Bí quyết giúp cộng đồng người Hoa lớn nhất Italy "phòng thủ" thành công trước sự càn quét của COVID-19

02/04/2020 21:37 PM | Xã hội

Tại thị trấn Prato của Italy, chưa có người gốc Hoa nào được ghi nhận nhiễm COVID-19, theo lời một quan chức địa phương. Vậy, bí quyết chống dịch của cộng đồng này là gì?

"Họ làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều"

Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới ( COVID-19 ) càn quét Italy , một cộng đồng khá đông dân cư đã trở thành một "điểm sáng" khi họ gần như không hề hấn gì, trong khi Italy phải oằn mình chống đỡ trước sự tấn công của dịch bệnh, theo Reuters. Đó là cộng đồng 50.000 người gốc Hoa tại thị trấn Prato, vùng Tuscany.

Hai tháng trước, cộng đồng người Trung Quốc và người gốc Hoa tại Italy đã từng bị miệt thị, xúc phạm và tấn công bạo lực bởi những người nghĩ họ là nguồn lây lan virus corona khắp Italy.

Thế nhưng, cộng đồng 50.000 người gốc Hoa tại Prato - cộng đồng người gốc Hoa lớn nhất Italy - đã chứng minh điều ngược lại. Từ những người bị kỳ thị, họ giờ đây đã trở thành hình mẫu và được chính quyền ca ngợi về công tác chống dịch triệt để từ rất sớm.

"Những người Italy như chúng tôi đã lo sợ rằng người gốc Hoa ở Prato là nguồn cơn của vấn đề. Nhưng thực tế là họ còn làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều", ông Renzo Berti, quan chức y tế hàng đầu trong khu vực, cho biết.

Trong khi virus corona đã cướp đi hơn 12.000 sinh mạng ở Italy, thì "trong số những người gốc Hoa ở Prato, không có bất cứ trường hợp nào nhiễm COVID-19", quan chức này nói.

Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1/4 dân số của Prato, tuy nhiên theo ông Berti, nhờ có cộng đồng này, mà tỉ lệ nhiễm COVID-19 tại Prato (62 ca/100.000 người) thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ trung bình toàn quốc (115 ca/100.000 người).

Được biết, cộng đồng người Hoa ở Prato - với nguồn gốc từ nghề công nhân ngành may mặc - đã tự phong tỏa kể từ cuối tháng 1, 3 tuần trước khi Italy ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Nhiều người trong cộng đồng đã trở về sau kỳ nghỉ tết nguyên đán ở Trung Quốc - nơi dịch bệnh khởi phát và cũng là tâm dịch vào thời điểm đó.

Những người Hoa ở Prato biết rõ điều gì sắp xảy ra và đã nhắc nhở nhau ở yên trong nhà.

Vậy là trong khi người Italy tiếp tục đổ xô về các khu trượt tuyết, tụ tập ở các quán cafe, quán bar như bình thường, thì những người Hoa ở Prato gần như "biến mất". Các đường phố trong khu vực của họ dù vẫn được giữ những đồ trang trí của dịp Tết Nguyên đán, nhưng đều trở nên trống vắng hơn ngày thường. Các cửa hàng đều đóng cửa.

 Bí quyết giúp cộng đồng người Hoa lớn nhất Italy phòng thủ thành công trước sự càn quét của COVID-19  - Ảnh 1.

Ảnh: espresso.repubblica.it

"Họ nhìn tôi như người hành tinh khác"

Một số câu chuyện khác cho thấy người Trung Quốc và người gốc Hoa ở những vùng khác của Italy cũng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương tự như cộng đồng ở Prato, dù chính phủ không có dữ liệu chính thức về cộng đồng này.

Francesco Wu, một chủ nhà hàng ở Milan và là người đại diện của nhóm kinh doanh Confcommercio, cho biết kể từ hồi tháng 2 vừa qua, ông đã kêu gọi các đối tác người Italy của mình tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh của họ như ông đã làm.

"Hầu hết mọi người đều không tin tôi. Chẳng ai nghĩ rằng dịch bệnh sẽ lây lan đến tận đây... Giờ thì thành Troy đã cháy rồi, và chúng ta đều mắc kẹt ở bên trong", Wu nói.

Trong khi đó, Luca Zhou, một thương nhân người gốc Hoa ở Italy, đã tự giác cách ly khỏi vợ và con trai trong phòng riêng 14 ngày sau khi trở về từ Trung Quốc vào ngày 4/2.

"Chúng tôi đã chứng kiến những điều xảy ra tại Trung Quốc, và chúng tôi cũng tự thấy lo sợ cho chính bản thân, gia đình và bạn bè của mình", doanh nhân 56 tuổi sở hữu một cơ sở xuất khẩu rượu vang Italy sang Trung Quốc này cho biết.

Ngay cả khi hết thời hạn tự cách ly, Zhou cũng luôn ý thức đeo khẩu trang và găng tay khi đi ra ngoài đường. Ông cho biết một số người Hoa mà ông gặp trên đường phố cũng làm như vậy vì lo ngại sẽ lây virus cho người khác.

"Những người bạn Italy của tôi thì nhìn tôi như người hành tinh khác. Tôi đã cố giải thích với họ nhiều lần và khuyên họ nên đeo khẩu trang, găng tay... nhưng họ không hiểu", Zhou nói.

"Khi tôi [từ Trung Quốc] trở về Prato, chính quyền địa phương chẳng thông báo với tôi bất cứ điều gì. Tất cả những điều chúng tôi làm đều là tự giác. Nếu chúng tôi không làm vậy, thì tất cả chúng ta đều sẽ nhiễm virus, cả người Hoa hay người Italy", ông Zhou giải thích thêm.

 Bí quyết giúp cộng đồng người Hoa lớn nhất Italy phòng thủ thành công trước sự càn quét của COVID-19  - Ảnh 2.

Ảnh: espresso.repubblica.it

Italy là một trong những quốc gia đầu tiên quyết định dừng khai thác các chuyến bay đến và đi tư Trung Quốc vào ngày 31/1. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc và người gốc Hoa vẫn có thể trở lại nước này thông qua một nước thứ 3.

Tới ngày 8/2, gần 1 tháng sau khi chính phủ Italy quyết định đóng cửa toàn bộ trường học, các học sinh từng trở về Trung Quốc mới được cho phép không phải đến trường.

"Ở Prato, đã có rất nhiều người đăng ký tự cách ly", ông Berti nói. Điều này đã khiến ông nhận ra sự khác biệt giữa phản ứng của cộng đồng người Hoa và người dân Italy bản địa, bởi các gia đình phải đăng ký với chính quyền nếu họ muốn cách ly.

Hơn 360 gia đình - tương đương với 1.300 người - đã đăng ký với chính quyền về quyết định tự cách ly, cùng với đó là chương trình theo dõi sức khỏe của chính quyền địa phương. Chương trình này cho phép người đăng ký được theo dõi các triệu chứng từ xa, và đối với những người gốc Hoa thì chương trình còn liên lạc với họ bằng tiếng Trung.

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh hơn vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3, một số gia đình - trong số đó có rất nhiều gia đình vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc - đã bắt đầu gửi con tới nhà họ hàng ở Trung Quốc. Họ cũng tỏ ra quan ngại về thái độ và hành vi của những người Italy xung quanh họ.

Chiara Zheng, một sinh viên 23 tuổi lựa chọn tự cách ly sau khi trở về từ Trung Quốc, cho biết: "Tôi nhận thức được tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải cách ly vì những người khác và những người ở xung quanh mình", Zheng nói.

 Bí quyết giúp cộng đồng người Hoa lớn nhất Italy phòng thủ thành công trước sự càn quét của COVID-19  - Ảnh 3.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM