ dàng hơn rất nhiều so với Galaxy Note10+ hay iPhone 11 Pro Max, do kích thước chiều rộng nhỏ hơn cùng thiết kế thuôn ở đầu.

Một trong những vấn đề khiến người dùng lăn tăn đó là nếp gấp nằm giữa màn hình. Thực sự thì nếp gấp này không phải vấn đề khi bạn dùng trong điều kiện ở phòng, ít bị ánh sáng chiếu vào hoặc dùng ngoài trời lúc tối. Nhưng khi ra chỗ nào có ánh sáng mạnh, nếp gấp hiện lên rất rõ và tạo nên một chút “gợn” khi sử dụng. Ngoài ra, người bên cạnh sẽ rất dễ nhìn thấy nếp gấp trên máy nhưng là người sử dụng, nhìn chính diện thì không hiện rõ lắm đâu, bạn có thể yên tâm.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 15.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là độ bền. Tôi tin vào cơ chế bản lề mà Samsung quảng cáo có thể gập ra vào được tới 200 nghìn lần không hỏng. Cá nhân tôi cũng thử gập ra gập vào máy liên tục để… cho vui (sướng lắm, cứ thử là biết). Nhưng tôi chưa dám tin, và có lẽ cả Samsung cũng thế, về độ bền của màn hình. Màn hình của Galaxy Fold mềm hơn so với smartphone thường, khi chạm vào có cảm giác như đang sờ một miếng nhựa cứng vậy, chứ không giống chạm vào một tấm kính. Phàm là những thứ mang tính chất “nhựa” như thế, tôi e tuổi thọ sẽ không cao (dù trên thế giới chưa xuất hiện các báo cáo cho thấy Galaxy Fold phiên bản mới này xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng không có nghĩa như thế là an toàn). Đây cũng là lý do vì sao Samsung khuyến cáo bạn không nên dùng móng tay hay những thứ sắc nhọn cào lên màn hình, trừ phi bạn là JerryRigEverything muốn phá máy để làm video YouTube xem cho vui.


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 16.

Phone 11 Pro Max rất dày, nhưng chưa là gì so với Galaxy Fold

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 17.

Nghe thì sướng đấy, thú vị đấy, khác biệt đấy nhưng ở thời điểm hiện tại, một mình Galaxy Fold chưa đủ cứu tôi thoát khỏi hệ sinh thái của Apple. Khi chuyển sang Galaxy Fold, đây là những gì tôi cảm thấy nuối tiếc nhất khi rời xa nhà Táo:

- iMessage & Airdrop: Có thể bạn sẽ lý luận với tôi rằng giờ nào rồi còn iMessage, người ta có thể dùng các ứng dụng OTT khác để nhắn tin mà, nào WhatsApp, Viber, Telegram, Messenger… ai còn cần iMessage làm gì nữa? Nhưng sự thực là trong trường hợp cá nhân tôi, khi xung quanh có quá nhiều bạn bè dùng iPhone thì việc bỏ iMessage khó khăn hơn tôi nghĩ nhiều. Hội nhóm đang nhắn tin qua iMessage bỗng dưng “ra rìa” bạn chỉ vì bạn dùng Android?! Hay khi họ muốn chuyển ảnh qua máy bạn, hoặc ngược lại, đành phải gửi qua… Telegram thay vì Airdrop? Những trở ngại ấy tuy nhỏ, nhưng cũng đủ làm bạn cảm thấy tiếc nuối hệ sinh thái của Apple.

- Apple Watch: tôi có thể hy sinh iMessage và Airdrop nhưng Apple Watch thì thực sự khó khăn. Thay vì đeo Apple Watch series 4, tôi đã sử dụng Galaxy Watch Active 2 cùng với Galaxy Fold trong thời gian qua. Về smartphone, có thể tin rằng các hãng Android không hề thua kém Apple, thậm chí trội hơn ở nhiều điểm. Nếu tính riêng chiếc điện thoại, có thể khẳng định Galaxy Fold dùng thích hơn iPhone 11 Pro Max. Thế nhưng trong mảng smartwatch, khoảng cách giữa 2 thế lực này là quá xa. Thiết kế, trải nghiệm, tương thích ứng dụng, GPS… Apple đều làm tốt hơn rất nhiều. Galaxy Watch Active 2 có thể là chiếc smartwatch Android tốt nhất trong thời điểm hiện tại (tốt hơn rất nhiều so với các hãng Android khác) nhưng nếu so với Apple Watch mới nhất, những nỗ lực của Samsung vẫn chưa thể được đền đáp. 


Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 18.

- Face ID: cơ chế bảo mật của Galaxy Fold là vân tay, đặt ở cạnh bên màn hình. Nó hoạt động tương đối nhanh và chính xác nhưng nói về độ tiện dụng, Face ID vẫn cho cảm giác thoải mái hơn (và bảo mật hơn, nếu bạn quan tâm đến vấn đề này sâu sắc).

- Với một số người khác: Airpods. Tôi sử dụng Galaxy Buds với iPhone, dùng LG Gram làm laptop để giảm bớt sự lệ thuộc vào “cái bẫy hệ sinh thái” của Apple giăng ra. Dù phải thừa nhận Galaxy Buds kém ổn định hơn so với Airpods, nhưng ít ra là vẫn dùng được ở mức tốt. Tuy nhiên với những người khác vẫn còn đang sử dụng Airpods, tôi e là họ không muốn chuyển sang một cặp tai nghe khác.

- Mức giá và độ bền: thú thực trình bày dài dòng nãy giờ, tôi chưa nói cho các bạn một điều đấy là tôi được phát chiếc máy này để trải nghiệm chứ không phải bỏ tiền túi ra mua, nên mới dùng máy hơi... thô bạo một chút và đương nhiên, cũng không quan tâm đến mức giá 50 triệu. Vì thế, độ bền với tôi không phải vấn đề. Nhưng tôi tin với tất cả những ai đang muốn mua và trải nghiệm Galaxy Fold lâu dài, đây sẽ là điều đáng cân nhắc. Còn nếu bạn dư dả tiền bạc hoặc muốn trải nghiệm công nghệ của tương lai thì 50 triệu là quá rẻ đấy, rất đáng thử (iPhone giá trăm triệu người ta còn mua được, cớ gì tiếc 50 triệu cho một chiếc điện thoại đi trước thời đại như thế này?!).

Bỏ iPhone 11 Pro Max qua dùng Galaxy Fold: như xa vợ con để tìm “thứ mới” - Ảnh 19.

Galaxy Fold có mức giá gấp rưỡi iPhone 11 Pro Max 256GB chính hãng tôi từng dùng.

Kết luận: Với tôi, Galaxy Fold như một cô gái đẹp có những chiêu quyến rũ hết sức khác biệt mà iPhone không có được. Nhưng cô gái ấy có thể làm bạn đau bất cứ lúc nào (lăn ra hỏng chẳng hạn), đòi hỏi bạn phải chăm bẵm, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, và cay nghiệt nhất là đòi bạn phải chia tay tất cả những thứ tốt đẹp xung quanh bạn đang có. Trong khi ở đó, chiếc iPhone cùng Apple Watch vẫn luôn đáng tin cậy, luôn ổn định và tiện dụng, sẵn sàng chờ đợi tôi quay lại. Tôi là một người kiên định, tôi sẽ không bỏ những gì mình đang có để chạy theo cô gái mới - Galaxy Fold.

Nhưng tôi dám cá 95% những người đàn ông khác trên thế giới này sẽ chạy theo cô gái ấy. 

Trí Thức Trẻ