Biến căng của McDonald's tại Pháp: Vì 1 dòng tweet phải thay đổi toàn bộ bọc đựng khai tây chiên, mỗi cửa hàng ngậm ngùi chịu tốn thêm 15.000 USD
Đây là lần đầu tiên một quốc gia tại Châu Âu áp dụng kiểu chính sách này. Tuy nhiên Hội đồng Châu Âu (EC) lại thích chúng và định nhân rộng sau khi thí điểm tại Pháp.
Theo tờ Financial Times (FT), các cửa hàng McDonald's tại Pháp sẽ không phục vụ khách hàng giấy bọc thông thường, hay thậm chí là bìa cứng đựng khoai tây chiên. Thay vào đó là những hộp nhựa cứng màu đỏ in logo của hãng có thể rửa sạch và tái sử dụng liên tục.
Tuy nhiên đây lại chẳng phải chiến dịch quảng cáo hay marketing gì của McDonald's chi nhánh Pháp.
Trên thực tế, mỗi cửa hàng McDonald's sẽ phải tốn thêm 15.000 Euro cho chi phí dọn rửa, sấy khô, khử trùng, xếp lại những hộp và khay nhựa này, đồng thời phải đào tạo nhân viên hoặc thậm chí thuê thêm người rửa hộp nếu cần.
Bất chấp những chi phí đó, McDonald's vẫn phải thực hiện bởi đây là yêu cầu từ Tổng thống Emmanuel Macron, hay chính xác hơn là dự luật hạn chế rác thải (Anti Waste) mà Pháp đang tiên phong thực hiện.
Theo Yahoo Finance, chỉ một nửa trong số giấy bọc của McDonald's là được sử dụng từ nguyên liệu tái chế, trong khi chỉ 10% số chi nhánh chuỗi đồ ăn nhanh này dùng các vật dụng tái chế được.
Chính điều này đã khiến hãng trở thành tiêu điểm trong cuộc chiến hạn chế rác thải tại Pháp.
Ngay sau động thái của McDonald's, Tổng thống Macron đã đăng lại bài tweet của người dùng @juanbuis với hình mâm đồ ăn khoai tây chiên của McDonald's với hộp nhựa mới.
"Bộ luật hạn chế rác thải không chỉ chấm dứt những chiếc ống hút nhựa. Hãy nhìn đi, tại Pháp, chúng ta đang tạo nên những thay đổi trong văn hóa tiêu dùng và hạn chế được rác thải. Chúng ta đang cố gắng phổ biến điều này ra toàn cầu. Hãy cùng nhau làm điều đó", Tổng thống Macron đăng tải.
Lần đầu tại Châu Âu
Bộ luật hạn chế rác thải được chính phủ Pháp thông qua năm 2020 cấm các chuỗi đồ ăn nhanh và nhà hàng sử dụng vật liệu không thể tái chế để phục vụ thực khách ăn tại chỗ. Luật này không thi hành với những đơn hàng mua mang về.
Quy định mới đã có hiệu lực từ tháng 1/2022 và những cửa hàng vi phạm sẽ bị phạt 7.500 Euro/lần. Tuy nhiên họ có khoảng 3 tháng để chuyển đổi dần mô hình cho phù hợp bộ luật mới.
Bởi vậy, McDonald's buộc phải tốn thêm chi phí chia đơn hàng làm 2 phần, bên dành cho thực khách ăn tại nhà hàng sẽ phải dùng đồ hộp nhựa, còn bên mang đi sẽ được bọc giấy bình thường.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia tại Châu Âu áp dụng chính sách này và chúng bất ngờ khiến nhiều người thích thú. Tờ FT cho biết nhiều thực khách McDonald's tại Pháp đã mua lại những hộp đựng dễ thương này về làm quà kỷ niệm.
Trên thực tế, bộ luật hạn chế rác thải của Pháo bao gồm hàng trăm quy định mới như tiến hành cấm dần việc dùng túi nilon dùng 1 lần từ nay đến năm 2040.
Bình quân, mỗi công dân Châu Âu thải ra khoảng 180 kg rác thải là bao bì, giấy bọc mỗi năm. Các số liệu chính thức ước tính lượng rác thải bằng bao bì này sẽ tăng 19% từ nay đến năm 2030, đặc biệt túi nilon sẽ tăng 46%.
Đổ nhiều thức ăn hơn
Bộ luật mới dù được Pháp thông qua nhưng nhiều doanh nhân phàn nàn rằng số nước, năng lượng và chi phí làm sạch cho những chiếc hộp tái sử dụng này sẽ chỉ khiến gia tăng khí thải nhà kính và làm ô nhiễm môi trường thêm. Đồng thời lượng thức ăn thừa đổ bỏ cũng sẽ nhiều hơn so với trước.
Ngành công nghiệp bao bì Pháp, vốn chịu thiệt hại nặng nhất từ bộ luật mới cho rằng những sản phẩm cốc bằng bìa cứng hay hộp đựng khoai tây chiên thậm chí còn thân thiện hơn so với những chiếc hộp nhựa hay cao su tái sử dụng nhiều lần.
Nguyên nhân là những chiếc cốc giấy có thể được tái chế dùng lại, hoặc phân hủy nhanh ngoài môi trường. Tuy nhiên những chiếc cốc nhựa hay cao su dù dùng được lâu nhưng khi bị vứt bỏ thì không thể tái chế và cũng khó phân hủy hơn.
Đồng quan điểm, nghiên cứu của Liên minh bao bì giấy Châu Âu (EPPA) cho thấy lượng điện và nước dùng để làm sạch, sấy khô đồ nhựa dùng nhiều lần bằng những chiếc máy rửa công nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian tại các nhà hàng thải ra lượng khí thải nhà kính nhiều gấp 2,8 lần so với dùng bao bì giấy dùng 1 lần. Lượng nước sạch tiêu tốn cùng nhiều hơn 3,4 lần.
"Các nhà hoạt động xã hội đang cố gắng loại bỏ bao bì dùng 1 lần nhưng bao bì giấy thì chẳng có tác hại gì mấy", Chủ tịch Eric Le Lay của EPPA nhận định.
Trong khi đó, lượng thức ăn đổ bỏ của các chuỗi đồ ăn nhanh cũng sẽ gia tăng do những suất không bán được, bị thừa hay ế sẽ không thể đem đi làm từ thiện nếu đựng trong hộp tái sử dụng. Điều này khác hoàn toàn nếu các suất ăn đều được bọc giấy.
Bất chấp những nghi ngại đó, Hội đồng liên minh Châu Âu (EC) đã chịu cổ vũ từ Pháp và đang dự thảo một bộ luật hạn chế rác thải dùng chung cho toàn khối Liên minh Châu Âu (EU).
"Họ sẽ mắc sai lầm tương tự như ở Pháp thôi, nhưng biết sao được, ý tưởng bảo vệ môi trường quá hấp dẫn với các chính trị gia và nhà hoạt động xã hội dù thực tế chưa chắc đã vậy. Cuối cùng bộ luật này có thể lan khắp Châu Âu", một nhà vận động hành lang của ngành bao bì giấy Pháp than thở.
*Nguồn: FT, Yahoo Finance