"Big 4" ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?

06/06/2019 16:43 PM | Kinh doanh

Sự phân hóa, cách biệt ở một số khía cạnh giữa Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank ngày càng lớn. Chẳng hạn, ngay trên con số thu nhập bình quân nhân viên, cùng trong nhóm "Big 4" nhưng chênh lệch tới hàng chục triệu đồng/tháng.

Mặc dù một số ngân hàng tư nhân đang lớn lên rất nhanh nhưng nói đến quy mô và sức ảnh hưởng tới thị trường, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn nghiễm nhiên gắn liền với danh "ông lớn", "Big 4 ngân hàng". Trong mắt nhà đầu tư hay lực lượng lao động ngành ngân hàng, hoạt động kinh doanh của nhóm "Big 4" này vẫn luôn tạo được sự chú ý rất lớn.

Đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.

Agribank vẫn thường được xem là "anh cả" trong hệ thống những năm về trước. Tuy nhiên, với việc sớm cổ phần hóa, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã bứt tốc rất nhanh. Xét trên khía cạnh quy mô, Agribank vẫn đang là người dẫn đầu nhưng về kết quả kinh doanh thì đang phải cạnh tranh gay gắt, thậm chí có phần thua thiệt so với 3 ngân hàng kia.

Tổng tài sản: Đều đã vượt 1 triệu tỷ đồng, Agribank dẫn đầu về quy mô cho vay và tiền gửi

Tổng tài sản hiện nay của cả 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đều đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của 4 nhà băng này chiếm tới 43% hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy sức ảnh hưởng rất lớn của nhóm ngân hàng này.

 Big 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?  - Ảnh 1.

BCTC Riêng lẻ năm 2018

Trong 4 ngân hàng, Agribank đang có dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất, đều đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Theo sau lần lượt là BIDV, VietinBank, Vietcombank.

So với 3 ngân hàng còn lại, dư nợ cho vay của Vietcombank thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt 616.949 tỷ đồng cuối năm 2018, tức chỉ bằng khoảng 60% so với Agribank.

Về tiền gửi, Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất, cho thấy được lợi thế về nguồn vốn giá rẻ của nhà băng này – một trong những yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Nợ xấu: BIDV nhiều nợ xấu nhất, Agribank cải thiện mạnh trong năm 2018

 Big 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?  - Ảnh 2.

BCTC Riêng lẻ năm 2018, Đơn vị: Tỷ đồng, %

Về nợ xấu nội bảng, trong khi Vietcombank tăng nhẹ vài chục tỷ, Agribank giảm hơn 2.400 tỷ thì tại VietinBank và BIDV lại tăng khá mạnh. Nợ xấu nội bảng của VietinBank và BIDV cuối năm 2018 tăng lần lượt 52% và 41% so với đầu năm lên mức 13.635 tỷ và 17.201 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp nhất, dưới 1%. Trong khi đó, BIDV cao nhất với 1,8%, Agribank và VietinBank cùng ở mức 1,6%.

 Big 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?  - Ảnh 3.

BCTC Riêng lẻ năm 2018, Đơn vị: Tỷ đồng

Chất lượng tài sản ở Vietcombank được đánh giá nhỉnh hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại khi cũng đã xóa sạch nợ tại VAMC. Trong khi đó, BIDV còn hơn 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, VietinBank là 13.427 tỷ đồng, Agribank là 7.750 tỷ. Đáng chú ý nhất là Agribank khi lượng trái phiếu đặc biệt mà nhà băng này nắm giữ giảm tới 81% chỉ trong 1 năm. Ngân hàng này cùng BIDV đều đặt mục tiêu xóa sạch nợ tại VAMC trong năm nay.

Quy mô lời lãi: Vì sao không có doanh thu cao nhất, Vietcombank vẫn bỏ xa 3 ngân hàng còn lại về lợi nhuận?

Với dư nợ cho vay lớn nhất, cùng mạng lưới và hoạt động trải rộng khắp cả nước, tổng thu nhập của Agribank cao hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại, đạt 52.827 tỷ đồng năm 2018; trong khi BIDV đứng thứ 2 cũng mới chỉ ở mức 41.931 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ thống đồ sộ cũng dẫn đến chi phí hoạt động lớn theo. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Agribank, BIDV, Vietcombank không cách biệt nhau quá nhiều (hơn kém nhau từ vài nghìn tỷ).

 Big 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?  - Ảnh 4.

BCTC Riêng lẻ năm 2018, đơn vị: tỷ đồng

Đáng chú ý, không có doanh thu cao nhất nhưng Vietcombank lại có lợi nhuận trước thuế dẫn đầu, hơn nữa còn bỏ xa 3 ngân hàng còn lại. LNTT của Vietcombank năm 2018 là hơn 18.000 tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với BIDV, Agribank hay VietinBank.

Lý do chủ yếu nằm ở chi phí dự phòng rủi ro. Trong khi Vietcombank chỉ phải trích 7.400 tỷ đồng thì BIDV lên tới 18.259 tỷ đồng, Agribank là 21.707 tỷ đồng, VietinBank là 7.692 tỷ đồng. Với việc nợ xấu còn cao và áp lực sớm tất toán nợ tại VAMC, chi phí dự phòng sẽ còn là gánh nặng với BIDV trong năm 2019.

Trong 4 ngân hàng, chỉ riêng VietinBank bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong năm qua, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh khi ngân hàng thoái lãi dự thu. Tổng thu nhập hoạt động của nhà băng chỉ đạt 27.3773 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 12,6% so với năm 2017. LNTT chỉ đạt 6.365 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4". Tăng vốn được hay không vẫn sẽ là yếu tố quyết định tới tốc độ tăng trưởng của nhà băng này trong năm 2019.

Thu nhập nhân viên "Big 4" ngân hàng dẫn đầu hệ thống 

Thu nhập bình quân nhân viên của nhóm "Big 4" ngân hàng xưa nay vẫn luôn dẫn đầu hệ thống. Tuy nhiên, sự phân hóa ngay trong chính nhóm này cũng rất lớn, chênh lệch hàng chục triệu đồng.

BCTC riêng lẻ của Vietcombank cho biết, thu nhập bình quân của nhân viên nhà băng này trong năm 2018 đạt 33,47 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở VietinBank, con số này chỉ ở mức 22,26 triệu đồng/tháng, kém hơn cả 11 triệu đồng.

 Big 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank hiện nay ra sao?  - Ảnh 5.

BCTC Riêng lẻ năm 2018, Đơn vị: Tỷ đồng

Ngân hàng tăng thu nhập cho nhân viên mạnh nhất trong năm qua là Agribank. Thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng này tăng gần 7 triệu trong năm 2018 lên mức 28,91 triệu đồng/tháng.

BIDV vẫn duy trì mức thu nhập cho nhân viên tương tự như năm trước, năm 2018 đạt 25,28 triệu đồng/tháng.

Theo Hải Vân

Từ khóa:  ngân hàng , big 4
Cùng chuyên mục
XEM