3h chiều, Chủ tịch HĐQT Imagtor Nguyễn Thị Vân đến công ty để tham gia cuộc họp với 2 cổ đông còn lại để chuẩn bị tổng kết năm và lên kế hoạch cho năm tiếp theo.
Nguyễn Thị Vân sinh năm 1987 trong một gia đình ở xứ Đạo tại Nghi Lộc (Nghệ An). Mắc bệnh teo cơ từ nhỏ, hiện giờ Vân chỉ nặng chừng 20kg.
Cô ngồi trên một chiếc xe lăn và đi học, kiếm sống, giao lưu, trải nghiệm, thành lập doanh nghiệp, điều hành Trung tâm Nghị lực sống - đơn vị đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin miễn phí cho người khuyết tật. Năm 2019, Vân được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Imagtor ra đời vào tháng 2/2016, sau khi Vân quyết định nghỉ việc tại một công ty thiết kế của nước ngoài mà chẳng hề có kế hoạch chuẩn bị. Chỉ là một nhân viên bình thường, nghỉ cũng không ai giữ, nhưng Vân cảm thấy rằng "Mình không thể chỉ là người chỉnh sửa ảnh. Mình có thể làm những điều lớn lao hơn".
Thành lập với mong muốn tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho mọi người, đặc biệt hỗ trợ người khuyết tật. Imagotor hoạt động trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh, video 2D/3D, gần một nửa nhân sự ở đây là những người khuyết tật.
7 tháng thành lập, công ty mới có vị khách đầu tiên là bác Dan – với một đơn hàng 100 đô la. Nhưng đến nay, Imagtor hoạt động tốt, thuộc top 5 trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh thương mại tại Việt Nam.
Các khách hàng của họ là các công ty bất động sản, thời trang… đến từ Mỹ, Úc, Châu Âu. Imagtor cam kết trả hàng đúng hẹn trong vòng 12-24 giờ kể từ khi nhận yêu cầu.
Một doanh nghiệp do người khuyết tật thành lập nhiều khi lại là điểm yếu.
"Sẽ có người nghĩ rằng đây là 1 doanh nghiệp xã hội nên mua dịch vụ để ủng hộ. Nhưng cũng có người mặc định: Người khuyết tật làm thì chẳng ra gì, mua làm gì cho mất tiền. Tôi không biết khách hàng nghĩ thế nào, nhưng cứ kinh doanh bình thường như các công ty thôi" – Nguyễn Thị Vân nói.
Tại đây, "căn phòng" của Chủ tịch Nguyễn Thị Vân hoàn toàn là một không gian mở, ngồi giữa các đồng nghiệp. Chiếc xe lăn giúp Vân di chuyển tùy ý, có thể làm việc ở bất cứ chỗ nào trong công ty.
Vân thường ngồi ở chỗ sofa tiếp khách, bên cạnh bàn làm việc của Giám đốc điều hành.
Phần lớn thời gian trong ngày, Nguyễn Thị Vân làm việc tại nhà – một căn hộ chung cư đơn giản tại Linh Đàm (Hà Nội).
"Phòng làm việc" là một chiếc thảm trải sàn, đôi ba chiếc gối để tựa và một vỏ hộp bánh bằng sắt làm bàn. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình.
"Không cần phải quá giàu có cho riêng mình trong khi những người xung quanh còn khó khăn và đang ước ao được hỗ trợ" - Nguyễn Thị Vân chia sẻ khi nhắc đến một cam kết đặc biệt của các cổ đông Imagtor. Đó là họ luôn dành 40% cổ tức được chia để hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề. Nó thể hiện mong muốn chia sẻ cơ hội và nguồn lực cho người khác.
"Tôi không quá giàu, cuộc sống rất bình thường, nhưng tôi biết tận hưởng từ bé" – Vân nói – "Kể cả lúc lương có hơn 1 triệu đồng/tháng, tôi đã đi du lịch nước ngoài. Chả sao, cứ đi cho biết. Tôi có phải ăn cơm với mắm nửa năm để dành tiền bay một chuyến, thì cũng phải thử".
Gia đình Vân vừa đi du lịch châu Âu ngay trước khi Covid-19 bùng nổ.
Trong phòng có một chiếc bàn nhỏ đặt đồ trang trí và bức ảnh anh trai của Nguyễn Thị Vân - Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, người sáng lập ra Trung tâm Nghị lực sống mà sau này Vân là người tiếp quản.
Nguyễn Công Hùng nổi tiếng bởi sự thông minh và nghị lực phi thường khi trở thành một chuyên gia về công nghệ thông tin chỉ với một ngón tay có thể cử động.
Anh Hùng đã qua đời vào ngày 31/12/2012.
Một ngày làm việc của Chủ tịch Imagtor thường không theo kế hoạch nào. Ví dụ như hôm nay, sau buổi họp 2 tiếng đồng hồ tại công ty, Vân về nhà, gặp và tư vấn cho một người mẹ có con khuyết tật.
"Tôi nói với chị ấy, hãy để con tự lập càng sớm càng tốt. Tự lập không chỉ là chuyện tự chăm sóc. Nó còn là việc người ta hiểu được giá trị của bản thân, trân trọng bản thân.
Gia đình những người khuyết tật thường nói: "Không mong cầu đi làm có lương cao". Tôi nói ngay: Tại sao lại không cần lương cao? Lương cao mới sướng chứ, bởi vì tiền lương đó là giá trị của mình".
Vân cho rằng mình không phải là người giỏi quản trị vì không được học hành bài bản để trở thành một người kinh doanh. Nhưng những điều Vân làm có giá trị, có tâm nên mọi người tham gia hỗ trợ cùng làm.
Khi chúng ta sống tích cực, chúng ta cũng thu hút những con người tích cực.
Nguyễn Thị Vân nhận mình là người thích làm quen và gặp gỡ những người mới, thích khám phá, ham học hỏi, tìm hiểu những cái mới và tự tin trong giao tiếp.
"Kể cả với ngoại hình của tôi hiện tại, tôi vẫn tự tin và không thấy có vấn đề gì cả".
Quyết liệt, tự tin và sống có vẻ bản năng, Nguyễn Thị Vân đồng thời là một người phụ nữ khá lãng mạn.
Trong chuyến đi Mỹ mới đây, Vân sống 5 tuần ở một vùng đất mà con người sống trên đồi và hươu nai vào vườn ăn rau quả tự do. Vào buổi chiều, Vân thích ngồi trên đồi nhìn xuống khung cảnh thiên nhiên phía dưới. Vân miêu tả, cuộc sống đó giống hệt trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.
"Tôi thích chủ động trong mọi thứ. Khi mình chủ động, điều mình có sẽ chất lượng hơn" – Nguyễn Thị Vân nhắc về người chồng mà cô đã "tán" khi hai người làm quen qua mạng.
Bỏ công việc kỹ sư tại Úc, Neil Bowden Laurence định cư tại Việt Nam và kết hôn cùng Vân vào tháng 6/2018.
"Có 2 thứ anh rất thích: một là xe phân khối lớn, hai là đồng hồ. Và em thấy đấy, anh đã từ bỏ phân khối lớn để về Việt Nam lái xe lăn giúp em" - Neil hiện tại làm nghề giảng dạy tiếng Anh.
Vân đã sống tự lập và hạnh phúc, làm công tác xã hội, khởi nghiệp, yêu và cưới chồng.
"Tôi nghĩ mình đã đủ để làm ví dụ, để nếu người khuyết tật nào tự ti, tôi sẽ nói: Anh không làm được là do anh kém chứ không phải vì anh là người khuyết tật.
Khi làm mẫu xong rồi, coi như mình hoàn thành sứ mệnh. Còn ví dụ tiếp theo thì chưa nghĩ ra. Tôi sẽ chờ đợi để đến một thời điểm nào đó, lắng nghe con tim, tôi sẽ làm".
Trí Thức Trẻ