Bộ Công an đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm: 'Để quản lý tốt hơn sức khỏe của tài xế'

26/08/2020 14:39 PM | Xã hội

Bộ Công an đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm: 'Để quản lý tốt hơn sức khỏe của tài xế'

Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo mới nhất vừa đề xuất rút ngắn thời hạn của một số hạng giấy phép lái xe (GPLX).

Cụ thể, tại khoản 9, điều 46 dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ về thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500kg có thời hạn 10 năm. Các loại giấy phép lái xe hạng C gồm ô tô tải, máy kéo trên 3,5 tấn; hạng D1 gồm ô tô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ; hạng D ô tô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container giữ nguyên thời hạn 5 năm như hiện nay.

Theo Lao động, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện GPLX các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm, các hạng GPLX ôtô khác có thời hạn 5 năm, nhưng các hạng khác số lượng không nhiều mà chủ yếu là lái xe hạng B1 và B2.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định trên VnExpress, nếu rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và gây phiền hà cho người dân. Khi đó, hàng triệu người phải đi đổi lại giấy phép lái xe, trong khi quy định hiện hành đã có tính ổn định.

"Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế, thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi", VnExpress dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh chia sẻ trên Lao động, việc thay đổi sẽ phiền hà và tốn kém thời gian, tiền của cho người dân, gây tác động xã hội.

Ông Thanh cho rằng, theo đồng hồ sinh học về sức khoẻ con người, thì 10 năm là hợp lý. Với những người trẻ có sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí và không cần thiết. Hiện các giấy tờ tuỳ thân như hộ chiếu, căn cước công dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn.

Cũng theo Lao động, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) nói rằng, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.

Trả lời báo Tuổi trẻ liên quan đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm, Đại tá Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo lần 4 và lần 5 Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến người dân. Vị này nói, mục đích của đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe là để quản lý tốt hơn sức khỏe của tài xế.

"Trong thời gian 5 năm có những người sức khỏe vẫn tốt nhưng cũng có những người sức khỏe xấu đi không đảm bảo việc cầm lái, vì thế cần rút ngắn lại thời hạn đối với GPLX để quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, đây là đề xuất được đưa ra để lấy ý kiến người dân, cơ quan chuyên môn và chuyên gia.

Cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để sửa đổi cho phù hợp", báo Tuổi trẻ dẫn lời Đại tá Trung.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, có nhiều biện pháp để quản lý tài xế chứ không nhất thiết phải rút ngắn thời gian cấp, đổi lại bằng lái.

"Bởi việc này gây tốn kém tiền bạc, sức lao động của người dân. Đặc biệt, trong xã hội tiêu cực vẫn là nỗi lo lớn của người dân thì việc chỉ năm năm đã bắt đổi, cấp lại bằng lái là đề xuất gây hại cho dân", ông Liên nói trên Pháp luật TP.HCM, đồng thời cho hay, nghề lái xe cũng như nhiều nghề khác, càng lái lâu năm thì kinh nghiệm càng nhiều, nếu bắt họ đổi, cấp lại bằng lái thì phi lý, một đề xuất với lối tư duy ngược.

"Chúng ta muốn tăng cường quản lý tài xế, cần phải áp dụng công nghệ để quản lý con người chứ không ai lại đi quản lý bằng lái của họ được bao năm để buộc đi đổi, cấp lại. Sắp tới người ta cũng tiến tới bỏ hộ khẩu, sao ta cứ gây thêm khó khăn, phiền phức cho dân", Pháp luật TP.HCM dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bui Danh Liên.

Ông Nguyễn Văn Định (35 tuổi, quê Nam Định, hành nghề lái xe tải) chia sẻ trên báo Người lao động, thời gian để đổi GPLX phải mất hơn 10 ngày. Đối với tài xế lâu năm, xa nhà thường xuyên, thủ tục này gây phiền hà, tốn kém rất nhiều.

Lái xe Định nói với nguồn trên: "Chúng tôi hằng năm đều được chủ doanh nghiệp vận tải cho đi kiểm tra sức sức khỏe định kỳ và bản thân cũng tự cập nhật các quy định mới khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm thì bị cơ quan quản lý xử phạt rất nặng nên mỗi lái xe đều có ý thức trong vấn đề này. Do đó, nếu việc cấp lại bằng chỉ để kiểm tra sức khỏe và cập nhật kiến thức cho lái xe là không phù hợp".

(Tổng hợp)


PV

Cùng chuyên mục
XEM