Big data – "Mỏ vàng" bất cứ doanh nghiệp nào cũng không thể bỏ qua

04/10/2019 21:37 PM | Kinh doanh

Bản chất của dữ liệu lớn đến từ sự đóng góp của từng cá nhân. Hiện nay tại Việt Nam có gần 100 triệu dân, mỗi người Việt đang "sản sinh" ra số lượng dữ liệu không hề nhỏ mỗi ngày.

Tiềm năng của big data

Một trong những bí quyết kinh doanh thành công là khi bạn có được những thông tin mà người khác không biết. Trong thế giới ngày nay, doanh nghiệp nào có nhiều thông tin chắc chắn sẽ nắm được phần thắng.

Hiện nay, big data hay còn gọi là dữ liệu lớn đang trở thành một trong những xu hướng công nghệ mà tất cả startup đều hướng đến. Đồng thời, big data có một ảnh hưởng không hề nhỏ đến việc phát triển của các startup.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, big data mới đang được xây dựng, hình thành và phát triển.

Tại chương trình "Quốc gia khởi nghiệp", ông Lê Công Thành - CEO InfoRe cho rằng: "Đối với các startup ở Việt Nam, chúng tôi đang nhìn dữ liệu lớn như một cơ hội mới vì trong đó hàm chứa nhiều tri thức và những tri thức đó thể bán, có thể phục vụ kinh doanh. Hoặc có thể phục vụ doanh nghiệp cũng như từng cá nhân cho những mục đích khác nhau".

Bản chất của dữ liệu lớn đến từ sự đóng góp của từng cá nhân. Hiện nay tại Việt Nam có gần 100 triệu dân, mỗi người Việt đang "sản sinh" ra số lượng dữ liệu không hề nhỏ mỗi ngày.

Những lợi ích "nhìn tận mắt, sờ tận tay"

Một trong những ví dụ điển hình về khai thác dữ liệu hiệu quả phải kể đến là Google. Trong 20 năm qua, họ gần như đã thay đổi đời sống của con người từ việc khai thác big data. Họ đã dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích những dữ liệu có giá trị. Google phát triển và tồn tại đến ngày nay chính là sự kết hợp của big data và trí tuệ nhân tạo.

Big data – mỏ vàng bất cứ  doanh nghiệp nào cũng không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Big data có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau

Ngoài Google, Facebook chính là một trong những công ty đang khai thác hiệu quả big data tại thị trường Việt Nam. Họ thu thập được nguồn dữ liệu rất lớn, tuy nhiên họ cũng cung cấp ngược lại cho người Việt một công cụ rất mạnh đó là quảng cáo. Họ biết được chính xác từng người dùng Facebook đang quan tâm đến những vấn đề gì. Và họ đã cũng cung cấp những thông tin đó cho người bán hàng.

Các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác cũng có thể thụ hưởng rất nhiều thứ từ big data vì hoạt động của các doanh nghiệp đều gắn liền việc sử dụng máy tính. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp luôn luôn có được rất nhiều dữ liệu.

Ông Lê Công Thành cho rằng: "Big data cũng giống như một tảng băng trôi, phần chóp của nó thì nhỏ nhưng cái phần chìm bên dưới là những thông tin quý mà không thể chỉ ra ngay được thì nó rất lớn. Nếu doanh nghiệp nào biết khai thác tảng băng trôi đó thì sẽ đem về rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của mình".

Với y tế, dữ liệu lớn có thể giúp các bệnh viện lập hồ sơ sức khỏe điện tử, dự báo số lượng bệnh nhân, đề xuất phương pháp tối ưu. Với giao thông, dữ liệu lớn dùng để giám sát, quản lý đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Với bán lẻ, dữ liệu lớn dùng để dự báo xu hướng tiêu dùng của khách hàng nhằm đưa ra những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Dữ liệu lớn chính là nền tảng cho công nghệ 4.0 hay đô thị thông minh.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp lớn luôn có những chiến lược để có thể lấy được thông tin cũng như khai thác dữ liệu từ người dùng. Chính Tim Cook – Giám đốc điều hành Apple cũng từng thẳng thắn nói rằng: "Khi một dịch vụ trực tuyến được cung cấp miễn phí thì bạn không phải là khách hàng mà bạn chính là sản phẩm".

Từ việc cung cấp sản phẩm miễn phí cho người dùng, những doanh nghiệp như Facebook đã trở thành "vương quốc ảo" với 1,3 tỷ dân, nền tảng Google trở thành website tìm kiếm phổ biến nhất thế giới với 3,3 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày. Mỗi lượt tương tác, bấm like, tìm kiếm đều là một mảnh ghép để các doanh nghiệp đo đếm và phân tích người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Các công cụ phân tích giúp đưa ra dự đoán về sở thích và thói quen của người dùng. Từ đó, các thương hiệu nếu muốn bán hàng hiệu quả sẽ phải chi một số tiền không hề nhỏ để chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm.

Big data và công cụ tìm phân tích không chỉ thu tiền về cho giới công nghệ mà đây còn là lý do đằng sau sự bành trướng của các hãng bán lẻ trực tuyến như Alibaba, Amazon. Với những hệ sinh thái dày đặc xung quanh người dùng từ bán hàng, vận chuyển, thanh toán điện tử hay dịch vụ trợ lý ảo.

Với số lượng big data ngày càng lớn nên không khó để các doanh nghiệp này nắm bắt và tung ra những dịch vụ mới theo sở thích của khách hàng và ngược lại. Đồng thời, hệ sinh thái sản phẩm lại càng giúp họ vẽ lại bức chân dung của người dùng trong không gian số một cách chân thực nhất.

Biến "rác" thành "vàng" và cần thay đổi liên tục

Tuy nhiên tất cả những big data mà chúng ta thu được không phải thông tin nào cũng có giá trị. Để sử dụng nguồn big data này cần phải qua quá trình sàng lọc và phân loại.

Tất cả những thông tin thu thập được ban đầu đều là sự hỗn hợp của nhiều nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau. "Nếu khi nhìn vào một khối rác khổng lồ thì có nhiều người sẽ nhìn thấy toàn rác, tuy nhiên có những người tái chế nhựa thì người ta lại nhìn thấy ‘vàng’ của họ chính là nhựa.

Mỗi doanh nghiệp sẽ nhìn thấy ‘vàng’ của mình trong "biển rác" dữ liệu ở những khía cạnh khác nhau và họ sẽ tìm cách khai thác", ông Lê Công Thành lập luận.

Bản chất của dữ liệu cũng biến đổi một cách liên tục. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào một dữ liệu ban đầu mà cần có những sự thay đổi phù hợp.

CEO InfoRe cho biết: "Có những kế hoạch chúng tôi vạch ra cách đây khoảng 3 tháng nhưng 3 tháng sau chúng tôi đã phải bỏ đi. Hiện nay, dữ liệu đang biến đổi không ngừng. Người ta bắt đầu quan tâm đến những dạng dữ liệu về vô thức của người dùng chứ không chỉ đơn thuần là những dữ liệu về ý thức nữa".

Minh Minh

Cùng chuyên mục
XEM