Bị Covid “dồn vào chân tường”, ba lô Miti nhanh trí làm khẩu trang, đích thân CEO livestream bán hàng trên facebook, doanh thu online tăng vọt

11/02/2021 08:00 AM | Kinh doanh

Năm 2020 có lẽ là một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của anh Nguyễn Trí Kiên – ông chủ kiêm CEO của Miti. Anh không chỉ thành công cứu công ty có 30 năm tuổi này khỏi đóng cửa do Covid-19, mà còn mở được cánh cửa tới tương lai rộng mở. Tất cả bắt nguồn từ việc dấn thân vào sản xuất khẩu trang – ngành hot hit nhất trên thị trường.

Anh Nguyễn Trí Kiên - ông chủ kiêm CEO của thương hiệu túi xách - ba lô Miti.
Anh Nguyễn Trí Kiên - ông chủ kiêm CEO của thương hiệu túi xách - ba lô Miti.

Miti là một trong những cái tên nổi bật ở thị trường túi xách – ba lô dành cho học sinh, sinh viên và dân du lịch tại Việt Nam. Sản phẩm của họ có thể không cập nhật xu hướng thời trang nhanh nhất nhưng chắc chắn có chất lượng và giá cả tốt nhất nhì thị trường. Ở thời điểm hiện tại, dù đã đóng cửa một số cửa hàng do đại dịch Covid-19, song doanh nghiệp này vẫn còn 45 cửa hàng phủ trên khắp cả nước.

Hơn nữa, Miti là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi tự mình sản xuất 100% các công đoạn để làm ra thành phẩm, họ chỉ nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Hiện trong ngành da giày – túi xách, thị trường nội địa chỉ cung cấp được khoảng 30% đến 40% nguyên liệu, khoảng 70% còn lại vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Do các sản phẩm của Miti thường có rất nhiều chi tiết và muốn bảo đảm chất lượng như doanh nghiệp cam kết, thì không thể đặt gia công tại Trung Quốc như hầu hết thương hiệu túi xách thời trang Việt Nam đang làm. Anh Nguyễn Trí Kiên cũng nói rằng, mình chỉ nêu thực trạng thị trường, chứ không có ý so sánh hoặc phê phán những thương hiệu khác; bởi mỗi người có một chiến lược và cách thức sản xuất phù hợp với định hướng phát triển cũng như tệp khách hàng riêng.

Mảng mới sản xuất khẩu trang đã cứu Miti

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu một cột mốc đáng nhớ với thương hiệu này, khi sau 30 năm hình thành và phát triển, Miti mới có một nhà máy thứ hai và tăng lượng nhân sự trong công ty lẫn nhà máy chạm cột mốc 500 người. Miti hiện vẫn chưa xuất khẩu mà vẫn sản xuất phục vụ thị trường trong nước là chủ yếu. Dù thị trường của Miti rất rộng lớn, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, tới năm 2019, Miti mới quyết tâm đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà máy nữa.

"Khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhà máy thứ hai của tôi mới sản xuất được 1 tháng. Do sản phẩm của Miti chủ yếu phục vụ việc đi học và đi du lịch, mà cả hai hoạt động này đều bị đóng băng khi xã hội lock-down. Trong khoảng 3 đến 4 tháng đầu năm, có tháng doanh số mà chúng tôi thu về không đáng kể. Trước Covid-19, kênh bán hàng online của chúng tôi vẫn khá yếu, chỉ chiếm 5% đến 6% doanh thu.

Như rất nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm đó, tôi hoàn toàn bị sốc và không biết nên làm gì để cứu công ty. Hàng tháng vẫn phải trả tiền mặt bằng nhà xưởng - cửa hàng – văn phòng cùng cho 500 công nhân viên…; nhưng lại không có nguồn thu lớn", anh Nguyễn Trí Kiên hồi tưởng.

Hành trình tái sinh ‘mở trí – mở lòng’ của doanh nghiệp sản xuất ba lô túi xách 30 năm tuổi Miti - Ảnh 1.

Nhà xưởng thứ 2 của Miti ra mắt sau 30 năm hoạt động và sản xuất 1 tháng thì phải đóng cửa vì Covid-19 ập đến.

Hành trình tái sinh ‘mở trí – mở lòng’ của doanh nghiệp sản xuất ba lô túi xách 30 năm tuổi Miti - Ảnh 2.

Bên trong nhà xưởng mới khang trang.

Với việc đã trải qua 30 năm sóng gió trên thương trường, anh Nguyễn Trí Kiên đã nhanh chóng bình tĩnh lại, quan sát thị trường để tìm đường sống cho Miti. Ngay đợt lock-down đầu tiên, khẩu trang bỗng trở thành một món hàng hot tại Việt Nam và cả thế giới. Chỉ sợ không có hàng bán chứ không sợ không có người mua, trừ khi sản phẩm của anh làm ra quá tệ! Hơn nữa, với tư cách là công ty làm về ngành túi xách – ba lo, Miti có nhiều lợi thế khi chuyển sang may khẩu trang.

Thế là, chỉ ngay sau đợt lock-down thứ nhất, anh Nguyễn Trí Kiên đã quyết định nhảy sang sản xuất khẩu trang trong thế bị ‘dồn vào chân tường’.

"Lúc bắt đầu nhảy sang lĩnh vực sản xuất mới, chúng tôi gặp một vài may mắn nhất định. Đầu tiên, dù nhà máy mới phải đóng cửa sau một tháng hoạt động, song chúng tôi vẫn còn nhà máy và nhân công. Thứ hai, hầu hết nhân công ở nhà máy thứ hai đều xuất phát từ dân may áo quần trong xí nghiệp, nên việc may khẩu trang với họ không khó.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi may mãi vẫn không ra được khẩu trang, khiến tôi khá nản. Khi biết gần nhà máy thứ hai có một cơ sở gia công áo quần nhỏ, tôi đã mang nguyên liệu ra nhờ họ may thử, thì thấy may 1 chiếc khẩu trang khá đơn giản chứ không khó khăn như khi chúng tôi làm thử. Hóa ra, không phải chúng tôi tệ mà chỉ là máy móc may ba lô – túi xách không phù hợp để may khẩu trang. Thế nên, chúng tôi buộc phải đầu tư kha khá tiền để mua một dây chuyền máy sản xuất khẩu trang riêng.

Dù nhảy vào ngành sản xuất khẩu trang để ‘cứu’ ngành ba lô – túi xách, nhưng tôn chỉ của Miti vẫn là đặt chất lượng sản phẩm lên tất cả. Vậy là, tôi đã phải ngồi xuống lôi tất cả những kiến thức từ những ngày còn làm sinh viên y khoa đã gần ‘phủ bụi’ trong đầu ra, tìm xem có cách gì để có thể bảo đảm diệt khuẩn 100% hay không. Sau nhiều lần nghiên cứu – thử nghiệm, khẩu trang của Miti ra mắt thị trường với 3 lớp: lớp đầu tiên tiếp xúc với khuôn mặt có tinh dầu tràm, lớp giữa phủ nano bạc và lớp ngoài cùng phủ muối", anh Nguyễn Trí Kiên chia sẻ.

Khẩu trang 3 lớp của Miti còn được hấp cao độ để định hình muối ở mặt ngoài, nên khi nếm mặt ngoài chúng ta có thể cảm nhận được vị mặn. Nhiều người nói vui, với khẩu trang của Miti, khách hàng có thể kiểm định ngay bằng cách vừa ngửi vừa nếm.

Dù đã cấp tập ngày đêm làm việc để kịp đưa khẩu trang ra thị trường, nhưng do phải thử nghiệm nghiên cứu sản phẩm cũng như cần thời gian mua máy móc và huấn luyện lại nhân viên một chút, anh Nguyễn Trí Kiên cho rằng, khẩu trang Miti đã ra chậm một nhịp so với thị trường trong giai đoạn II, nếu không doanh nghiệp còn có thể bán tốt hơn nữa.

Sau làn sóng thứ 2 kết thúc, khi nhu cầu trong nước không cao như trước, thì Miti lại có được đơn hàng xuất khẩu. Hiện tại, công suất sản xuất của Miti khoảng 100.000 sản phẩm/ngày và hầu hết dùng để xuất khẩu.

Hành trình tái sinh ‘mở trí – mở lòng’ của doanh nghiệp sản xuất ba lô túi xách 30 năm tuổi Miti - Ảnh 3.
Hành trình tái sinh ‘mở trí – mở lòng’ của doanh nghiệp sản xuất ba lô túi xách 30 năm tuổi Miti - Ảnh 4.

Ngành sản xuất mới khẩu trang đã cứu doanh nghiệp 30 năm tuổi Miti khỏi đóng cửa vì Covid-19.

"Có thể nói, chính quyết định dấn thân vào sản xuất khẩu trang trong vội vã của tôi đã cứu sống Miti. Hiện tại, dù thị trường đã quen sống chung với Covid-19, song nhu cầu về sản phẩm của Miti vẫn không bằng trước, do việc đi du lịch – đi học vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ có một điều mới, hiện kênh bán hàng online của chúng tôi đã chiếm khoảng 40% doanh thu của mảng túi xách – ba lô.

Kết hợp tất cả những điều trên, thì cơ bản là Miti đã vượt qua giai đoạn khó khăn và sẽ tiếp tục tồn tại – phát triển hơn trong tương lai. Có thể nói, nhờ sự may mắn và nỗ lực, tôi đã chớp cơ hội thành công, không chỉ giúp Miti sống sót mà còn mở ra một tương lai sáng hơn cho doanh nghiệp", ông chủ Miti khẳng định.

Sau khẩu trang sẽ là gì? Câu trả lời là các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và sau này có thể là học sinh.

Trong năm 2020, ngoài vượt qua được giai đoạn sống còn, anh Nguyễn Trí Kiên còn đột nhiên thấy được những cơ hội ngoài kia mà 30 năm rồi anh chưa thấy. Kiểu sau khi bị dồn vào đường cùng, trong lúc cố gắng vùng vẫy, lần đầu nhìn ra ngoài mảng túi xách – ba lô để tìm cơ hội sống sót, ông chủ này như được khai sáng - ‘mở trí mở lòng’. Lần đầu tiên, anh kết hợp lợi thế của bản thân – xuất thân bác sỹ và lợi thế của gia đình – ngành may mặc để làm cái gì đó được thị trường ưa chuộng.

Với anh Nguyễn Trí Kiên, ‘sau khẩu trang sẽ là gì?’, là một câu hỏi thú vị, bởi nó giúp anh mở ra một chân trời mới vô cùng tiềm năng – rộng lớn cho doanh nghiệp: sản xuất đồ dùng cho trẻ sơ sinh. Điều nghiên thị trường cho thấy, hiện sản phẩm về đồ dùng sơ sinh như địu – quần áo – khăn sữa – khăn tắm – bỉm trên thị trường có rất nhiều, một nguồn hàng đến từ Trung Quốc và một nguồn đến từ các nhãn hiệu toàn cầu. Song thị trường đang thiếu một nhãn hiệu thuần Việt chất lượng cao và nhấn mạnh về tính an toàn – bảo vệ sức khỏe cho bé.

Sau 3 tháng nghiên cứu, Miti đã thành công sản xuất những đồ dùng sơ sinh ứng dụng các công nghệ đã được chứng nhận trên sản xuất khẩu trang như về tẩm tinh đầu tràm, tráng nano bạc hay phủ muối. Miti hiện có khăn sữa có mùi tinh dầu tràm, balo – bỉm sữa phủ nano bạc, áo quần được xử lý ngăn ngừa – kháng khuẩn…Các sản phẩm dùng cho trẻ sơ sinh của Miti hạn chế tối đa việc đụng đến hóa chất, chỉ dùng vải cotton, không in hoa văn lên mặt vải…

Ngành hàng sản phẩm đồ dùng cho trẻ sơ sinh mới của Miti.

"Có thể xem, tôi đang khởi nghiệp lại và lần khởi nghiệp ở tuổi 50 này, tâm thế của tôi đã rất khác. Tôi muốn ‘đứng trên vai của người khổng lồ’, nên thay vì tự mở chuỗi bán đồ sơ sinh mình sản xuất, chúng tôi hợp tác phân phối ở các chuỗi lớn như Con Cưng. Chuỗi Con Cưng khi thấy sản phẩm chất lượng của chúng tôi đã rất vui vẻ hợp tác", anh Nguyễn Trí Kiên tự hào kể.

Trong năm 2021, ngoài mở thêm ngành hàng mới là đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh; Miti định sẽ hợp tác làm nhà cung cấp cho các nhãn hiệu giày nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện Miti đang chào Vascara để làm nhà cung cấp cho thương hiệu giày nữ nổi tiếng nhất nhì thị trường này.

Theo đó, chúng ta có thể hình dung Miti trong tương lai như thế này: sau khi Covid-19 kết thúc, họ sẽ dừng không sản xuất khẩu trang nữa và chuyển hẳn dây chuyền và công nhân sang sản xuất đồ dùng trẻ sơ sinh. Ngoài phát triển hơn nữa ngành cốt lõi túi xách – ba lô, họ còn có thêm mảng gia công giày thời trang cho các đối tác cùng ngành da dày. Trong tương lai, có thể họ còn dấn thân vào mảng sản xuất đồ dùng dành cho học sinh – ngoài túi xách và ba lô như trước đây, còn có thể là áo quần – giày dép – đồ dùng sinh hoạt…

Tức là, trong tương lai, cho dù có bất cứ khủng hoảng nào chăng nữa, Miti không có gì phải lo sợ vì họ có nhiều mảng miếng kinh doanh và không còn ‘bỏ trứng vào một giỏ’ nữa. Từ phải sa thải bớt nhân công trong giai đoạn đầu Covid-19, hiện Miti đang ào ạt tuyển nhân công cho các mảng và nhiệm vụ mới, như của ngành sản xuất đồ sơ sinh hay chuyên bán hàng online.

Covid-19 đã “dồn ép” đi ra khỏi vùng an toàn

Hành trình tái sinh ‘mở trí – mở lòng’ của doanh nghiệp sản xuất ba lô túi xách 30 năm tuổi Miti - Ảnh 6.
Ông chủ Nguyễn Trí Kiên đã có một năm 2020 khó quên.

Covid-19 không chỉ dồn ép doanh nhân Nguyễn Trí Kiên rời khỏi vùng an toàn trong kinh doanh mà còn trong việc phát triển bản thân.

Thị trường đồ dùng cho trẻ sơ sinh hay học sinh nói chung, vẫn màu mỡ như nó vốn thế, chỉ là trước đây anh Nguyễn Trí Kiên và Miti không thấy. Trong rất nhiều năm trời, Miti chỉ loay hoay làm sao để ngày càng phát triển trong ngành sản xuất – gia công túi xách mà chưa một lần nghĩ đến việc ‘nhảy’ sang lĩnh vực khác xem sao. Nếu không có Covid-19, có thể một ngày nào đó, anh Nguyễn Trí Kiên cũng sẽ phát hiện ra một ‘khu vườn đầy hoa’ nào đó, nhưng chắc chắn sẽ không sớm như bây giờ.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh Nguyễn Trí Kiên lên Facebook và các mạng xã hội để livestream bán hàng. Đứng trước thời điểm sống còn, chuyện kiếm tiền mới quan trọng chứ không phải mặt mũi, cho dù đó là ông chủ hay nhân viên.

Covid-19 cũng khiến Miti chú tâm với chuyển đổi số hơn trước kia, ngoài tăng cường và kiện toàn hệ thống bán hàng online, Miti còn dấn sâu vào các kênh bán hàng hiện đại như qua các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee và Lazada. Không chỉ anh Nguyễn Trí Kiên chịu khó livestream bán khẩu trang – túi xách qua Facebook, mà bây giờ các nhân viên của Miti cũng làm như thế.

Để tăng độ tương tác và lan tỏa của nhãn hiệu, trên Fanpage của Miti không chỉ còn nói chuyện về bán túi xách hoặc vali như trước kia mà ‘đu trend’ hết sức tích cực. Có thể nói, hiện Miti đang dùng hết tất cả nội lực của bản thân để giúp doanh nghiệp tiến về phía trước.

Anh Nguyễn Trí Kiên và Miti đang ở trong tình huống kinh điển mọi người thường hay bảo, "cái gì không thể giết chết chúng ta, sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn!". Anh đã kinh doanh và sống đúng với cái tên của mình, ‘Kiên lòng bền Trí’!

Miti là sản phẩm của Công Ty TNHH LILAMITI được thành lập từ năm 2000. Tiền thân là cơ sở may túi xách Minh Tiến được thành lập từ năm 1987. Với trên 25 năm kinh nghiệm truyền thống, công ty đã kế thừa và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất của mình lên một tầm cao mới, hiện đủ sức sản xuất những sản phẩm may kỹ thuật cao và tinh xảo nhất thị trường.

Hiện tại, với quy mô diện tích nhà xưởng trên 5000m2, cùng 5 dây chuyền sản xuất hiện đại cùng đội ngũ nhân viên trên 500 người, doanh nghiệp có thể đáp ứng hầu hết các đơn hàng – kể cả số lượng lớn từ các khách hàng uy tín trong nước cũng như trên thế giới.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM