Bí mật 3.000 tỷ USD của Apple: Khi giá cổ phiếu tăng không chỉ vì iPhone bán chạy
Trong 10 năm qua, Apple đã chi hơn 467 tỷ USD để thực hiện 1 chiến lược khiến các nhà đầu tư đều ưa thích.
Theo hãng tin CNBC, tổng mức vốn hoá thị trường của Apple đã đạt 3 nghìn tỷ USD trong phiên 3/1/2022, mở đầu năm mới đầy thuận lợi. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng thành công này của Apple không phải chỉ dựa vào bán iPhone mà đến rất nhiều từ chiến lược mua lại cổ phiếu thưởng từ cổ đông.
Cụ thể, Apple hiện đang là hãng mua lại cổ phiếu từ cổ đông (Share Buyback) lớn nhất trong S&P 500 từ trước đến nay. Trong 10 năm qua, hãng đã chi hơn 467 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và các nhà đầu tư vì thế đều ưa thích Apple khi có dòng tiền lớn và có thêm thu nhập từ chiến lược này, qua đó đẩy giá cổ phiếu liên tục đi lên.
Giá cổ phiếu của Apple
Mua lại cổ phần thường (Share Buybacks) là việc công ty sử dụng tiền để mua lại cổ phần mà công ty đã phát hành ra trước đây. Khi công ty thực hiện mua lại xong, kế toán sẽ hạch toán vào tài khoản cổ phiếu quĩ (Treasury Stock).
Chiến lược này giúp đẩy giá cổ phiếu đi lên khi giảm nguồn cung trên thị trường, đồng thời trả thêm tiền cho cổ đông. Ngoài ra chúng còn có thể làm gia tăng tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), vốn là chỉ số quan trọng để mua vào của nhiều nhà đầu tư.
Năm tài khoá 2021, Appla đã chi tới 85,5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và 14,5 tỷ USD để trả cổ tức, một con số vô cùng thu hút các nhà đầu tư. Hãng tin CNBC cho biết hiện Apple là công ty chi nhiều tiền để mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhất trong số những doanh nghiệp thực hiện chính sách này như Meta Platform (Facebook), Alphabet (Google), Bank of America hay Oracle.
Kể từ tháng 3/2012, Apple đã thực hiện chiến lược trả cổ tức theo quý và mua lại cổ phiếu. Hãng S&P Global Market Intelligence đã phải gọi Apple là biểu tượng cho chiến lược khiến giá cổ phiếu liên tục đi lên này.
Hãng tin CNBC cho biết kể từ tháng 8/2018 khi tổng mức vốn hoá của Apple lần đầu tiên đạt 1 nghìn tỷ USD, giá cổ phiếu này đã tăng 252% cho đến nay nhưng mức vốn hoá lại chỉ tăng khoảng 200%. Ngoài ra, việc liên tục thực hiện Share Buyback đã khiến số cổ phiếu Apple giao dịch trên thị trường giảm mạnh từ 19,4 tỷ cổ phiếu tính đến cuối tháng 6/2018 xuống còn 16,4 tỷ cổ phiếu hiện nay.
Nhờ chiến lược này mà các nhà đầu tư đang coi cổ phiếu của Apple là bến đỗ an toàn bởi dòng tiền lớn và liên tục nhận được cổ tức cũng như được mua lại cổ phiếu.
Mua, mua nữa, mua mãi
Hãng tin CNBC nhận định Apple đang nắm giữ dòng tiền (Cash Flow) khổng lồ và đây là lý do chính khiến các nhà đầu tư tin tưởng nhà táo khuyết sẽ tiếp tục chiến lược mua lại cổ phiếu trong khi vẫn đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Năm tài khoá 2021, Apple công bố nắm giữ dòng tiền kỷ lục 104 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 77 tỷ USD của Microsoft hay 65 tỷ USD của Alphabet.
Vào tháng 12/2017, chính sách mới của Mỹ cho phép các công ty như Apple chuyển lượng tiền mặt nắm giữ ở nước ngoài về nước đã kích thích chiến lược tái phân phối lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vậy là sau nhiều năm giữ lợi nhuận ở nước ngoài để tránh thuế, Apple đã có thể phân bổ lại cho các cổ đông.
Ngay lập tức, tổng số tiền Apple dùng để mua lại cổ phiếu đã tăng từ 33 tỷ USD năm 2017 lên 73 tỷ USD năm tài khoá 2018.
Vào tháng 11/2021, chuyên gia phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein đã nhận định Apple sẽ tiếp tục chiến lược Share Buyback với tỷ lệ 3-4% tổng số cổ phiếu trên thị trường từ nay đến năm 2026 mà không phải vay nợ thêm đồng nào. Trước đó Apple đã từng vay nợ để thực hiện mua lại cổ phiếu nhưng dòng tiền khổng lồ đã nhanh chóng trả nợ hết số này sau đó.