Bi kịch bán hàng online: Người trong muốn ra, người ngoài muốn vào và nỗi đau khi vòng đời mỗi sản phẩm càng ngày càng ngắn
“Có những người đang muốn bắt đầu với bán hàng online. Nhưng cũng có những người bán hàng online từng thành công, lại đang tính chuyện chuyển nghề. Chuyện gì đang xảy ra vậy?”
Câu hỏi này được anh Lê Minh Tâm, cựu CMO Vinalink Media, hiện đang là chủ thương hiệu kính mắt Bích Ngọc, đặt ra trong phần mở đầu nội dung chia sẻ về chuyện bán hàng online.
Từ những kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, anh đã có những nhận định chi tiết về chủ đề này. Chúng tôi xin được trích đăng lại dưới đây.
— 01 —
Sản phẩm bạn đang bán, có quá dễ bị bắt chước?
Tìm được 1 mặt hàng bán "ngon" từ Trung Quốc, 1688, Wechat,…đang chạy quảng cáo chốt đơn ngon lành thì chỉ một thời gian ngắn sau, hàng loạt những đối thủ cạnh tranh (là người người bán hàng online khác) cũng nhập sản phẩm đó về bán.
Dù không có được sản phẩm y chang, nguồn gốc y chang như bạn. Thì đó cũng là sẽ là những sản phẩm tương đồng (về mẫu mã, tính năng, giá cả).
— 02 —
Kênh truyền thông bạn đang làm có quá dễ bị bắt chước?
Hơn 70% ngân sách chi cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam dồn vào Facebook và Google. Ngoài ra còn một số kênh truyền thông khác (Zalo, Instagram, Cốc Cốc, Tiktok, sàn thương mại điện tử,...)
Vấn đề nằm ở chỗ: Rào cản gia nhập kênh gần như không có, bạn làm tốt kênh nào, đối thủ cạnh tranh sẽ nhanh chóng xuất hiện mà thôi.
— 03 —
Nội dung quảng cáo của bạn quá dễ bị bắt chước?
Ngồi vắt óc nghĩ ra một ý tưởng quảng cáo hay, mày mò quay video, chụp ảnh viết bài, chạy quảng cáo hiệu quả thì chỉ một thời gian ngắn sau đó đối thủ cũng copy luôn nội dung của mình.
Không dừng lại ở ăn cắp, mà còn nâng cấp và cải tiến hơn mình. Việc này càng dễ dàng khi thư viện quảng cáo ra đời, các công cụ spy ads (theo dõi quảng cáo của đối thủ, PV) phát triển.
Giận tím người.
— 04 —
Đối tượng quảng cáo có đang bị trùng lặp rất nhiều?
Tuy không xem trực tiếp cách nhắm tới đối tượng của bạn, nhưng nhìn chung là đối tượng xem quảng cáo trùng lặp nhau rất nhiều.
Không cần dùng công cụ quét đối tượng, vì Facebook, Google ngày càng thông minh, khả năng phân tích dữ liệu (analytic database) ngày càng cao siêu. Khi tôi tương tác với quảng cáo bán đồng hồ của bạn, Facebook sẽ hiểu tôi quan tâm đồng hồ, và lát sau newfeed của tôi sẽ tràn ngập các quảng cáo đồng hồ khác.
Hiện nay, công nghệ không còn dừng ở dữ liệu hành vi (behavioral data), mà đã tiến đến dữ liệu ý định (data mining). Nếu bạn tương tác với nội dung về dịch vụ chụp ảnh cưới, bạn sẽ thấy thêm quảng cáo về nhẫn cưới, khoảng 6 đến 9 tháng sau bạn sẽ thấy tiếp quảng cáo về dịch vụ siêu âm, trọn gói đi đẻ.
Hãy chấp nhận rằng: Nếu tôi xem quảng cáo của bạn, có thể tôi cũng đang xem quảng cáo của rất nhiều đối thủ.
— 05 —
Khi tất cả những điều trên xảy ra là lúc bi kịch bắt đầu.
Quảng cáo phải đấu giá để hiển thị, CPM (cost per 1000 impressions- giá mỗi 1.000 lần hiển thị) đắt chưa đủ khiến bạn ngao ngán. Nhưng CPS (cost per sales- chi phí để có 1 đơn hàng) ngày càng cao mới thực sự là vấn đề.
Thời gian đầu bạn tìm được sản phẩm ngon, chạy quảng cáo bán được hàng thì vô cùng kích thích. Một thời gian sau sản phẩm bị sao chép chạy không ra đơn, đến comment cũng phải ẩn đi vì sợ bị cướp khách.
Khi ấy người ta bảo là: Sản phẩm bị nát, thị trường bị nát.
— 06 —
Với trí thông minh của người bán hàng online tại Việt Nam, tốc độ nát của các sản phẩm ngày càng nhanh, vòng đời của một sản phẩm ngày càng ngắn.
Nếu bạn có thành tích tốt trong môn lướt sóng, bạn sẽ hiểu rằng: Lướt sóng phải tỉnh táo. Cảnh giới khá cao trong nghề này là phải biết điểm dừng.
Đừng thấy sản phẩm ngon ăn mà ôm vào quá nhiều, vì tồn kho là một vấn đề hết sức đau đầu. Cắt máu giảm giá để cạnh tranh hay thảm hơn nữa là bán lỗ để thu hồi vốn liếng?
Tồn kho sẽ làm sụp đổ đi công sức của bạn, dù thời gian trước bạn có thể thể bán hàng trăm đơn, hay cả nghìn đơn / ngày.
Nếu bán hàng online là một ca khúc, thì "đẩy hàng tồn và tìm hàng mới" sẽ là đoạn điệp khúc cao trào.
— 07 —
"Thi gan cùng tuế nguyệt", đôi khi cũng không phải là cách.
Sau quãng đời bán hàng online cạnh tranh gay gắt, chán chường mệt mỏi, sẽ có lúc bạn tính đến chuyện chuyển hướng nghề nghiệp.
Một trong những lựa chọn được yêu thích nhất hiện nay (best choice) đó là: Mở lớp đi dạy cho người khác tìm nguồn hàng, bán hàng online, tối ưu quảng cáo.
Sẵn có những ví dụ về thời điểm bán hàng trăm đơn, ngàn đơn ngày trước, bạn sẽ có vốn liếng để lên lớp mỗi ngày. Những case study thuyết phục nhất là đây chứ tìm đâu.
Không những nghề đào tạo này khá bền, xu hướng cũng khá dài, mà quan trọng nhất là không có hàng gì bị tồn kho. Phát triển tốt có thể xây dựng hệ sinh thái: mở lớp, bán TUT, bán tool, mở agency cũng tiện.
Quan trọng nhất, là ngoài việc kiếm bộn tiền, thì cái bạn được còn là tiếng thơm, là hình ảnh đẹp, chuẩn quốc tế với những lý tưởng cao vời.
Lý tưởng sống của bạn đâu phải là kiếm được tiền tỷ hàng tháng? Mà là đào tạo, chia sẻ, giúp đỡ được hàng vạn hàng nghìn người kiếm được tiền tỷ giống bạn cơ mà. Còn nhớ không?
— 08 —
Tuy nhiên, cũng phải nói: Lướt sóng là một bộ môn thể thao đã có từ lâu đời.
Không có bản ghi chép nào cho biết chính xác thời gian cụ thể môn lướt sóng trở thành môn thể thao chính thức. Tuy nhiên theo ghi nhận, vào thế kỷ 15, vua, hoàng hậu và toàn thể nhân dân quần đảo Sandwich rất nhiệt huyết đối với môn thể thao này.
Người lướt sóng giỏi thì có thể trở thành vận động viên, thi đấu thành công sẽ có huy chương và ánh hào quang mà nghề mang lại.
— 09 —
Vượt qua rất nhiều tên tuổi lớn như Saigon Coop Mart, Central Group, Vingroup, FPT…Thì Thế Giới Di Động vươn lên vị trí số 1 trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao giá điện thoại trong cửa hàng của Thế Giới Di Động có thể cao hơn ở 1 số cửa hàng khác, mà rất nhiều khách hàng vẫn lựa chọn?
Người ta lựa chọn Thế Giới Di Động vì uy tín của thương hiệu, dịch vụ bảo hành hậu mãi, trải nghiệm khi mua hàng,…hay chỉ vì ở đó có bán điện thoại?
iPhone là sản phẩm của Apple, Note 10 là sản phẩm của Samsung,…mua ở đâu cũng giống nhau. Và điện thoại không phải là sản phẩm của Thế Giới Di Động. Mà sản phẩm của Thế Giới Di Động là "dịch vụ bán lẻ điện thoại".
Người ta chọn nơi mua hàng vì những giá trị gia tăng khác (thương hiệu, dịch vụ, trải nghiệm,…) mặc cho giá cả đắt hơn, mặc cho đối thủ có kinh doanh sản phẩm giống hệt bạn.
Quên ví dụ về Thế Giới Di Động đi, thực ra tôi chẳng hiểu gì về nguyên nhân, lý do thành công của những công ty tập đoàn lớn cỡ ấy.
Giờ hãy trả lời câu hỏi của chính chúng ta: Lý do mà khách hàng nên lựa chọn sản phẩm của bạn là gì?
Bạn có thực sự tạo ra giá trị cho khách hàng hay không? Hay bạn chỉ đơn thuần là 1 người làm thương mại, mang sản phẩm từ nơi sản xuất, đến bán cho người tiêu dùng?
— 10 —
Bi kịch của bán hàng online đúng là ở vấn đề sản phẩm, nhưng không phải là ở việc: Sản phẩm bị sao chép.
Mà ở việc: Sản phẩm "thực sự" của bạn không có lợi thế cạnh tranh. Vì bạn chưa thể tạo ra thêm những giá trị thực sự tốt, vượt trên đối thủ, dành cho khách hàng.
Sản phẩm và dịch vụ mà bạn mang đến tạo ra giá trị gì, sẽ giải quyết vấn đề gì của đối tượng khách hàng nào?
Nghiêm túc trả lời câu hỏi đó, vì đó chính là nền móng cho hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, là tầm nhìn dài hạn để công việc kinh doanh của bạn trở nên bền vững, có sự tích lũy và nhân rộng trong tương lai.