“Biến” 10ha đồng muối Sa Huỳnh thành... đô thị
Đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối nổi tiếng miền Trung, nó gắn liền với lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người địa phương. Người dân đang lo ngại các giá trị văn hóa, lịch sử... sẽ mất đi khi chính quyền thu hồi 10ha đồng muối để xây dựng biệt thự.
Giảm diện tích để tăng giá trị
Đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) là vựa muối nổi tiếng ở miền Trung, có diện tích hơn 110 ha, với gần 600 hộ diêm dân sản xuất, sản lượng khoảng 7.000 tấn mỗi năm.
Hàng trăm năm qua, diêm dân Sa Huỳnh đa phần làm muối bằng thủ công, thời gian kết tinh ngắn, lại lẫn tạp chất nên chất lượng muối không cao. Đồng nghĩa với việc giá muối liên tục rớt giá, đầu ra không ổn định.
Nhằm tìm đầu ra cho đồng muối Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều quy hoạch, đề án liên quan đến việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật đồng muối, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho diêm dân nhưng đến nay các chính sách trên vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
Như một cách để tháo gỡ “thế bí”, UBND huyện Đức Phổ đang xúc tiến việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cuối năm 2017, do Cty Cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú làm chủ đầu tư, với mục tiêu “xây dựng một khu đô thị văn minh, hiện đại... gắn chặt với cảnh quan xung quanh, tạo diện mạo mới cho đô thị nhằm cải thiện chất lượng và môi trường sống cho người dân”. Tổng vốn đầu tư của dự án này hơn 210 tỉ đồng, triển khai trên 20ha xã Phổ Thạnh.
Trong đó, gần 4ha là đất đã được xây nhà đầu tư chỉnh trang, gần 16ha là đất ở xây dựng mới. Trên phần đất ở xây dựng mới, chủ đầu tư xây nhà liên kế trên 337 lô đất, 112 lô để xây biệt thự (có hơn 10 ha chồng lấn lên ruộng muối của khoảng 50 hộ diêm dân Sa Huỳnh). Diện tích đất còn lại để trồng cây xanh, làm khu thương mại, giao thông...
Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, đồng muối truyền thống Sa Huỳnh có vai trò quan trọng đối với cuộc sống người dân và hệ sinh thái nước mặn ở địa phương. Tuy nhiên, dự án trên phù hợp trong bối cảnh tuổi lao động nghề muối đang già đi, giá muối bấp bênh, đầu ra không ổn định, việc giảm sản lượng, tăng giá trị sẽ giúp đảm bảo cuộc sống của người làm muối.
“Trong cuộc họp vừa qua, phần lớn người dân đã đồng ý chủ trương nhưng chưa ưng thuận mức giá bồi thường (110 - 120 triệu đồng/500m2). “Theo tôi nhà đầu tư cần hỗ trợ thêm thì người dân mới đồng ý”, ông Trinh nói.
Sa Huỳnh muối trắng... còn không?
“Vẫn biết làm nghề muối là cực khổ, gian nan, nhưng nó gắn liền với lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Sa Huỳnh thì làm sao mà bỏ được” - ông Nguyễn Văn Hùng, trú Thạnh Đức 1 - chủ nhân 2 sào muối nói.
Ông Hùng nhận định, khi khu dân cư mới được xây lên, liệu nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng muối hay không? Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ che chắn gió, ảnh hưởng đến quá trình kết tinh của hạt muối, các nhà hoạch định đã nghĩ đến chưa?
Ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng, khu nhà ở chỉ xây dựng ở một phần đồng muối, nên không che chắn gió. Và việc giảm diện tích ruộng muối sẽ tạo nguồn lực đầu tư, cải tạo ruộng muối tập trung vào diện tích còn lại.
Vì thương bà con và hạt muối Sa Huỳnh, năm 2015, chị Phạm Hồng Thắm quyết định đi bán muối. Nhờ tiếp cận được xu hướng thế giới và cộng đồng tiêu dùng sạch, Thắm chọn giải pháp bán muối truyền thống thủ công, giữ được vị ngon tự nhiên của muối biển, đồng thời giữ gìn hệ sinh thái đồng muối và bảo vệ môi trường.
Gần 3 năm qua, biết bao nhiêu khó khăn, biến động, hạt muối Sa Huỳnh vẫn được khách hàng ủng hộ. Đến khi chị Thắm nhận ra rằng, có nhiều diêm dân đang rất hạnh phúc với nghề muối, họ yêu nghề, có tâm với nghề sống nhàn hạ và còn tự thấy làm muối sướng hơn làm lúa nhiều, họ vẫn nuôi con cái ăn học đàng hoàng thì chính quyền lại “biến” 10ha ruộng muối thành biệt thự.
“Tại sao không tin tưởng tương lai sẽ có thêm nhiều diêm dân như vậy, sao không chờ thêm một thời gian nữa. Sao nỡ “cắt gọn” đồng muối khi tôi còn chưa kịp làm được gì cho người dân quê mình. Tôi lo vài năm nữa, những người con Sa Huỳnh sẽ không còn ai “dám” hát “Quảng Ngãi mình thương, Sa Huỳnh muối trắng, mặn thắm hồn quê, hai tiếng nghĩa tình” - lời bài hát “Quảng Ngãi ta về”” - chị Thắm trăn trở.