Bi kịch của một thủ khoa đại học: Tốt nghiệp trường top đầu nhưng giờ sống chật vật với đồng lương ít ỏi, không bao giờ dám đi họp lớp

27/06/2022 08:12 AM | Sống

Khi còn trẻ, chàng thủ khoa này từng là niềm tự hào của cả gia đình.

Đã từ lâu, kỳ thi đại học (hay còn gọi là "gaokao") luôn được biết đến kỳ thi quan trọng và có tính quyết định tới tương lai học sinh Trung Quốc. Hàng năm, có đến gần 11 triệu sĩ tử bước vào tranh tài tại kỳ thi này, do đó áp lực cạnh tranh vào các trường đại học top đầu là vô cùng khốc liệt.

Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học top đầu Trung Quốc được nhiều công ty săn đón nhiệt tình với con đường thăng tiến đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, những trường hợp ngoại lệ cũng không phải số ít.

 Bi kịch của một thủ khoa đại học: Tốt nghiệp trường top đầu nhưng giờ sống chật vật với đồng lương ít ỏi, không bao giờ dám đi họp lớp  - Ảnh 1.

Sĩ tử Trung Quốc học ngày học đêm đề giành một tấm vé vào các trường đại học hàng đầu


Trương Hiếu Vĩnh (sinh năm 1973), sinh ra tại một quận nhỏ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Bố mẹ Hiếu Vĩnh đều là công nhân nhà máy với đồng lương ít ỏi. Cuộc sống khó khăn khiến họ không thể dành nhiều thời gian quan tâm đến chuyện học hành cũng như giáo dục con cái.

Tuy nhiên, Hiếu Vĩnh vẫn luôn duy trì thành tích học tập xuất sắc trên trường. Những năm sau đó, anh dễ dàng thi đậu Đại học Thanh Hoa với thành tích thủ khoa nhóm ngành Khoa học của tỉnh Hồ Nam. Đại học Thanh Hoa được đánh giá là trường Đại học hàng đầu của Trung Quốc, cũng như là đích đến trong mơ của hàng triệu sĩ tử ở đất nước tỷ dân.

Tại làng quê nghèo năm đó, tin tức một học sinh được nhận vào một trường đại học hàng đầu đã gây chấn động. Đặc biệt là vào những năm 80 của Trung Quốc, nếu một ai đó đỗ vào trường đại học hàng đầu sẽ nghiễm nhiên được công nhận là tầng lớp trí thức cao, được mọi người xung quanh nể trọng. Thời điểm đó, trong khi cha mẹ không khỏi tự hào về Hiếu Vĩnh thì nhiều người hàng xóm, bạn bè thân thiết đã đến chúc mừng gia đình vì đã nuôi dạy một người con giỏi giang.

Khi nhập học ở Thanh Hoa, Hiếu Vĩnh đăng ký chuyên ngành Khoa học và Công nghệ Sinh học. Anh luôn duy trì điểm số tốt trên trường và chưa từng chểnh mảng trong việc học tập. Hiếu Vĩnh từng tự đứng ra thành lập một nhóm nghiên cứu sinh và dẫn dắt các thành viên đạt kết quả cao trong các kỳ thi nghiên cứu.

 Bi kịch của một thủ khoa đại học: Tốt nghiệp trường top đầu nhưng giờ sống chật vật với đồng lương ít ỏi, không bao giờ dám đi họp lớp  - Ảnh 2.

Hiếu Vĩnh khi còn trẻ được xem là niềm tự hào của gia đình


Những tưởng với thành tích học tập ấn tượng, Hiếu Vĩnh có thể thuận lợi có được công việc cùng với mức lương đáng mơ ước. Thế nhưng, thực tế lại không được tươi sáng như mong muốn của Hiếu Vĩnh.

"Sau khi tốt nghiệp, tôi cùng một số bạn học khác trở thành nhân viên của một công ty liên doanh. Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ được chỉ định vào phòng R&D phù hợp với chuyên môn, nhưng cuối cùng tôi chỉ được làm việc tại bộ phận chăm sóc khách hàng. Đó là lý do tôi luôn cảm thấy bất mãn với công việc", Hiếu Vĩnh tâm sự về quãng thời gian khó khăn khi đi làm.

Được biết, Hiếu Vĩnh đã chăm chỉ làm việc ở công ty này một vài năm với mong muốn ổn định kinh tế, cũng như tin vào những lời hứa hẹn sẽ được làm công việc phù hợp với chuyên ngành của cấp trên. Sau cùng, anh vẫn phải ngậm ngùi rời đi khi thấy công sức làm việc của mình không được đền đáp xứng đáng. Đồng thời, Hiếu Vĩnh cho biết anh cũng không được luân chuyển sang các bộ phận khác như thoả thuận trước đó.

Thất nghiệp ở một thành phố xa lạ, trong khi bản thân không có nhiều mối quan hệ, Hiếu Vĩnh đành trở về quê hương. Tại đây, để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chăm lo cha mẹ già, anh đã nhận làm nhân viên bảo vệ cho một doanh nghiệp.

Hiếu Vĩnh từng trả lời phỏng vấn, anh chưa bao giờ tham gia bất kỳ buổi họp lớp nào vì tự ti về hoàn cảnh sống. Đồng thời, anh cũng lo ngại bản thân sẽ không biết trả lời thế nào khi được bạn bè hỏi về những vấn đề liên quan đến chuyện học tập ở Đại học Thanh Hoa năm xưa.

 Bi kịch của một thủ khoa đại học: Tốt nghiệp trường top đầu nhưng giờ sống chật vật với đồng lương ít ỏi, không bao giờ dám đi họp lớp  - Ảnh 3.

Hiếu Vĩnh trong bộ đồng phục và đang thực hiện công việc


Thời điểm hiện tại, Hiếu Vĩnh không còn chạy trốn và cảm thấy xấu hổ vì thất bại trong sự nghiệp của mình. Thay vào đó, anh chấp nhận sự thật rằng bản thân không còn xuất sắc như xưa và tìm cách để ổn định cuộc sống.

Trên thực tế, dẫu biết tại nhiều nền giáo dục ở các quốc gia châu Á vẫn đề cao giá trị bằng cấp. Điều này càng được thể hiện rõ nhất ở đất nước của Hiếu Vĩnh, khi kỳ thi đại học luôn được xem là mối quan tâm hàng đầu quốc gia. Thế nhưng, bi kịch của chàng thủ khoa này đã chứng minh trình độ học vấn hay ngôi trường không thể quyết định hoàn toàn đến tương lai của bạn.

Nguồn: Sohu

Theo Dương

Cùng chuyên mục
XEM