Bí mật của "con dao 2 lưỡi" mang tên Khoản phải thu: Bài học từ câu chuyện kinh doanh của Giày Thượng Đình

08/06/2022 12:46 PM | Kinh doanh

Khoản phải thu là một trong những công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động bán hàng của mình trong điều kiện thuận lợi. Nhưng vấn đề lớn nhất của khoản phải thu là nó sẽ không được chuyển thành tiền cho đến khi lời hứa thanh toán của khách hàng được thực hiện.

Bí mật khoản phải thu

Khi bán các sản phẩm cho người mua, công ty có thể trả tiền trước hoặc thanh toán 30 ngày sau khi nhận hàng. Một số doanh nghiệp thậm chí còn chưa thu được tiền mặt với thời gian lâu hơn. Doanh thu của doanh nghiệp ở trạng thái lấp lửng này (hàng đã bán nhưng chưa nhận được tiền mặt) này được gọi là các khoản phải thu.

Khoản phải thu là một loại tài sản của công ty. Đây là một khoản mục gần như luôn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khoản phải thu có thể giúp bạn biết được nhiều điều về doanh nghiệp.

Đầu tiên là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua việc tăng các khoản phải thu. Khoản phải thu là một trong những công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động bán hàng của mình trong điều kiện thuận lợi, nhất là khi doanh nghiệp muốn thâm nhập vào một thị trường mới hoặc cung cấp sản phẩm cho một đối tác giàu tiềm năng.

Vì thế đôi khi, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra những đối tác làm ăn mới hay nhận diện xu hướng bán hàng của doanh nghiệp một cách dễ dàng, bằng việc bóc tách các khoản mục phải thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu một khách hàng có khoản nợ thương mại chiếm tỷ trọng quá lớn trên toàn bộ khoản phải thu của doanh nghiệp thì thật sự là một tín hiệu đáng báo động. Nó cho thấy doanh nghiệp dường như đang không có vị thế đàm phán tốt đối với khách hàng của mình và nguồn vốn của họ đang bị vị khách hàng này chiếm dụng nhờ ảnh hưởng của họ lên việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Bí mật của con dao 2 lưỡi mang tên Khoản phải thu: Bài học từ câu chuyện kinh doanh của Giày Thượng Đình - Ảnh 1.

Thứ hai đồng thời là vấn đề lớn nhất của khoản phải thu là nó sẽ không được chuyển thành tiền cho đến khi lời hứa thanh toán của khách hàng được thực hiện. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu lượng tiền "chảy ra" khỏi doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với lượng tiền "đổ vào" có thể khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị mất tính thanh khoản trong ngắn hạn và buộc phải sử dụng các nguồn tài trợ tín dụng với lãi suất cao nhằm đảm bảo hoạt động bình thường.

Sử dụng một nguồn vốn có chi phí sử dụng cao để tài trợ cho một tài sản không sinh lời chưa bao giờ là một giải pháp khôn ngoan và có thể đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh bị kiệt quệ về tài chính. Về lâu dài, nếu các khoản phải thu vẫn không được thanh toán thì nó sẽ chuyển thành những khoản nợ xấu và bản thân doanh nghiệp buộc phải trích lập dự phòng cho nó. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.


Bài học từ Giày Thượng Đình

Hãy thử xem tình huống của giày Thượng Đình để hiểu rõ hơn về tác động của khoản phải thu tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tỷ trọng khoản phải thu trong tổng tài sản ngắn hạn của Giày Thượng Đình chia thành 2 giai đoạn biến động. Từ năm 2011-2017, tỷ lệ này dao động trong khoảng từ 32-36%, sau đó giảm mạnh xuống 22% trong năm 2017. Đây cũng là giai đoạn hoạt động kinh doanh của giày Thượng Đình vẫn có lãi dù khá thấp.

Tuy nhiên từ 2017-2021, tỷ trọng khoản phải thu so với tổng tài sản của doanh nghiệp này liên tục tăng và đạt đỉnh 43% vào năm 2020. Đối chiếu với hoạt động kinh doanh trong 5 năm có thể thấy thương hiệu nội địa hơn 60 năm tuổi này vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Giai đoạn từ 2017-2021, Giày Thượng Đình lỗ liên tục 5 năm với tổng luỹ kế 49,4 tỷ đồng. Điều này có thể khiến vị thế đàm phán của giày Thượng Đình với khách hàng yếu hơn trước, và để đạt được mục tiêu về doanh thu, doanh nghiệp này buộc phải nới lỏng các chính sách về phải thu.

Cụ thể trong trong báo cáo tài chính năm 2021, phải thu ngắn hạn của khách hàng tại thời điểm 31/12/2021 là 19,3 tỷ đồng, năm trước đó là 19,9 tỷ đồng. Trong đó khoản phải thu lớn nhất là 11,4 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Bảo hộ lao động giày dép các loại. Cụ thể hơn là công ty này có một số khoản trả hộ cho các đối tượng khác như: cam kết từ tháng 3/2017 sẽ thay hộ kinh doanh Nguyễn Khánh Toàn trả 3,6 tỷ đồng, hộ kinh doanh Đỗ Thị Hoà 6 tỷ đồng.

Bí mật của con dao 2 lưỡi mang tên Khoản phải thu: Bài học từ câu chuyện kinh doanh của Giày Thượng Đình - Ảnh 3.

Thế nhưng những cam kết này không được thực hiện mà buộc phải có sự cam kết của Toà án. Cụ thể năm 2017, Toà án nhân dân quận Thanh Xuân công nhận sự thoả thuận của CTCP Giày Thượng Đình (nguyên đơn) và Công ty TNHH Thương mại Bảo hộ lao động giày dép các loại (bị đơn), số nợ đã thanh toán trong năm 2017 là 1 tỷ đồng. Năm 2018 công ty BHLĐ Giày dép các loại đã xác định còn nợ 11,4 tỷ đồng và cam kết trả nợ cho Giày Thượng Đình.

Báo cáo tài chính cũng cho biết Ban lãnh đạo Giày Thượng Đình đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để thu hồi khoản công nợ này như việc yêu cầu thi hành án này 22/10/2020. Đến ngày 29/10/2011 giày Thượng Đình đã có văn bản đề nghị khẩn thiết tới các cơ quan ban ngành liên quan về việc thi hành quyết định nêu trên.

Như đã nói phía trên, về lâu dài, nếu các khoản phải thu vẫn không được thanh toán thì nó sẽ chuyển thành những khoản nợ xấu. Ở trường hợp của Giày Thượng Đình, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gánh chịu thua lỗ kéo dài, khoản phải thu quy mô hơn 11 tỷ đồng từ đối tác là Công ty TNHH Thương mại Bảo hộ lao động giày dép các loại sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM