Bitcoin có phải là mối đe dọa với hệ thống tài chính toàn cầu?
Bitcoin không cho thấy sự đe dọa nào đối với sự ổn định tài chính và không thể “gây náo động” các thị trường chính thống trong vài năm tới, một nhóm chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Âu lên tiếng.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm kinh tế vĩ mô và Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế thực hiện với gần 50 giáo sư từ các trường đại học trên khắp châu Âu, đa số đều tỏ ra lạc quan về những rủi ro do đồng tiền kĩ thuật số này có thể mang lại, dù đã có những cảnh báo liên tục từ các chuyên gia tài chính kì cựu.
Quy mô nhỏ và sự tách rời của bitcoin với hệ thống tài chính toàn cầu rộng lớn hơn là một trong những lý do chủ chốt khiến các chuyên gia kinh tế tỏ ra không lo lắng. Mặc dù giá trị bitcoin đã tăng hơn 1000% trong năm nay, nhưng tổng giá trị của chúng hiện chỉ khoảng vài trăm tỉ USD, quá nhỏ so với tổng giá trị 80 nghìn tỉ USD của thị trường tiền tệ toàn cầu.
Các chuyên gia tài chính kì cựu như CEO của JP Morgan và Goldman Sachs cũng đã có lời cảnh báo về bitcoin trong những tháng gần đây, trong khi chủ tịch ngân hàng Hoàng gia Scotland lại ví nó như là Hỏa ngục của Dante khi cho rằng nó là một bong bóng đầu cơ đang cần một lời cảnh báo “tận thế” dành cho giới đầu tư từ các ngân hàng trung ương.
Đã có những nỗi sợ về khả năng các ngân hàng sẽ trang trải thua lỗ thế nào khi giao dịch bitcoin, khi một nhóm ngân hàng đầu tư lớn viết thư cho giới điều hành Mỹ để nói rằng hệ thống điều hành ở quốc gia này đã được chuẩn bị quá tệ. Tuy nhiên, đồng tiền số này ngày càng bước sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu, sau khi xuất hiện lần đầu tiên trên những sàn giao dịch hợp đồng tương lai lớn nhất thế giới như CME và CBOE.
Một lưu ý cảnh báo đã được Wouter den Haan, giáo sư trường kinh tế Luân Đôn, đưa ra. Ông cho rằng những cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy rằng “có thể chỉ cần một tổ chức tài chính chủ chốt bị rơi vào tình thế rủi ro lớn là đủ khiến cho cả hệ thống gặp rủi ro”.
Dù đa số các chuyên gia kinh tế đều tin rằng có những rủi ro hạn chế với sự ổn định tài chính, nhưng họ cũng nói rằng các chính phủ nên đưa ra những biện pháp kiểm soát lớn hơn dành cho các đồng tiền mã hóa vì sự ẩn danh và không minh bạch của chúng có thể giúp tăng thêm sự trốn thuế và các hoạt động tội phạm khác.
Chuyên gia Nicholas Oulton của trường kinh tế Luân Đôn phát biểu: “Một trong số những nhiệm vụ của chính sách hiện hành là trấn áp nạn rửa tiền và trốn thuế thông qua các thiên đường thuế. Vì thế, sẽ là điều lạ lùng khi để cho các đồng tiền mã hóa ‘qua mặt’ những biện pháp quản lý này”.
Những cảnh báo trên được đưa ra sau khi Youbit - một sàn giao dịch tiền mã hóa ở Hàn Quốc - nộp đơn phá sản vì bị hacker tấn công lần thứ hai trong năm nay, làm tăng thêm lo ngại về mức độ an toàn trong việc giao dịch bằng bitcoin và những đồng tiền ảo khác đang trên đà bùng nổ.
Đó là vụ tấn công thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần. Một lượng bitcoin trị giá gần 64 triệu USD của NiceHash, một điểm giao dịch có trụ sở ở Slovenia, cũng đã bị hacker đánh cắp trước đó.
Các sàn giao dịch và ví bitcoin trước giờ vẫn luôn bị nhắm tới, và giới chuyên gia bảo mật cho rằng những nơi này đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước làn sóng tội phạm mạng khi giá trị bitcoin tăng lên.