Bí thư Thăng: Thời buổi bây giờ mà còn dùng hộ khẩu để quản lý thì rất thủ công!

23/02/2017 11:51 AM | Xã hội

“Không phải chỉ có việc học, Thành phố này bỏ hộ khẩu để quản lý theo cơ sở dữ liệu công dân, có tích hợp các tiêu chí khác. Thời buổi bây giờ mà lại còn dùng hộ khẩu để quản lý thì rất thủ công”, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc với trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào chiều ngày 22/2.

Thời buổi bây giờ mà lại còn dùng hộ khẩu để quản lý thì rất thủ công!

Tại buổi làm việc này, do biết trường ĐH Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM vào học, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đã đề nghị trường phải mở rộng hơn phạm vi xét tuyển để chọn được những sinh viên tốt.

Tiếp tục đề cập đến vấn đề này sau đó, ông Đinh La Thăng đồng tình rằng cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh.

“Phải chọn những người giỏi nhất cả nước đến đây học thì chất lượng đào tạo sinh viên sẽ tốt lên. Làm sao mà cứ phải hộ khẩu TP.HCM? Hộ khẩu TP nếu học yếu hơn thì đi vào ngành nghề khác, thậm chí học để làm công nhân” – ông nói.

Đồng thời ông cho rằng quyết định chỉ tuyển sinh viên có hộ khẩu TP đề ra trước đây chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nào đó, và đến thời điểm này, “khi đã hội nhập rồi thì phải có ngay cơ chế khác”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM còn nhấn mạnh rằng: “Không phải chỉ có việc học, Thành phố này bỏ hộ khẩu để quản lý theo cơ sở dữ liệu công dân, có tích hợp các tiêu chí khác. Thời buổi bây giờ mà lại còn dùng hộ khẩu để quản lý thì rất thủ công”.

Đề cập đến nguồn kinh phí hoạt động, ông Đinh La Thăng cho rằng nhà trường cần phải vận hành theo cơ chế thị trường chứ không thể trông chờ vào ngân sách, chỉ có như thế mới tăng được thu nhập, giữ được người tài, còn với mức lương trình bình chỉ 9 triệu/tháng như hiện nay thì cán bộ giảng viên không thể bằng lòng.

Không di dời xong cứ nhắn tin cho tôi

Cũng trong buổi làm việc này, đại diện trường cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là giải tỏa khu đất cho cơ sở 2 của trường tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Theo đó tại đây còn 10 hộ dân chưa chịu di dời, với diện tích đất chiếm hơn 40% của dự án, (hơn 12ha).

Trong khi đó PGS.TS Cao Văn Thịnh - Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học của trường đề đạt nguyện vọng muốn được thành lập trường đại học Điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.

Theo ông hiện đội ngũ nhân lực và bộ khung cho việc này đã đủ, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định diện tích của trường phải đạt 5ha, mà điều này đối với trường là “không thể làm được”.

Báo cáo chi tiết hơn về vấn đề này, Chủ tịch UBDN huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết trong số 10 họ thì có 6 hộ thuộc diện đất ở và 4 hộ thuộc diện đất ao. Ông Lữ khẳng định trong tháng 3 tới sẽ hoàn thành việc di dời 10 hộ dân.

Chỉ đạo về vấn đề này ông Thăng đã đặt câu hỏi rằng liệu cơ quan chức năng đã tính đủ và có lợi cho người dân khi đền bù hay chưa? Theo ông nếu không tính đủ thì đương nhiên người dân sẽ không chấp nhận.

Ông cho biết, nếu đến tháng 3 mà chưa di dời xong 10 hộ dân thì “cứ nhắn tin cho tôi”.

Trước đó báo cáo với đoàn công tác, Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Ngô Minh Xuân cho biết hiện tổng số cán bộ viên chức toàn trường có 649 người, tuy nhiên chỉ có 76 người có trình độ Tiến sĩ trong số 421 giảng viên (chiếm tỷ lệ 18%).

Trong khi đó quy mô đào tạo của trường tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm  học 2015 - 2016 trường có 7.500 sinh viên, trong đó riêng bậc ĐH đã tăng từ 5.700 lên trên 6.400, còn bậc sau ĐH cũng tăng trên 1.000 học viên.

Chính vì vậy tỉ lệ sinh viên/giảng viên của trường rất cao và nếu so sánh với tiêu chuẩn 15 sinh viên/1 giảng viên thì còn thiếu rất nhiều. Ngoài ra thu nhập của nhân viên, cán bộ, giảng viên trường tính trung bình chỉ được 9 triệu đồng/người/tháng.

Theo lãnh đạo trường, điều này đã gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” khi nhiều người quyết định ra làm ở các cơ sở ý tế tư nhân.

Chia sẻ với trường về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu cho biết thời gian qua TP đã giải quyết và tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc cho trường. Tuy nhiên vị Phó chủ tịch cho rằng chỉ có đẩy mạnh tự chủ về tài chính thì trường mới có thể giải quyết được các khó khăn, nâng cao thu nhập cho nhân viên, cán bộ, giảng viên.

Theo Nguyễn Cường

Cùng chuyên mục
XEM