Bí kíp trúng tuyển 9 ngôi trường danh giá tại Mỹ với mức học bổng cao của nam sinh Vũng Tàu
Nhờ đặt quyết tâm cao cùng việc lên kế hoạch rõ ràng đã giúp Gia Đạt thu về được 'quả ngọt'.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn đi du học để mở ra cho mình những cơ hội mới hay đơn giản là để khám phá và đánh giá năng lực bản thân. Trong quá trình "apply" học bổng mang đến rất nhiều lợi ích như: Rèn kỹ năng viết hồ sơ, nâng cao ngoại ngữ, mở rộng mối quan hệ trong cộng đồng du học, rèn các kỹ năng mềm thông qua hoạt động ngoại khóa, nâng cao tư duy qua viết luận và vòng phỏng vấn…
Kết thúc quá trình "apply", nhiều học sinh ra nước ngoài học tập nhưng cũng không ít bạn quyết định học môi trường đại học trong nước vì một số lý do cá nhân. Trong đó có trường hợp của em Phạm Nguyễn Gia Đạt, 19 tuổi (TP Vũng Tàu) – học sinh xuất sắc "apply" thành công hơn 9 ngôi trường danh giá tại Mỹ. Tuy nhiên hiện tại, nam sinh không đi du học mà theo học tại Học viện Ngoại giao để tiếp tục chinh phục ước mơ.
Từ kinh nghiệm của bản thân cùng những thông tin tham khảo được từ các anh chị du học sinh đi trước và ở sách báo, Internet, Gia Đạt đã có những chia sẻ hữu ích về kế hoạch "apply" hồ sơ du học các trường ở Mỹ.
Một số ngôi trường ở Mỹ mà Gia Đạt đã trúng tuyển gồm:
- The College of Wooster (#69 LAC) - $168,000.
- Gustavus Adolphus College (#84 LAC) - $156,000.
- Drexel University (#133 NU) - $110,400.
- DePaul University (#124 NU) - $104,000.
- University of Massachusetts Amherst (#66 NU) - $40,000.
Bên cạnh đó, Đạt còn nhận được thư mời nhập học và học bổng từ các trường University of Arizona (#97 NU), Arizona State University (#103 NU), DePauw University (#47 LAC)...
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THEO TỪNG GIAI ĐOẠN GIÚP NẮM VỮNG TẤM VÉ CHIẾN THẮNG
1. Năm lớp 10
Gia Đạt bắt đầu tìm hiểu thông tin cơ bản về hành trình du học Mỹ: Thành phần bộ hồ sơ, thông tin về nền giáo dục và văn hóa Hoa Kỳ, thời gian nộp đơn, những thứ cần thiết đi kèm…Nam sinh chia sẻ đã tìm kiếm thông tin trên Google để có thể xây dựng cho mình bộ hồ sơ đầy đủ.
Bên cạnh đó, Gia Đạt còn trao đổi với gia đình, bạn bè, cũng như giáo viên và các anh chị đã học tập tại nước ngoài về dự định du học để nhận được sự giúp đỡ. Việc trao đổi giúp nam sinh nắm được thông tin chi tiết và đặc thù, cũng như trau dồi kinh nghiệm, tránh những sai sót không đáng có. Từ đó giúp tối ưu hóa được bộ hồ sơ.
Trong năm học lớp 10, Gia Đạt còn tham gia các hội thảo cũng như các diễn đàn du học để tìm hiểu thêm những điều nên làm; tham gia các hoạt động ngoại khóa; tham gia kỳ thi học thuật các cấp; tìm hiểu và học AP, IB hoặc A-levels để nâng cao sức nặng cho bộ hồ sơ.
Gia Đạt bật mí: "Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc bạn nên bắt đầu học SAT hoặc ACT, cũng như các bài thi chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay TOEFL. Mặc dù, một số trường đã bỏ SAT và ACT khỏi mục yêu cầu bắt buộc đối với năm 2022. Tuy nhiên không thể biết trước là liệu trường mà bạn "apply" có thay đổi gì không và các chứng chỉ tiếng Anh vẫn là một điều bắt buộc".
2. Năm lớp 11
Nam sinh tiến hành tìm hiểu về gap-year (khoảng dừng chân giữa trường cấp III và Đại học, giữa Đại học và công việc...). Gia Đạt dành lời khuyên cho các bạn chỉ nên gap year nếu đã có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và chi tiết để tránh lãng phí thời gian.
Thời điểm này, chúng ta cũng cần trao đổi với các giáo viên để chuẩn bị việc xin thư giới thiệu. Lưu ý nên chọn những thầy cô đã hiểu rõ mình để thư đạt được chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, Đạt cũng dành thời gian tìm hiểu những điều cần tránh/nên có trong một lá thư giới thiệu trên nguồn Internet.
"Bạn có thể gợi ý cho giáo viên những điều bạn mong muốn sẽ xuất hiện trong lá thư giới thiệu", Gia Đạt chia sẻ.
Ở năm lớp 11, Đạt bắt đầu lên ý tưởng cho bài luận, đặc biệt là bài luận chính (Personal Statement). Đạt đã tham khảo các chủ đề liên quan trực tiếp đến bản thân và phản ánh nhiều nhất về bản thân để đảm bảo tính chân thực, khách quan.
Việc lên kế hoạc chi tiết theo từng giai đoạn sẽ giúp bạn có tăng cơ hội thành công trong việc "apply" học bổng nước ngoài.
Nam sinh cũng tiến hành thi SAT I và IELTS/TOEFL. Với các trường Đại học ở Mỹ, mức điểm IELTS nên từ 7.0 trở lên hoặc tương đương. Tuy nhiên, một số trường không yêu cầu IELTS hoặc sẽ offer (lời mời) các lớp học tăng cường tiếng Anh trước khi nhập học. Vào cuối năm lớp 11, Đạt thi thêm AP, IB hoặc A-levels. Đa số các bạn trẻ Việt Nam ít quan tâm đến kỳ thi này và việc đăng ký cũng khá khó. Tuy nhiên, kỳ thi này là một lựa chọn có thể làm đẹp bộ hồ sơ "apply" du học.
Một điều quan trọng không kém mà Gia Đạt khuyên mọi người cần tìm hiểu là tình hình tài chính gia đình. Chúng ta cần nói chuyện với gia đình để có câu trả lời chính xác và rõ ràng nhất về các vấn đề như: Gia đình có thể chi trả cho trường bao nhiêu, bao gồm cả học phí và các khoản thu thêm như BHYT, sách vở, vé máy bay... Bạn nên tham khảo trên web trường để có thông tin chính xác và chi tiết nhất. Ngoài ra, bạn hãy hỏi các anh chị khóa trước để hiểu rõ hơn.
3. Hè lên lớp 12
Thời điểm này, Gia Đạt nghiên cứu về tiềm năng của bản thân, các ngành học yêu thích cũng như tiềm năng của ngành. Nam sinh tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: "Tôi thích ngành gì? Tiềm năng việc làm của ngành đó ra sao? Ngành đó sẽ phù hợp nếu tôi học ở đâu…".
Nam sinh cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu và lên danh sách các trường sẽ nộp đơn, hạn nộp đơn. Dưới đây là những tiêu chí chọn trường mà Đạt đã áp dụng:
- Vị trí địa lý (bao gồm các yếu tố: an ninh, thời tiết, phương tiện di chuyển, khu vực).
- Học phí của trường, chi phí ăn ở, vị trí ở...
- Danh tiếng, thứ hạng, bằng cấp của trường (lưu ý thứ hạng của trường ở ngành bạn muốn học).
- Khả năng và nhu cầu của bản thân như: Sức khỏe, điểm số, khả năng tài chính, môi trường sống, văn hóa... Mức độ thích nghi của bạn với trường cũng nên được xem xét tới.
Trong thời gian hè, Đạt khuyên các bạn nên thi SAT I lần 2 nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, nam sinh tiến hành phân loại các trường sẽ nộp đơn và quyết định chọn trường cho các đợt nộp đơn Early Decision/Early Action và Regular Decision. Deadline của đợt nộp đơn Early Decision/ Early Action thường từ ngày 1/11 - 15/11. Bạn nên tìm hiểu kỹ sự khác nhau giữa Early Decision và Early Action cũng như Restricted Early Action để tránh thiệt thòi. (Nhiều sinh viên cho rằng nộp đơn đợt Early có cơ hội đậu cao hơn 1 chút). Deadline của đợt nộp đơn Regular Decision bắt đầu từ ngày 1/1.
4. Trong năm học 12:
Bước vào năm lớp 12, Gia Đạt đưa ra một số việc cần thực hiện cũng như những lưu ý mà học sinh đang trong quá trình "apply" cần biết:
- Tạo hồ sơ trên các ứng dụng nộp đơn như Common App, CoalitionApp hoặc nền tảng nộp đơn riêng của trường. Sau đó, bạn có thể bắt đầu điền hồ sơ.
- Lên thời gian biểu chi tiết, lưu ý các hạn nộp đơn cũng như lên danh sách các loại giấy tờ cần thiết để nộp cho trường.
"Bảng điểm và học bạ bắt buộc phải được dịch sang tiếng Anh và gửi kèm học bạ tiếng Việt. Thư giới thiệu nên được dịch và gửi cả bản tiếng Việt và bản tiếng Anh có chữ ký giáo viên", nam sinh nhấn mạnh.
- Thi lại IELTS và TOEFL nếu cần thiết. Thi SAT II.
- Tổng kết các hoạt động ngoại khóa, thành tích học thuật và làm résumé/CV.
- Viết bài luận chính. Bạn nên tham khảo các chủ đề liên quan trực tiếp đến bản thân mình và phản ánh nhiều nhất về bản thân.
- Lên ý tưởng và viết các bài luận phụ, bài luận Why. Bạn nên tham khảo thông tin trực tiếp từ web trường và các trang web khác, tìm hiểu xem bạn thực sự thích gì ở trường.
- Xin các giấy tờ chứng minh tài chính của gia đình cùng các số liệu. Bắt đầu điền ISFAA hoặc CSS Profile. Các giấy tờ tài chính như: Giấy tờ nhà, hợp đồng lao động, sổ tiết kiệm, hợp đồng tài chính, hợp đồng bảo hiểm, chứng minh thu nhập gia đình, sao kê ngân hàng, các loại hóa đơn... Hãy lập một list để không bị thiếu. Checklist đôi khi có thể tìm thấy ở website các trường Đại học.
- Chuẩn bị bảng điểm cũng như học bạ có dấu của nhà trường, hoàn tất thư giới thiệu. Với bảng điểm, bạn cần bảng điểm từ lớp 9 đến lớp 11 nếu đang học lớp 12. Hãy liên hệ văn phòng trường để được lấy hồ sơ. Học bạ của bạn có thể được scan bằng ứng dụng trong điện thoại và không cần phải mượn về.
- Dịch thuật công chứng các loại giấy tờ cần thiết và thư giới thiệu sang tiếng Anh.
- Hãy gửi mail cho trường để xin miễn phí nộp hồ sơ tài chính (CSS Profile) cũng như các giấy tờ liên quan nếu cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng nhiều trường chỉ miễn phí nộp đơn cho sinh viên quốc tịch Hoa Kỳ hoặc thường trú. Trong trường hợp này, bạn vẫn phải đóng phí nộp đơn cho trường.
- Hướng dẫn giáo viên điền thông tin và gửi thư giới thiệu cho trường được yêu cầu. Sau khi mời giáo viên, giáo viên sẽ gửi email để làm thư giới thiệu cho bạn.
Ảnh: NVCC