Bị Tổng thống Trump “cấm vận”, Jack Ma mua hẳn cả một nhà máy để “thay thế” chỉ sau 4 ngày
Động thái “đổ dầu vào lửa” của Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa bị tỷ phú Jack Ma dội thẳng một gáo nước lạnh.
Đòn "cấm cửa" chí mạng của Trump
Vào năm 2014, chính phủ Trung Quốc ra sức đốc thúc Bộ quân sự, ngân hàng và các tập đoàn nhà nước ưu tiên sử dụng các thiết bị công nghệ trong nước để tránh sự phụ thuộc vào Mỹ.
Nhưng chưa hoàn thành kế hoạch trên thì doanh nghiệp Trung Quốc đã bị "tấn công" vào ngày 16 tháng 4 năm nay, khi Bộ Thương mại Mỹ ra sắc lệnh cấm tất cả những doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tham gia bán phần mềm và phần cứng cho ZTE, một trong những nhà sản xuất điện thoại và linh kiện lớn nhất Trung Quốc.
Với lệnh cấm vận "tức thì" này, cả dây chuyền sản xuất của tập đoàn ZTE bỗng dưng "chết lặng" khi rất nhiều quy trình đang phụ thuộc vào các thành phần nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ, đặc biệt là ở hai nhà cung cứng chiến lược Intel và Qualcomm. Theo viện nghiên cứu Tarun Pathak, động thái cấm vận bất ngờ này của Mỹ sẽ ngay lập tức gây trì trệ sản xuất và rất có thể là suy giảm doanh thu nghiêm trọng cho ZTE.
"Kế hoạch sản xuất đã được xác định từ nhiều tháng trước" vị chuyên gia cho hay. "Việc phải bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng khác sẽ tốn rất nhiều thời gian, và trong một thị trường cạnh tranh khắc nhiệt như hiện nay, mỗi một sản phẩm bạn không thể hoàn thành sẽ trở thành một đơn hàng mới cho các đối thủ của bạn."
Nhưng tại sao lại là ZTE?
Tập đoàn ZTE với trụ sở chính tại Thâm Quyến, mặc dù là một tên tuổi được niêm yết và buôn bán công khai trên sàn chứng khoán nhưng phần lớn cổ phiếu ZTE vẫn nằm trong tay chính quyền Trung Quốc. Và khác với những thương hiệu điện thoại trong nước khác như Huawei, ZTE vẫn đang có thành tích kinh doanh rất đáng nể tại Hoa Kỳ, hơn hẳn các thị trường khác như Ấn Độ và cả sân nhà Trung Quốc.
Tuy Mỹ thường được giới chuyên gia đánh giá là một thị trường "đẫm máu" cho sản phẩm điện thoại thông minh, với sự thống trị của hai gã khổng lồ là Apple và Samsung. Nhưng với lợi thế giá rẻ của mình, ZTE vẫn tự hào nắm được hơn 10% thị trường, tồn tại và phát triển ngay dưới cuộc chiến của các gã khổng lồ.
Tiếc thay cho ZTE, những điều trên đã biến công ty này thành một trong những "cái gai" trong mắt tổng thống Donald Trump. Giữa tâm điểm cuộc chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ dường như tìm ra được "điểm yếu" của đối thủ là ZTE, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, với thị phần chiến lược ở Mỹ nhưng lại phụ thuộc vào rất nhiều nhà cung ứng tại đây.
Dù chính quyền Trung Quốc đã biết được điểm yếu chết người của mình và cố gắng "kêu gọi" loại bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ, nhưng mọi chuyện vẫn quá muộn màng.
Và sự xuất hiện của "đại gia" Jack Ma
Trong một buổi nói chuyện tại Đại học Waseda, nhà sáng lập Jack Ma đã nhấn mạnh việc Trung Quốc cũng như các nước khác nên chú trọng nhiều hơn đến việc có thể tự sản xuất những công nghệ cốt lõi.
"Nước Mỹ đã đi trước nhiều bước, và Trung Quốc chúng tôi cần làm nhiều hơn nữa để bắt kịp. 100% thị trường chip điện tử hiện nay nằm trong tay người Mỹ." Jack Ma nói thêm: "Và nếu đột nhiên Mỹ không bán nữa, bạn hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra rồi đấy. Đó là lý do Trung Quốc, Nhật Bản và bất kì nước nào khác đều cần công nghệ cốt lõi."
Và sau khi dự đoán của mình trở thành hiện thực, Jack Ma đã giữ đúng tuyên bố trên bằng một động thái hùng hồn. Vào ngày 20 tháng 4, tức là chỉ 4 ngày sau khi Mỹ đưa ra lệnh cấm vận, Alibaba thông báo rằng họ đã mua lại thành công tập đoàn C-SKY Microsystems, và chính thức sở hữu một nhà máy chuyên sản xuất CPUs. Trước đó không lâu, Jack Ma cũng tiết lộ rằng ông đang tự phát triển chip trí tuệ nhân tạo cho riêng tập đoàn Alibaba.
Không chỉ riêng thương vụ "gáo nước lạnh" trên, việc tham gia vào thị trường bán dẫn và linh kiện điện tử là một trong những mục tiêu chính của Alibaba trong vài năm trở lại đây. Không chỉ tại Trung Quốc, Jack Ma còn đầu tư thẳng sang Mỹ để thúc đẩy ngành công nghiệp bị phụ thuộc kia ở quê nhà, bao gồm:
- 23 triệu USD đầu tư vào Barefoot Networks, một nhà sản xuất chip tại Thung lũng Silicon với sự "chống lưng" của hàng loạt tên tuổi như Alphabet (Google), Goldman Sachs, và Tencent.
- 100 triệu USD đầu tư vào Cambricon, một công ty sản xuất chip trí tuệ nhân tạo tại Thượng Hải.
- 40 triệu USD đầu tư vào DeePhi Tech tại Bắc Kinh (Thông qua công ty con của Alibaba là Ant Financial).
- 10 triệu USD đầu tư vào Kneron tại San Diego (Thông qua quỹ Alibaba Entrepreneurs).
Và một khoản đầu tư không được tiết lộ cho ASR Microelectronics, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Thượng Hải.
Dù số tiền đầu tư có vẻ "khiêm tốn" so với hàng tỷ USD trong Quỹ phát triển vi mạch quốc gia Trung Quốc. Nhưng các bước đi trên hoàn toàn cho thấy được sức ảnh hưởng của giới tư nhân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang này.