Biến thể Covid-19 bí ẩn ở Brazil: Cuộc chơi "mèo vờn chuột" chỉ mới bắt đầu?

29/01/2021 07:35 AM | Xã hội

Sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới SARS-CoV-2 khiến nhiều quốc gia điêu đứng. Tuy nhiên trò chơi “mèo vờn chuột” giữa virus và vaccine có thể chỉ mới bắt đầu.

Biến thể ở Brazil làm đau đầu các nhà khoa học

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lần lượt xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới. Biến thể từ Anh với tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% đã lan rộng ra hàng chục quốc gia. Biến thể từ Nam Phi thì buộc các công ty như Moderna và Pfizer phải thay đổi công thức điều chế vaccine Covid-19 của mình.

Tuy nhiên, với một số nhà khoa học, biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại nhất có lẽ là biến thể mới được phát hiện gần đây. Biến thể này có tên là P.1, xuất hiện vào đầu tháng 12 ở Manaus, Brazil và vào giữa tháng 1 đã gây ra một sự gia tăng đột biến số ca mắc trong thành phố 2 triệu dân này.

Ngày 25/1, các nhà chức trách ở Mỹ đã phát hiện ca nhiễm biến thể P.1 đầu tiên tại Minnesota. Cơ quan Y tế của bang này đã phát hiện ra trường hợp trên sau khi xét nghiệm ngẫu nhiên 50 mẫu dịch lấy từ mũi của các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân nhiễm P.1 từng có lịch sử đi lại tới Brazil.

"Nếu các bạn hỏi tôi lúc này điều gì là gây lo ngại nhất trong những điều tôi từng nghe thì đó là việc chúng ta đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc ở Manaus, Brazil. Manaus hiện đã có 75% dân số mắc bệnh", chuyên gia về virus Jeremy Luban tại Đại học Massachusetts nhận định với NPR.

Mối lo ngại về P.1 đã gia tăng gấp đôi khi mà các nhà khoa học không hiểu tại sao biến thể này lây lan với cấp số nhân ở Brazil như vậy và việc biến thể này mang một số đột biến đặc biệt nguy hiểm.

Trong khi biến thể từ Anh mất 3 tháng để gây ra tác động mạnh mẽ ở England thì P.1 chỉ mất 1 tháng để lây lan với tốc độ chóng mặt tại Manaus. Ngoài ra, Manaus cũng từng bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ vào tháng 4/2020. Một nghiên cứu đã ước tính rằng dân số của khu vực này lẽ ra đã đạt được miễn dịch cộng đồng và virus SARS-CoV-2 không thể lây lan dễ dàng như vậy. Vậy thì tại sao thành phố này lại chứng kiến sự bùng phát số ca mắc Covid-19 thậm chí còn lớn hơn sau 10 tháng? P.1 có thể thoát khỏi các kháng thể từng chống lại chủng virus ban đầu và khiến việc tái nhiễm trở nên dễ dàng hơn hay không? Hay đơn giản bản thân biến thể mới này có khả năng lây lan rộng hơn? Hoặc cả hai giả thiết trên đều có thể xảy ra thì sao?

"Chúng tôi không biết chính xác tại sao biến thể này lại lây lan dễ dàng như vậy ở Brazil, chưa có lời giải thích hợp lý nào hiện nay được đưa ra", nhà dịch tễ học Bill Hanage thuộc Đại học Harvard nhận định trên Twitter.

Trò chơi “mèo vờn chuột” chỉ mới bắt đầu?

Các trường hợp tái nhiễm là một mối lo ngại nghiêm trọng bởi một vài lý do. Đầu tiên, giống như biến thể ở Nam Phi, P.1 có thể chứa một số đột biến trên bề mặt virus giúp cho chúng có một "lớp áo tàng hình" để thoát khỏi các biến thể.

Để làm rõ hơn giả thiết này, Penny Moore, chuyên gia về virus tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Nam Phi và Đại học KwaZulu-Natal đã cùng với các cộng sự lấy huyết thanh từ 44 người nhiễm chủng virus ban đầu và kiểm tra xem liệu các kháng thể trong serum đó có thể chống lại biến thể mới ở Nam Phi hay không.

"Trên thực tế, dựa trên những gì chúng tôi quan sát, đã có một sự sụt giảm đáng kể về độ nhạy của các kháng thể. Nói cách khác, các kháng thể đã giảm đáng kể hiệu quả trong việc chống lại biến thể từ Nam Phi", bà Moore cho hay.

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa xét nghiệm P.1 trong các thí nghiệm tương tự nhưng P.1 có 2 đột biến mà các nhà khoa học nhận thấy nó có thể làm giảm sự gắn kết của các kháng thể.

Vì vậy, hiện nay, chúng ta đang chơi trò "mèo vờn chuột" giữa virus và vaccine, chuyên gia về virus Ravi Gupta nhận định. Virus sẽ luôn tìm cách để thoát khỏi vaccine cũng như hệ miễn dịch của chúng ta, trong khi các nhà sản xuất liên tục thay đổi công thức của vaccine để chống lại các biến thể mới của virus.

"Chúng ta từng ở trong tình trạng này trước đây với bệnh cúm. Chúng ta phải sống chung với dịch cúm và phát hiện ra cách để đối phó với virus này là tiêm vaccine hàng năm. Vì thế, tôi nghĩ là chúng ta sẽ làm điều tương tự với virus SARS-CoV-2. Cuối cùng, chúng ta chỉ cần chế ra các loại vaccine khác nhau nhắm tới các phần khác nhau của virus tại những nơi mà virus khó có thể thay đổi", chuyên gia Gupta cho hay.

Dù vậy, chuyên gia Gupta nhận định quy trình này có thể "ngốn" một khoản chi phí khổng lồ và mất nhiều thời gian. "Tôi không cho là có một giải pháp đơn lẻ nào đó có thể giải quyết được đại dịch trong năm 2021. Dịch Covid-19 sẽ gây nên một sự gián đoạn về dài hạn”./.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM