'Biểu tượng' nước giải khát một thời tại Việt Nam đứng trước nguy cơ hủy niêm yết trên HoSE do báo lỗ năm thứ ba liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu

22/01/2024 17:25 PM | Kinh doanh

Năm 2023, doanh nghiệp này lỗ 119 tỷ đồng, qua đó nâng số lỗ lũy kế lên hơn 200 tỷ đồng.

'Biểu tượng' nước giải khát một thời tại Việt Nam đứng trước nguy cơ hủy niêm yết trên HoSE do báo lỗ năm thứ ba liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

CTCP Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu 39,4 tỷ đồng, giảm  20,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu giúp lợi nhuận gộp của công ty không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. 

Nước giải khát Chương Dương chỉ có gần 600 triệu đồng doanh thu tài chính. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, Nước giải khát Chương Dương lỗ sau thuế 45,7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ của quý 4/202. 

Lũy kế năm 2023, Nước giải khát Chương Dương ghi nhận 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ 119 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 49 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. 

'Biểu tượng' nước giải khát một thời tại Việt Nam đứng trước nguy cơ hủy niêm yết trên HoSE do báo lỗ năm thứ ba liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 2.

Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh. tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến đi kèm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao. Đồng thời, chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2023, Nước giải khát Chương Dương đã lỗ lũy kế 201 tỷ đồng. Dù có vốn điều lệ của công ty chỉ ở mức 85 tỷ đồng, cùng khoản quỹ đầu tư phát triển 104,4 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp đã ấm vốn chủ sở hữu 11,7 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của công ty đạt mức 687 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng lượng tiền và tương đương tiền nắm giữ gấp 3,8 lần cuối năm trước, với 105 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho giảm 18%, còn 20 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất trong tổng tài sản là 2 khoản mục bất động sản đầu tư và chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Trong khi giá trị bất động sản đầu tư ghi nhận 252 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm, thì chi phí xây dựng cơ bản dở dang chỉ còn xấp xỉ 1 tỷ đồng, đầu năm hơn 91 tỷ đồng. Toàn bộ bất động sản đầu tư của Nước giải khát Chương Dương là các nhà kho được công ty xây dựng để cho thuê.

Nước Giải Khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc tập đoàn BGI của Pháp. Năm 2004 chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần.

Hiện tại, Chương Dương vẫn hoạt động với vai trò là công ty con phụ trách hoạt động sản xuất nước giải khát của Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong đó, Sabeco hiện nắm 62,06% vốn Chương Dương.

Tại thị trường trong nước, Chương Dương từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía nam với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng nước giải khát nước ngoài với chiến lược marketing hiệu quả, mạng lưới phân phối rộng, nước ngọt con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.


Theo Trọng Hiếu

Cùng chuyên mục
XEM