Bi kịch chồng chất ở Ấn Độ ngay lúc này: Con trai ôm cha chết trên tay, về nhà thấy mẹ đang nguy kịch và thảm cảnh bệnh nhân thoi thóp ngoài đường
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi Ấn Độ rơi vào cảnh thiếu thốn đủ thứ để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Điều này khiến người dân phải trải qua nhiều mất mát, khổ đau và tuyệt vọng - những vết nứt khó hàn gắn ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi.
Cha chết trên tay, mẹ nguy kịch trong bệnh viện
Đầu tuần trước, anh chàng sinh viên 22 tuổi tên Vishwaroop Sharma đã chở người cha bị nhiễm Covid-19 với tình trạng đã chuyển biến nặng đến một bệnh viện ở thủ đô New Delhi để cầu cứu sự giúp đỡ của các bác sĩ, nhưng ở đây không có đủ giường bệnh, cũng không đủ bình dưỡng khí. Hai cha con buộc phải đợi ở bên ngoài. Đợi hoài đợi mãi rồi đến lúc cha của anh không thể trụ được nữa và ông đã trút hơi thở cuối cùng trên tay con trai.
"Họ chẳng cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và cha cứ như vậy mà qua đời ngay trước mắt tôi, ngay trên tay tôi", Sharma nói với CNN.
Video: Tình trạng thiếu oxy ở Ấn Độ khiến người dân phải cầu xin sự giúp đỡ.
Nỗi đau mất cha chưa nguôi, khi trở về nhà, Sharma lại phát hiện mẹ mình cũng đã nhiễm Covid-19 và bắt đầu thấy khó thở. Hoảng loạn trong bế tắc để tìm cách cứu mẹ, Sharma đành phải bỏ một khoản tiền không hề nhỏ đối với gia đình anh lúc này để mua bình oxy từ chợ đen . Dù thế nào anh cũng không để mẹ ra đi theo cha. Sharma kiên trì đưa mẹ đi khắp các bệnh viện trong vài ngày đến khi tìm được cho bà một giường trống ở cách nhà 100km.
Những ngày này, các lò hỏa táng ở Ấn Độ phải hoạt động hết công suất vì quá nhiều người tử vong do Covid-19.
Sharrma, người vừa trở về nhà sau khi tìm được giường bệnh cho mẹ, cho hay: "Tôi thực sự đã bất lực hoàn toàn. Tôi sợ lắm, tôi đã vô cùng kinh hãi. Tôi không muốn mất cả cha lẫn mẹ. Nếu không còn mẹ, tôi sẽ chẳng thể nào sống tiếp".
Ông Harsh Mander, nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền ở Ấn Độ, lên tiếng chỉ trích rằng đất nước rơi vào tình trạng thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng dù đã có nhiều thời gian để chuẩn bị.
“Người ta đã có cả năm để làm việc đó", ông nói. "Và đột nhiên chúng tôi phát hiện ra tình trạng thiếu hụt thực sự nghiêm trọng này xảy ra trên khắp đất nước. Khi người ta bắt đầu tìm kiếm nguồn thuốc men, thiết bị y tế thì mới bàng hoàng nhận ra rằng các đơn hàng không hề được đặt từ trước".
Ảnh minh họa.
Ông Mander nói thêm, bi kịch và sự tuyệt vọng của người dân lúc này có thể để lại rạn nứt sâu sắc giữa công chúng và chính phủ. “Nhiều thứ đã đổ vỡ vào năm ngoái, nhưng một trong số đó là sự tin tưởng. Những người dân nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của Ấn Độ đã từng tin rằng khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ, họ sẽ được chính phủ và những người sử dụng lao động bảo vệ. Niềm tin đó hoàn toàn tan vỡ... Không có cách nào khác là phải tự lo cho chính mình".
Người bệnh thoi thóp ngoài đường, dân chúng cảm thấy "bị bỏ rơi"
"Có tiếng la hét. Có lời cầu xin. Có tiếng khóc. Và có cái chết", đó là lời mở đầu trong bài viết của phóng viên Alex Crawford trên tờ tin tức Sky News khi mô tả về tình trạng khủng hoảng của Ấn Độ vì làn sóng Covid-19 vô cùng hung hãn ập đến khiến cả hệ thống y tế sụp đổ, trở tay không kịp.
Những chiếc xe tuktuk, xe hơi xếp hàng bên ngoài ngôi đền Sikh.
Alex Crawford viết: "Hàng chục phương tiện chen chúc nhau trên một con đường hẹp bên ngoài một ngôi đền của đạo Sikh ở phía Đông thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Tất cả họ đều là những người rất yếu hoặc sắp chết đang tuyệt vọng để được cung cấp oxy. Gần như chắc chắn, hầu hết họ lẽ ra nên ở trong bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa chữa trị. Vậy mà, thay vào đó, họ phải vật vã nương nhờ vào những bình oxy (số lượng có hạn) do một tổ chức từ thiện của người Sikh cung cấp miễn phí".
Nhiều người đến nhận oxy miễn phí phải nằm trên băng ghế sau xe hơi, hoặc ở phía sau một chiếc xe tuktuk (xe 3 bánh). Một số người đã bất tỉnh, trong khi những người khác đang cúi xuống, cố gắng thở.
"Bão" Covid-19 càn quét Ấn Độ: Bệnh nhân gục trên xe ba gác, trút hơi thở cuối cùng ngay trên cáng, không khí tang thương bao trùm khắp nơi
Đây không phải là địa điểm cấp cứu hay chữa trị Covid-19 của một bệnh viện nào đó. Nó cũng không phải là một điểm cung cấp oxy chính thức do chính phủ tổ chức. Đây là một hoạt động tự nguyện do tổ chức từ thiện Sikh Khalsa Help International điều hành.
Bà Siddiqui Ahmad đã đưa con trai 32 tuổi Abu Sadat đi khắp các bệnh viện để cầu xin được chữa trị và cung cấp bình oxy. "Tất cả mọi nơi đều quay lưng với chúng tôi, không ai giúp đỡ chúng tôi cả".
Tương tự, nhiều người Ấn Độ cũng đang phải chịu cảnh như gia đình bà Siddiqui Ahmad. Cuối cùng, gia đình bà đã tìm đến ngôi đền Sikh. Abu Sadat trông rất yếu ớt và đã bất tỉnh khi được cha mẹ đưa đến ngôi đền. Bà Siddiqui chạy đến cầu xin những tình nguyện viên đang tất bật với nhiều người khác. Bà van nài họ hãy dành một chút sự quan tâm đến con trai mình. Họ nhanh chóng mang oxy đến giúp Abu Sadat và anh đã may mắn tỉnh lại. Bố mẹ anh cũng được một hơi thở dài nhẹ nhõm vì cuối cùng con trai họ cũng có cơ hội sống sót sau hơn 8 ngày vật vã.
Thế nhưng, sự nhẹ nhõm ấy chỉ kéo dài được vài phút. Abu Sadat, vốn đã rất yếu và gần như bất động đã rơi vào trạng thái bất tỉnh chỉ ít lâu sau khi được thở oxy để duy trì sự sống. Faraz, anh trai của Abu Sadat, đã cố gắng ép tim để cứu lấy em mình, liên tục vỗ, tát vào má em trai để giúp em tỉnh táo hơn.
Anh Faraz ép tim cho em trai Abu Sadat để cố duy trì sự sống của em.
Dù rất yếu, nhưng ít nhất thì Abu Sadat vẫn còn sống. Gia đình anh - cũng như tất cả các gia đình đang túc trực ở bên ngoài ngôi đền - không muốn mất thêm người thân nào vì căn bệnh chết người này. Họ đang chiến đấu nhưng ngày càng có cảm giác họ bị bỏ rơi...
Nguồn: CNN, Sky News