img

Tờ Financial Times nhận định, Albert Bourla đã trở thành giám đốc điều hành "hot" bậc nhất trên thế giới. Khi vắc xin Covid-19 cho phép một số quốc gia mở cửa lại nền kinh tế vào mùa hè năm nay, ông chủ hãng dược Pfizer đã bay đến Cornwall để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6. Máy bay riêng của ông được đậu ngay bên cạnh phi cơ của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Vài tuần sau, ông được chào đón tới Thế vận hội Olympic bởi thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yoshihide Suga. Đây cũng là lần đầu tiên Cung điện Akasaka - nhà khách nhà nước của Nhật Bản đón tiếp một lãnh đạo doanh nghiệp. Vào tháng 9, tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả ông Bourla, 59 tuổi gốc Hy Lạp là "người bạn tốt" của mình.

Hiệu quả ngoạn mục của vắc xin Covid-19 đã mang lại cho Pfizer chìa khóa để cứu mạng sống của hàng triệu người và của cả nền kinh tế. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính sẽ có thêm nửa triệu người chết trong năm nay chỉ riêng ở châu Âu nếu không có vắc xin Covid-19.

Bằng email, tin nhắn hoặc điện thoại, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã "xin" ông Bourla những đơn hàng vắc xin, trong một số trường hợp, hành động này còn thể ảnh hưởng tới việc giải cứu sự nghiệp chính trị của một nhà lãnh đạo. Đối mặt với một cuộc chiến tranh cử mà cuối cùng bị thua, cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng phải gọi cho Bourla tới 30 lần.

Nhưng trong khi các chính trị gia phương Tây trò chuyện thoải mái với Bourla, các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia nghèo hơn đang trở nên bực tức khi dịch bệnh kéo dài mà tỷ lệ tiêm chủng chỉ ở mức thấp. Strive Masiyiwa, tỷ phú Zimbabwe, người điều phối nhóm vắc xin của Liên minh châu Phi nói rằng họ đã "giậm chân tại chỗ... cho đến khi chúng tôi chết đuối".

Cuối năm ngoái, ông đã thuyết phục Pfizer cung cấp 2 triệu liều vắc xin ban đầu để giúp tiêm chủng cho một số nhân viên y tế ước tính khoảng 5 triệu người ở châu Phi. Ông háo hức chờ đợi bản thảo hợp đồng.

"Họ liên tục nói: Tuần sau. Sau đó, thì đến tận tháng Tư". Vào tháng 5, ông đã chứng kiến ​​EU đạt được một hợp đồng khổng lồ lên tới 1,8 tỷ liều. Quá tức giận, Masiyiwa đã viết một "lời phản đối rất nặng nề" cho Bourla, trong đó ông hỏi điều gì đã gây ra sự chậm trễ kể trên. Cuối cùng họ đã nhận được một số vắc xin từ một sáng kiến ​​của chính quyền ông Biden. 

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 1.

Vắc xin đã thay đổi ảnh hưởng chính trị của Pfizer. Vào tháng 7/2018, người tiền nhiệm của Bourla đã buộc phải từ bỏ việc tăng giá sau khi bị cựu tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích trên Twitter. Trong nhiều năm, sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng chỉ là Viagra - trị chứng rối loạn cương dương.

Giờ đây, nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ đang đứng sau sản phẩm dược phẩm với kỷ lục về doanh số bán hàng trong một năm. Pfizer dự báo doanh số vắc xin này sẽ đạt 36 tỷ USD vào năm 2021, ít nhất là gấp đôi so với đối thủ gần nhất là Moderna. Khả năng mở rộng sản xuất đáng kể của Pfizer đã khiến Pfizer trở thành nhà sản xuất vắc xin thống trị nhất cho đến nay. Vào tháng 10, Pfizer chiếm 80% thị phần vắc xin Covid ở EU và 74% ở Mỹ.

Kể từ khi vắc xin được phê duyệt vào cuối năm ngoái, các quyết định của Pfizer đã giúp định hình diễn biến của đại dịch. Công ty này có quyền định giá và chọn quốc gia nào sẽ được bán cho trước trong một danh sách dài chờ đợi, bao gồm cả các chương trình tiêm mũi tăng cường mà các nước giàu hiện đang tranh giành.

Tùy thuộc vào quyết định của mình, các quốc gia, khu vực và thậm chí toàn bộ châu lục có thể mở cửa nền kinh tế của họ hoặc có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù nguồn cung cấp vắc xin cho các quốc gia nghèo hơn đã tăng mạnh kể từ tháng 9, nhưng sự chênh lệch trên toàn cầu là rất rõ ràng. Cho đến nay, 66% người dân sống ở các nước G7 đã tiêm hai liều vắc xin. Ở châu Phi, con số này chỉ là 6%. Số người ở các nước thu nhập cao đã tiêm mũi nhắc lại gần gấp đôi số người ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm liều thứ nhất và thứ hai.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 2.

Sự nguy hiểm của việc triển khai bất bình đẳng như vậy đã được nhấn mạnh bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron mới và có khả năng gây nguy hiểm. Mặc dù nguồn gốc của nó vẫn chưa rõ ràng, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng các biến thể mới có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Seth Berkley, giám đốc điều hành của Gavi, liên minh vắc xin do LHQ hậu thuẫn cho biết: "Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".

Cách Pfizer sử dụng sức mạnh mới tìm thấy này - và những gì họ dự định làm tiếp theo - đều là vấn đề tuyệt mật. Họ giữ kín bưng về các hợp đồng lớn và ràng buộc ngay cả các nhà khoa học độc lập bằng các thỏa thuận không tiết lộ.

Không một giám đốc điều hành nào của Pfizer đồng ý phỏng vấn về câu chuyện này. Thay vào đó, công ty đã trả lời thông qua một người phát ngôn cho biết Pfizer "vô cùng tự hào" về thành tích của mình. Người phát ngôn cho biết: "Với hơn 2 tỷ liều được cung cấp cho đến nay, vắc xin của chúng tôi đã cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới".

Financial Times đã nói chuyện với hơn 60 người tham gia vào quá trình vắc xin, bao gồm các nhân viên hiện tại và cũ của Pfizer và các quan chức chính phủ trên toàn cầu. Mục đích là để vén bức màn về cách công ty đã đóng góp rất nhiều vào việc cứu thế giới khỏi Covid cũng như biến đây thành một doanh nghiệp sinh lợi bậc nhất. Tất cả họ đều biết ơn vì một loại vắc xin an toàn và hiệu quả. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu cán cân quyền lực có đang nghiêng quá xa so với lợi ích của Pfizer hay không.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết Pfizer và các nhà sản xuất vắc xin khác có lợi thế trong các cuộc đàm phán.

"Tôi không chống lại hãng dược lớn… Tôi nghĩ rằng họ đã tạo ra một điều kỳ diệu, một chiến thắng khoa học", ông nói. "Nhưng nói rằng họ đang sử dụng quyền lực của mình một cách công bằng, công khai, với lòng trắc ẩn, thì rõ ràng là không đúng".

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 3.

Vắc xin Pfizer thực ra được phát minh trong phòng thí nghiệm của BioNTech, một công ty tiên phong đến từ thị trấn Mainz của Đức trên sông Rhine.

Vào cuối tháng 1/2020, giám đốc điều hành của BioNTech, Ugur Sahin đã theo dõi virus coronavirus mới xuất hiện ở Trung Quốc. Lo lắng rằng nó sẽ gây ra sự tàn phá toàn cầu, Sahin, một người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức, người sớm tin tưởng vào công nghệ mRNA, đã bố trí các nguồn lực của BioNTech để đầu tư vào việc khám phá một loại vắc xin.

Nhưng, giống như Moderna, BioNTech không có sản phẩm nào được phê duyệt - và do đó không có doanh số bán hàng hoặc lợi nhuận. Ông buộc phải tìm kiếm một đối tác có nguồn lực tài chính mà ông cần.

Điểm dừng đầu tiên của ông là Pfizer vì họ đã làm việc cùng nhau. Lần đầu tiên Sahin đưa ra ý tưởng đầu tư vào vắc xin của mình, các giám đốc điều hành Pfizer do dự. Nhưng vào tháng 3, khi đại dịch tấn công các bệnh viện xung quanh trụ sở chính của Pfizer ở Manhattan, hai công ty đã tuyên bố hợp tác.

"Đó thậm chí không phải là vắc xin của họ", là lời một cựu quan chức chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm quá trình mua sắm vắc xin nói. Thực tế là hiện nay khi vắc xin được mọi người biết đến với cái tên Pfizer là "một cú lừa marketing phi thường nhất trong lịch sử dược phẩm Mỹ".

Không giống như AstraZeneca và Johnson & Johnson, Pfizer chưa bao giờ cân nhắc việc bán vắc xin Covid-19 của mình mà không thu được lợi nhuận. BioNTech cần kiếm tiền từ sản phẩm đầu tiên của mình để quay trở lại hoạt động kinh doanh. BioNTech sẽ bỏ túi một nửa lợi nhuận nhưng Pfizer kiểm soát việc thương mại hóa vắc xin ở mọi quốc gia ngoại trừ lãnh thổ quê hương của những người sáng lập là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng tại Trung Quốc, BioNTech đã ký thỏa thuận với Fosun Pharma.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 4.

Trong khi BioNTech nhận được khoản tài trợ lên tới 375 triệu euro từ chính phủ Đức để phát triển vắc xin, Pfizer đã từ chối tiền của chính phủ Mỹ để họ có thể kiểm soát hoàn toàn vắc xin, bao gồm cả vấn đề quan trọng về giá.

Vì vậy, khi Pfizer mở cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ vào đầu mùa hè năm 2020, hãng đã đưa ra một lập trường không khoan nhượng: Công ty ra giá 100 USD một liều - 200 USD trọn gói 2 mũi tiêm.

Theo một cựu quan chức chính quyền Trump, Bourla đã "thực hiện một cách đáng kinh ngạc" và "tham gia với tư cách cá nhân" một cách bất thường vào các cuộc thảo luận với những người từ cao tới thấp trong chính phủ, bao gồm cả tại cơ quan quản lý và Nhà Trắng.

Moncef Slaoui đã được chính quyền chỉ định để đảm bảo vắc xin. Là một cựu chiến binh của GSK, ông hầu như không có thù ghét gì với ngành công nghiệp này và biết những rủi ro của việc phát triển vắc xin. Nhưng ngay cả ông ấy cũng bị sốc khi Pfizer đưa ra một mức giá quá cao. Cảm xúc dâng cao trong các cuộc đàm phán và Slaoui nói rằng ông đã cảnh báo Bourla rằng công ty sẽ giống kẻ cố gắng trục lợi từ một "đại dịch cả thế kỷ mới có một lần".

Một quan chức chính phủ tham gia vào các cuộc đàm phán đã cáo buộc Pfizer "phản ứng cứng nhắc trong thời gian quốc gia đang rơi vào tình trạng khẩn cấp".

Pfizer đã không trả lời các câu hỏi về chiến lược định giá của mình tại Mỹ. Tuy nhiên, một cựu giám đốc điều hành của Pfizer, có mặt tại thời điểm đó, mô tả việc thảo luận về nghệ thuật định giá vắc xin phức tạp trong thời kỳ đại dịch. Ông chỉ ra rằng thuốc chủng ngừa viêm phổi của Pfizer là Prevnar, có giá khoảng 200 USD. Nếu công ty sử dụng chi phí chăm sóc bệnh nhân Covid hoặc lợi ích của việc mở cửa lại nền kinh tế để biện minh cho việc định giá của mình, thì hóa đơn có thể còn cao hơn.

Ông nói: "Nếu thực hiện một phép so sánh nhanh chóng và không công bằng với Prevnar thì mức giá đó là rất cao. Tuy nhiên, nếu tính đến tác động kinh tế, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mức giá còn có thể lên đến 1.000 USD một liều bởi loại thuốc này có khả năng giúp chính phủ tránh được hàng nghìn tỷ USD chi tiêu".

Tuy nhiên, Slaoui cho biết Bourla đã sớm nhận ra rằng mức giá như vậy sẽ gây rủi ro cho danh tiếng của Pfizer. Đăc biệt, sau khi Moderna nhận được các khoản trợ cấp lớn của chính phủ Mỹ, ông ấy đã đồng ý một mức giá thấp hơn nhiều. Pfizer cuối cùng đã quyết định ở mức 19,50 USD một liều trong hợp đồng ban đầu với Mỹ và tương đương ở các nước phương Tây khác. Nhưng mức giá này vẫn cao gấp bốn lần giá tiêm một liều của J&J và cao hơn năm lần so với một liều của AstraZeneca.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 5.

Cũng phải thừa nhận rằng, thành công về vắc xin của Pfizer không được xây dựng dựa trên sự thành công trong nghiên cứu, mà dựa trên kỹ thuật sản xuất.

Khi năng lực sản xuất của Pfizer tăng vọt vào năm 2021, công ty đã giành lấy thị phần từ các đối thủ rẻ hơn là AstraZeneca và Johnson & Johnson. Chiến lược của Pfizer hướng tới tối đa hoá hoạt động sản xuất nội bộ đã được đền đáp. Cùng với BioNTech, họ có 9 cơ sở của riêng mình, với cơ sở lớn nhất ở Kalamazoo, Michigan và Puurs, Bỉ, cũng như 20 nhà sản xuất theo hợp đồng. Khi Pfizer không thể tìm được kho bảo quản cực lạnh thích hợp cho vắc xin của mình khi đang vận chuyển, hãng đã tự thiết kế một thùng chứa nhiệt. Để đảm bảo có đá khô làm mát chúng, họ cũng đã xây dựng một nhà máy sản xuất đá khô riêng.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 6.

Sự kết hợp giữa kiểm soát và hành động khôn khéo đã tạo ra một bước nhảy vọt về năng suất. Khi Pfizer lần đầu tiên bắt đầu cung cấp vắc xin, phải mất trung bình 110 ngày kể từ khi bắt đầu cho vắc xin vào lọ. Bây giờ, chỉ mất trung bình 31 ngày. Vào tháng 1, công ty cho biết có thể cung cấp 2 tỷ liều trong năm nay nhưng đến tháng 8, họ cho biết đang trên đà sản xuất 3 tỷ liều. Năm tới, công ty có kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều.

Ngược lại, AstraZeneca gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển, hợp tác với Đại học Oxford, đã lên kế hoạch cung cấp 300 triệu liều sang EU trong sáu tháng đầu năm nay. Nhưng sau một loạt các vấn đề, họ đã cắt giảm lượng giao hàng đáng kể, chỉ còn 100 triệu liều. Các chính trị gia EU giận dữ đến mức đưa AstraZeneca ra tòa.

Các vấn đề tương tự xảy ra ở J&J. Có thời điểm, công ty này đã tạm dừng triển khai tại EU.

Các nhà lãnh đạo EU cần vắc xin để giữ cho người dân của họ an toàn cũng như để khôi phục danh tiếng của chính họ. Và Pfizer giống như nhà cung cấp đáng tin cậy duy nhất.

Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban EU, bắt đầu gọi điện và nhắn tin cho Bourla vào tháng 1/2021. Vào mùa xuân, rõ ràng Pfizer sẽ sản xuất nhiều liều hơn, bà bắt đầu đàm phán một thỏa thuận lớn lên tới 1,8 tỷ liều được giao đến tận năm 2023.

Sean Marett, Giám đốc thương mại của BioNTech cho biết: "Các quốc gia thành viên EU muốn tiếp cận với vắc xin trong vài năm tới và phải chốt sớm". Bà cho biết thêm rằng giá cả không phải là vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán. "Tôi nghĩ điều quan trọng là độ tin cậy và chỉ độ tin cậy mà thôi. Mọi người đều sợ hãi. Ai cũng có thể cảm thấy điều đó. Cả châu Âu đều lo lắng về các lệnh phong toả, các biến thể mới và các nhà lãnh đạo muốn trấn an mọi người".

EU hiện kỳ ​​vọng số liều từ Pfizer nhiều hơn gấp 5 lần so với đối thủ lớn nhất tiếp theo của họ là Moderna. Một cam kết lớn như vậy thường sẽ dẫn đến việc giảm giá. Nhưng Pfizer đã tăng giá hơn một phần tư từ mức thỏa thuận ban đầu là 15,50 euro lên 19,5 euro. Và Von der Leyen đồng ý!

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 7.

Pfizer cũng đã tăng giá bán một lượng tương tự trong các hợp đồng năm 2021 với Mỹ và Anh.

Jillian Kohler, giám đốc trung tâm hợp tác của WHO về quản trị, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực dược phẩm, cho biết Pfizer trước đây nổi tiếng là "khá năng nổ" và "quan tâm đến việc tối đa hóa lợi nhuận trên mọi thứ khác". Nhưng đại dịch đã khuếch đại sức mạnh của họ, "làm trầm trọng thêm khả năng của Pfizer trong việc yêu cầu những thứ bất thường với các chính phủ".

Pfizer đã nói với các nhà đầu tư rằng họ sẽ có thể tăng giá sau khi Covid-19 bước vào giai đoạn "dịch địa phương", khi sự lây lan của chậm hơn và được kiểm soát nhiều hơn. Các nhà phân tích thì thận trọng về giả định công ty sẽ tăng giá đáng kể vì rằng Pfizer có thể phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn.

Nhưng sự thống trị của Pfizer ngày càng được đảm bảo khi các loại vắc xin khác bị trì hoãn hoặc bị loại bỏ. Đây là công ty duy nhất trong số bốn nhà sản xuất vắc xin lớn trước đại dịch hiện đang bán ra thị trường: Sanofi và GSK vẫn chưa báo cáo dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 của họ sau khi sai sót về liều lượng trong khi Merck rời cuộc đua hồi tháng Giêng sau khi ghi nhân kết quả kém.

Năm tới, Pfizer dự báo sẽ tạo ra 29 tỷ USD từ vắc xin, dựa trên các hợp đồng đã ký vào giữa tháng 10. Trong một buổi báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 2/2021, Pfizer dự đoán rằng sau khi đại dịch kết thúc, tỷ suất lợi nhuận hiện tại của họ sẽ còn tăng lên do chi phí có khả năng giảm.

Frank D’Amelio, giám đốc tài chính công ty cho biết: "Có một cơ hội đáng kể để số lợi nhuận đó được cải thiện khi chúng ta thoát ra khỏi môi trường đại dịch đang gặp phải". 

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 8.

Bourla thì tự hào nói: "Tôi hài lòng vì công ty đang hoạt động rất tốt về mặt tài chính, nhưng thậm chí còn hài lòng hơn khi tôi vào một nhà hàng và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt vì mọi người đều cảm thấy rằng chúng tôi đã cứu thế giới".

Winnie Byanyima - người điều hành nỗ lực toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS thẳng thừng nói rằng bà có chút "rùng mình" khi nghe cuộc phỏng vấn đó. "Anh ấy đã không cứu thế giới. Anh ấy hoàn toàn có thể làm được nhưng lại không chọn con đường đó". Bà Winnie cũng chỉ ra tỷ lệ tiêm chủng rất thấp ở châu Phi.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 9.

Pfizer đã giảm giá cho các quốc gia có thu nhập thấp, xuống còn 6,75 USD một liều cho những người nghèo nhất và khoảng 10 đến 11 USD cho các quốc gia có thu nhập trung bình, thấp hơn Moderna đang tính nhưng vẫn cao hơn AstraZeneca.

Gần một năm sau khi vắc-xin Covid 19 đầu tiên được phê duyệt, những mũi tiêm này đã thay đổi cuộc sống của hơn một nửa thế giới. Khoảng 54% số người đã nhận được ít nhất một liều vắc xin. Nhưng chúng vẫn nằm ngoài tầm với của 94% cư dân của các quốc gia có thu nhập thấp - một con số đáng thất vọng.

Bằng chứng rõ ràng về sự bất bình đẳng đã châm ngòi cho một "trò chơi đổ lỗi". Một số quan chức chính phủ chỉ thẳng mặt Pfizer và Moderna, hỏi tại sao các công ty không dành nhiều ưu tiên hơn cho các quốc gia cần thiết nhất, thay vì bán các liều tăng cường cho các quốc gia giàu có.

Frieden, cựu giám đốc CDC, nói rằng các chính phủ thường "quyến rũ" các nhà sản xuất vắc xin để có được mục đích: Họ tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo bác sĩ lâm sàng, giáo dục công chúng và mua hàng tỷ liều. Đổi lại, họ mong muốn các nhà sản xuất vắc xin hành xử có trách nhiệm. Tuy nhiên, ông nói rằng nó là mức độ "gây ấn tượng" mà Pfizer và Moderna không quan tâm.

"Có một số quy tắc bất thành văn về cách các nhà sản xuất vắc xin hành động và cách các chính phủ hành động. Các nhà sản xuất vắc xin đã phá vỡ các quy tắc này, vì vậy có lẽ chúng nên được viết lại", ông nói.

Trong các tuyên bố công khai của mình, Bourla thường thúc đẩy các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, Covax và WHO đăng ký giao hàng. Trong một cuộc họp vào đầu tháng 11, ông cảnh báo rằng, một lần nữa, các quốc gia giàu có hơn đang thu mua vắc xin nhanh chóng.

Ông nói: "Một lần nữa, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ bị bỏ lại phía sau vì họ không đặt hàng".

Nhưng đối với một số nhà phê bình và chuyên gia y tế, trách nhiệm ít nằm ở các công ty và nhiều hơn ở các chính phủ giàu có, những người đã đặt người dân của họ lên hàng đầu và trốn tránh trách nhiệm đảm bảo phân phối vắc xin rộng rãi hơn.

Cho đến hết năm 2020, các chính trị gia phương Tây đã không tài trợ đủ nhanh cho Covax để tổ chức này phát triển nhanh khi có vắc xin hoặc ít nhất, đưa ra điều khoản trong hợp đồng của họ rằng các công ty phải giúp đỡ các nước nghèo hơn.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 10.

Cuộc chạy đua tiêm chủng trên thế giới đã trở nên phức tạp bởi các chương trình mũi tiêm tăng cường của các nước giàu. Israel đã tiêm liều thứ ba cho 44% dân số, Anh đã thực hiện 22% và Mỹ là hơn 10%.

Bí mật đen tối đằng sau gã khổng lồ dược phẩm  Pfizer: Người hùng cứu thế giới hay cú lừa marketing thế kỷ? - Ảnh 11.

Ngay cả trước khi xuất hiện biến thể Omicron, các chương trình tiêm tăng cường này dường như đã được thiết lập để củng cố sự thống trị của Pfizer trên thị trường vắc xin Covid vì hiệu quả cao của mũi tiêm và thành công của công ty trong quá trình sản xuất. Việc mở rộng nhanh chóng các kế hoạch tiêm tăng cường mà một số chính phủ phương Tây đã công bố trong những ngày gần đây sẽ chỉ củng cố thêm vị thế của Pfizer.

Pfizer đã khởi động chiến dịch quảng cáo "Khoa học sẽ chiến thắng", trong khi Bourla đang viết một cuốn sách về "sự bắn tên lửa lên mặt trăng". Ông khẳng định rằng Pfizer đang ở vị trí "sức mạnh thương mại" trên thị trường vắc xin Covid, với những khách hàng có khả năng cần tiêm liều tăng cường năm này qua năm khác.

Bourla nói với các nhà đầu tư trong tháng này rằng Pfizer đã cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ công ty dược phẩm nào trước đây. Doanh thu dự báo 80 tỷ USD trong năm nay có thể là một kỷ lục đối với bất kỳ nhà sản xuất dược phẩm nào.

Geoffrey Porges, nhà phân tích tại SVB Leerink, một ngân hàng đầu tư chuyên về chăm sóc sức khỏe cho biết sức mạnh tài chính này sẽ thúc đẩy sự phát triển của Pfizer trong nhiều năm. Ông nói: "Đây là món hời về mặt tài chính chắc chỉ có duy nhất 1 lần".

Vân Đàm
Financial Times
Hương Xuân
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Doanh Nghiệp Tiếp Thị