Bi kịch của thủ khoa đại học sống bằng tiền trợ cấp, ăn bám cha mẹ hơn 30 năm
16 tuổi, Lưu Hán Thanh đã đỗ thủ khoa đại học. Song trái ngược với kỳ vọng của mọi người, cuộc sống của anh giờ chật vật vì niềm đam mê quá lớn với Toán học.
11 tuổi biết giải Toán cao cấp, 16 tuổi đỗ thủ khoa Đại học
Lưu Hán Thanh (1964) sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Từ nhỏ, anh đã khiến thầy cô và bạn bè ngạc nhiên vì sự thông minh và thành tích học tập giỏi. Anh đặc biệt nhạy cảm với con số và học rất giỏi môn Toán.
Lên 11 tuổi, Hán Thanh đã có thể giải đề Toán cao cấp. Theo thời gian, tài năng của anh được nhiều người biết đến. Cũng nhờ thế, cậu bé Hán Thanh khi ấy được mệnh danh là thần đồng Toán học.
Suốt 12 năm học, điểm số của Lưu Hán Thanh luôn nằm trong top đầu lớp. Thậm chí, nhờ tư duy Toán học nhạy bén nên điểm các môn Toán, Lý, Hóa của anh luôn ở mức xuất sắc. Năm 16 tuổi, Lưu Hán Thanh đỗ thủ khoa Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân - một ngôi trường hàng đầu của Trung Quốc về đào tạo sinh viên ngành Khoa học công nghệ thời bấy giờ.
Vào thời điểm đó, Lưu Hán Thanh là đứa trẻ đầu tiên của ngôi làng nhỏ đỗ vào ngôi trường trọng điểm. Do đó, nhiều người dân đến kéo đến chúc mừng thành tích giỏi giang của cậu học trò. Lưu Hán Thanh trở thành niềm tự hào của gia đình, bạn bè và hàng xóm.
Với "tấm vé" vào trường Đại học khi còn quá trẻ, Lưu Hán Thanh được kỳ vọng sẽ có tương lai tốt đẹp. Thế nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Bi kịch đến từ chính niềm đam mê với Toán học
Đỗ Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Lưu Hán Thanh trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất lớp. Anh chọn theo học ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng. Đây là một chuyên ngành không liên quan đến Toán học - niềm đam mê của Hán Thanh từ nhỏ.
Đáng tiếc là niềm đam mê Toán học vẫn không ngừng đeo bám Hán Thanh. Hàng ngày, anh dành nhiều thời gian học Toán và tham gia các cuộc thi liên quan. Đến năm 3 Đại học, anh vô tình đọc được Giả thuyết Goldbach của nhà toán học nổi tiếng người Đức Christian Goldbach. Đọc xong giả thuyết, anh tìm thấy mục tiêu theo đuổi và quyết định đi sâu vào nghiên cứu.
Kể từ đó, Hán Thanh bỏ bê việc học môn chuyên ngành, dành hàng giờ trong thư viện để nghiên cứu Lý thuyết số của Toán học. Hán Thanh nhớ lại, thời điểm anh "ám ảnh" nhất với môn Toán, mỗi ngày anh chỉ ngủ 2 tiếng, đạt đến trạng thái "quên ăn quên ngủ" để tìm hiểu lĩnh vực này. Bởi vì ngoài việc học Toán, anh cảm thấy bất cứ điều gì khác cũng là lãng phí thời gian.
Cuối kỳ, Hán Thanh nhận thông báo trượt môn. Mặc dù nhà trường đã tạo điều kiện cho Hán Thanh học lại và hoãn thời gian tốt nghiệp, song anh đã đánh mất cơ hội vì quá say sưa với môn Toán.
Hết cách với cậu sinh viên, nhà trường còn đề nghị chuyển Hán Thanh sang khoa Toán học. Tuy nhiên, anh từ chối vì cho rằng chuyên ngành này ra đời chỉ để đào tạo giáo viên chứ không phải người nghiên cứu Lý thuyết số. Cuối cùng, Hán Thanh bị đuổi học vì trượt môn vượt quá số lượng quy định.
Thời điểm đó, giảng viên trong trường đánh giá cậu học trò này rất tài năng. Nếu chăm chỉ học tập thì việc ra trường, có công việc ổn định là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chính anh lại gạt đi tất cả.
Năm 21 tuổi, Hán Thanh trở về quê hương. Mặc cho lời khuyên của gia đình và hàng xóm, anh vẫn không chịu đi tìm việc làm. Anh chọn ngồi một mình trong phòng, ngày ngày nghiên cứu các bản thảo và đắm mình trong thế giới của Toán học.
Năm 25 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của bạn, nghiên cứu "Sự phân bố của các số nguyên tố trong dãy số tự nhiên" của Hán Thanh được xuất bản trên báo mạng. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, một nhà Toán học nổi tiếng ở Na-Uy đã phản bác quan điểm của anh.
Người này chỉ ra một số điểm không phù hợp trong nghiên cứu của Lưu Hán Thanh và còn viết thư để trao đổi. Khi đó, anh đã nhờ bạn cùng lớp trả lời bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi giấy tờ bị thất lạc, nên nghiên cứu chưa được cải tiến.
Một năm sau, nghiên cứu này tiếp tục bị một giáo sư toán học nổi tiếng ở ĐH Bắc Kinh chỉ ra một số lập luận chưa thuyết phục, cần phải chứng minh thêm. Sau khi nghiên cứu của Lưu Hán Thanh bị 2 nhà Toán học phản bác, anh cho rằng bản thân không sai và không tranh luận thêm.
Trước phản ứng dữ dội của Lưu Hán Thanh, một nhà khoa học lên tiếng: "Sai lầm lớn nhất của anh là đóng kín cửa tự nghiên cứu, không giao lưu và tiếp xúc với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực. Do đó, nghiên cứu còn nhiều lỗ hổng và không thể áp dụng".
Người này nói thêm, để nghiên cứu khoa học có thể đưa vào thực tiễn cần phải có sự trao đổi qua lại của nhiều người trong một lĩnh vực. Sự đóng góp của các chuyên gia sẽ giúp cho nghiên cứu hoàn thiện. Nhưng Hán Thanh đã bác bỏ quan điểm của 2 nhà Toán học lớn, do đó nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức lý thuyết.
Sau khi bị hai nhà khoa học bác bỏ công trình nghiên cứu, tình trạng của Hán Thanh bắt đầu xấu đi. Anh bị mất ngủ, bồn chồn, ù tai trong thời gian dài và có dấu hiệu mắc bệnh rối loạn lo âu. Để duy trì sức khỏe tốt, anh đã tạm dừng việc nghiên cứu Lý thuyết số từ mười năm trước.
Được biết từ khi bỏ về quê là năm 1985 cho đến nay, đã hơn 30 năm nhưng Lưu Hán Thanh chỉ say mê môn Toán, không đi làm nghiêm túc một công việc gì. Anh chưa bao giờ làm việc nhà mà cũng không giúp bố mẹ việc đồng áng.
Ngoài ra, Hán Thanh cũng luôn khước từ công việc làm ra tiền. Trước đây, có một nhà sản máy sản xuất dụng cụ đã mời anh làm việc. Song Hán Thanh kiên quyết từ chối vì cho rằng môi trường ồn ào, có thể ảnh hưởng đến tư duy Toán học của mình. Lại có một lần, lãnh đạo muốn thuê Hán Thanh làm giáo viên Tiểu học. Tuy nhiên, anh ta vẫn không nhận công việc vì không tìm thấy đam mê.
Hiện tại ở tuổi 59, Hán Thanh vẫn ở cùng bố mẹ và chưa có định ý kết hôn. Anh sống chật vật bằng tiền trợ cấp, chỉ có 400 NDT/tháng (~1,3 triệu đồng). Thời gian trước đó, với sự giúp đỡ của bạn học cũ và số lượng lớn phương tiện truyền thông đưa tin, cuộc sống của Hán Thanh đã được cải thiện rất nhiều.
Lưu Hán Thanh cũng nói bản thân sẽ ra ngoài tìm việc làm. Song niềm đam mê với Toán học của thủ khoa một thời sẽ không bao giờ bị dập tắt.