Bí mật bất ngờ về quyền trẻ em đằng sau câu chuyện cô bé 11 tuổi kiện bố mẹ ra tòa khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị gái

30/05/2018 09:29 AM | Xã hội

Hàng năm, Mỹ có khoảng 2,9 vụ bạo hành trẻ em và mỗi ngày có 4 trường hợp trẻ bị tử vong do bạo lực, hơn 70% trong số này là trẻ dưới 3 tuổi.

Đối với những người mê điện ảnh, chắc hẳn họ còn nhớ đến bộ phim "Sống chung với ung thư" (My Sister’s Keeper) nói về một cô bé kiện chính cha mẹ của mình. Ngoài những nội dung khiến người xem phải rơi nước mắt, bộ phim còn nói lên quyền trẻ em mà nhiều nước hiện nay còn chưa coi trọng.

Những giá trị xã hội bị bỏ quên

Chuyển thể từ tiểu thuyết bán rất chạy của nhà văn Jodi Picoult, bộ phim nói về vợ chồng Sara và Brian Fitzgerald đã làm tất cả để cứu sống cô con gái nhỏ Kate mắc bệnh máu trắng của mình. Cách duy nhất để cứu Kate là sinh thêm một đứa con nữa theo kỹ thuật chọn gen để máu và tủy của cô bé có thể chữ bệnh cho Kate, và thế rồi Anna ra đời.

Bí mật bất ngờ về quyền trẻ em đằng sau câu chuyện cô bé 11 tuổi kiện bố mẹ ra tòa khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị gái - Ảnh 1.

Anna trong "Sống chung với ung thư"

 Với sứ mệnh hiến máu và tủy cho Kate, Anna chưa bao giờ phàn nàn về vai trò này. Thế nhưng đến năm 11 tuổi, khi được đề nghị hiến một quả thận cho Kate, Anna đã kiện chính bố mẹ ra tòa và yêu cầu được giải thoát. Cuối cùng, Anna thắng kiện và Kate qua đời.

Bộ phim "Sống chung với ung thư" đã lấy đi nước mắt của người xem trước cảnh người mẹ Sara bị giằng xé trước việc cứu Kate và để cho Anna được tự do hiến tặng bộ phận, rồi việc tình cảm chị em Anna và Kate phát triển đến mức Anna hiểu được rằng Kate không còn muốn tiếp tục làm khổ em mình…

Trên thực tế, câu chuyện khắc họa vào tâm lý nhân vật cũng như đề cao quyền quyết định của trẻ em trong gia đình. Việc Anna có quyền tự do hiến bộ phận cơ thể mình cũng như Kate có quyền được chấm dứt mạng sống để không phải làm khổ thêm gia đình là một ví dụ đặc trưng cho quyền trẻ em được Liên Hiệp Quốc (UN) công nhận.

Theo Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (CRC), tất cả những trẻ em dưới 18 tuổi, trừ phi luật pháp nước đó có quy định riêng, phần lớn sẽ được công nhận là chưa trưởng thành. Công ước CRC là một văn bản quy định quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em.

Các quốc gia phê chuẩn công ước này chịu ràng buộc theo luật quốc tế và Ủy ban Liên hiệp quốc sẽ giám sát thi hành công ước. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn CRC vào ngày 20/2/1990.

Những câu từ trong CRC có lẽ hơi khó hiểu nhưng tóm lại, trẻ em trên thế giới có quyền được đối xử bình đẳng, được giải trí, vui chơi, quyền được lắng nghe, quyền riêng tư và được bảo vệ khỏi sự lạm dụng, bỏ bê, bách hại…

Bí mật bất ngờ về quyền trẻ em đằng sau câu chuyện cô bé 11 tuổi kiện bố mẹ ra tòa khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị gái - Ảnh 2.

Mặc dù vậy, thế hệ trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới chưa được hưởng đầy đủ những quyền này và vẫn bị xâm hại với bạo lực, cưỡng bức cũng như ngăn chặn quyền được tiếp cận những nhu yếu phẩm.

Nghiên cứu mới nhất của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy 49% số trẻ trong độ tuổi 5-14 ở Somalia bị ép lao động. Tại Tanzania, chỉ 4% số trẻ em nghèo được đăng ký khi sinh, thấp hơn nhiều mức 56% của tầng lớp giàu có nơi đây. Ở Sierra Leone, khoảng 1/5 số trẻ thiệt mạng khi chưa quá 5 tuổi. Tồi tệ hơn, khoảng một nửa số quốc gia có cung cấp dữ liệu về trẻ em có tỷ lệ bạo hành với trẻ từ 2-14 tuổi vượt quá 80%.

Đã một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ khi CRC được xây dựng nhưng tình trạng xâm phạm quyền trẻ em vẫn tái diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Vào năm 2014, báo cáo của UNICEF cho thấy trẻ em ngày nay đã sống tốt hơn so với 25 năm trước nhưng điều này không hoàn toàn đúng với mọi nơi trên thế giới.

Số liệu cho thấy khoảng 74% số quốc gia trên toàn cầu hiện nay chính thức không cho phép trẻ em lao động trong các ngành nguy hiểm nhưng gần một nửa trong số đó vẫn tồn tại tình trạng trẻ em làm việc trong hầm mỏ, nhà máy gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe. Trong khi đó, 115 triệu trẻ em đến tuổi đi học vẫn phải lao động nặng nhọc trong các điều kiện vô cùng nguy hiểm trên toàn cầu.

Khoảng 88% các nước xác nhận công dân phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn nhưng chỉ 49% quốc gia thực sự bảo vệ các bé gái trước nạn tảo hôn (kết hôn sớm). Số liệu thống kê năm 2014 của Viện phát triển hải ngoại (ODI) cho thấy 150 triệu bé gái trên thế giới, chủ yếu ở Châu Á và Châu Phi đã phải kết hôn trước năm 15 tuổi.

Bí mật bất ngờ về quyền trẻ em đằng sau câu chuyện cô bé 11 tuổi kiện bố mẹ ra tòa khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị gái - Ảnh 3.

Câu chuyện ngạc nhiên của Mỹ về Công ước quyền trẻ em

Trên thực tế, Mỹ là quốc gia đóng vai trò chủ chốt thành lập nên CRC. Quốc gia này đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều quy định hiện hành của CRC. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn chưa chính thức thừa nhận CRC cũng như chịu ràng buộc bởi các quy tắc của nó.

Năm 1995, Ngoại trưởng Mỹ thời đó là bà Madeleine Albright đã ký CRC nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton lại không đệ trình lên Nghị viện để xem xét bỏ phiếu thông qua. Các đời tổng thống Mỹ sau này cũng thất bại trong việc thuyết phục nghị viện Mỹ chấp nhận CRC.

Hậu quả của quyết định này là Mỹ đứng thứ 30/34 trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ trẻ em đói nghèo năm 2010. Khoảng 21,2%, tương đương hơn 15,5 triệu trẻ em của nền kinh tế số 1 thế giới đang phải sống nghèo khổ, cao hơn mức bình quân 13,3% của OECD. Thậm chí, tỷ lệ trẻ em đói nghèo của Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico còn thấp hơn Mỹ.

Hàng năm, Mỹ có khoảng 2,9 vụ bạo hành trẻ em và mỗi ngày có 4 trường hợp trẻ bị tử vong do bạo lực, hơn 70% trong số này là trẻ dưới 3 tuổi.

Kỳ quặc hơn, Mỹ là quốc gia có thu nhập cao duy nhất trên thế giới không có quy định chính thức về số ngày nghỉ phép mà lao động nữ được hưởng trước lẫn sau khi sinh (Maternal Leave). Đây cũng là một trong những nước hiếm hoi cho phép tòa án kết tội công dân dưới 18 tuổi vào tù mà không có bảo lãnh.

Chính Cựu tổng thống Obama đã từng thừa nhận việc Mỹ không thông qua CRC là một sự xấu hổ và cam kết sẽ đưa công ước này ra Nghị viện, nhưng chính quyền của ông vẫn thất bại để chúng được thông qua.

Rõ ràng, quyền lợi trẻ em không liên quan đến việc nước đó giàu hay nghèo. Đó là ý thức của cả một cộng đồng cũng như định hướng của chính phủ về tầm quan trọng trong việc bảo vệ thế hệ tương lai. Để làm được điều này, các quốc gia cần sự chung sức của tất cả mọi người, từ chính phủ, người dân cho đến chính bản thân các em nhỏ.

Bí mật bất ngờ về quyền trẻ em đằng sau câu chuyện cô bé 11 tuổi kiện bố mẹ ra tòa khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị gái - Ảnh 4.

BT

Cùng chuyên mục
XEM