Bí ẩn xác ướp vị Đệ nhất phu nhân xinh đẹp nhất thế giới: Người đàn bà đẹp nao lòng lúc sống, chết rồi vẫn không thoát khỏi phận truân chuyên
Câu chuyện về cuộc đời và bí ẩn xác ướp của vị Đệ nhất phu nhân xinh đẹp này đến nay vẫn còn được nhắc đến không chỉ ở Argentinia quê hương bà mà còn ở khắp nơi trên thế giới, với niềm tôn kính vô cùng.
Nhắc đến những xác ướp được bảo quản tốt nhất trong lịch sử, người ta không thể không nhắc đến thi hài bà María Eva Duarte de Perón - phu nhân Tổng thống Argentinia Juan Perón. Cuộc đời của bà đã "ba chìm bảy nổi" với những khó khăn không kể hết bằng lời. Ra đi khi tuổi còn quá trẻ, bà được người dân tôn kính như một vị thần, được mệnh danh "Người đàn bà huyền thoại", "mẹ dân tộc", "Thánh Evita"... Đến khi chết rồi, bà vẫn không thoát khỏi số phận long đong lận đận, phiêu bạt nhiều năm trước khi được an nghỉ thực sự.
Số phận bất hạnh từ khi còn nhỏ, lớn lên gồng gánh cả giang sơn
Eva Maria Duarte, còn được biết đến với cái tên Evita, sinh ngày 7/5/1919 tại thị trấn nhỏ Los Toldos (Argentina). Từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, bà đã không được may mắn như những đứa trẻ khác có một gia đình trọn vẹn yêu thương, Evita phải sống những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực.
Hình ảnh bà Evita khi còn trẻ, bà sở hữu vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà hiếm người phụ nữ nào có được.
Bố đẻ của bà đã có vợ nhưng vẫn quan hệ với mẹ của bà và sinh liền 5 người con. Evita là con út. Khi bà được 1 tuổi, ông đã bỏ rơi 6 mẹ con để trở về với vợ chính thức. Vừa phải chịu cảnh nghèo khó, cơm chẳng đủ ăn, gầy còm ốm yếu, Evita còn phải chịu lời khinh miệt từ bạn bè rằng bà là "đồ con hoang".
Khi Evita 15 tuổi bà gặp ca sĩ tango Agustin Magaldi khi ông đến quê bà biểu diễn. Evita như "chết đuối vớ được cọc", bà nhanh chóng đồng ý theo Magaldi đến Buenos Aires để bắt đầu sự nghiệp dưới ánh đèn sân khấu.
Cuộc đời bà Evita rẽ sang một hướng hoàn toàn khác kể từ một đêm biểu diễn gây quỹ cứu tế nạn nhân động đất hồi tháng Giêng năm 1944 làm trên 6.000 người bị thiệt mạng. Lúc đó, bà gặp đại tá Juan Peron (48 tuổi), gấp đôi tuổi của bà. Ông không có con, người vợ đầu tiên của ông đã chết vì ung thư cổ tử cung 6 năm trước đó.
Năm 1945, đại tá Juan Peron trở thành Phó Tổng thống Argentina, nhưng cũng vì sự nổi tiếng đó mà ông có nhiều kẻ thù hơn. Người ta lan truyền tin đồn rằng Evita từng làm gái mại dâm để có tiền trang trải cuộc sống. Tin đồn truyền đi đã dấy lên một làn sóng lớn trong xã hội thượng lưu ở Argentina. Người ta ghé tai nhau rằng một gái lầu xanh như vậy lại có thể bước chân vào giới thượng lưu. Và giống như các cặp vợ chồng quyền lực khác, người ta cũng nghĩ rằng đó là tham vọng, không phải là tình yêu giữ họ lại với nhau.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 1945, Phó tổng thống Juan Peron bị buộc phải từ chức và bị bắt. Evita vẫn giữ được bình tĩnh, bà đã đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Lời diễn thuyết của bà đã cảm hóa được vô số người dân nghèo đang trong cảnh thất nghiệp và lòng dâng đầy oán hận. Các cuộc biểu tình quần chúng của các tổ chức công đoàn nổ ra khắp nơi đòi trả tự do cho ông Juan. Đến ngày 17/10, không chịu được sức ép từ đám đông, phe đối thủ đã phải thả ông Juan ra.
Bốn ngày sau khi ông Juan Peron được thả, ông và bà Evita đã kết hôn. Ngay sau đó ông lập tức lên kế hoạch tranh cử chức tổng thống.
Ngày 24 tháng 2 năm 1946, ông Juan đã giành được 52% phiếu bầu và nghiễm nhiên trở thành tân Tổng thống Argentina còn Evita trở thành đệ nhất phu nhân khi mới 26 tuổi.
Khi đã trở thành "mẫu nghi thiên hạ", Evita không quên những trách nhiệm trọng đại của mình. Bà luôn mưu cầu phúc lợi cho người dân nghèo, trẻ nhỏ cùng người già, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà còn thành lập hội ngân sách "đệ nhất phu nhân" và trung tâm cứu trợ những người nghèo khổ. Trên cương vị là Đệ nhất phu nhân, bà đã làm việc, cống hiến hết sức mình cho người dân.
Ngày 9/1/1949, án tử đột nhiên giáng xuống người phụ nữ ấy. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư cổ tử cung. 8h25' tối 24/7/1949, bà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu người dân trên khắp đất nước Argentina.
Chết rồi vẫn không thoát khỏi phận truân chuyên
Sau khi Evita qua đời, Tổng thống Juan Peron vô cùng xót thương và quyết định cho ướp xác bà như một cách để bà ở lại bên mình mãi mãi.
Bác sĩ giải phẫu nổi tiếng Argentina là Pedro Ara - người được mệnh danh là “nghệ nhân của những xác ướp” - được giao trọng trách này. Ông nhanh chóng bắt tay vào công việc ướp xác vị Đệ nhất phu nhân cao quý.
Theo đó, toàn bộ máu trong cơ thể bà Evita được thay bằng cồn nguyên chất và glycerine, một hợp chất có khả năng chịu được nhiệt độ tới 140 độ C. Cồn hút nước từ các mô, glycerine giúp cơ thể trông vẫn sống động như thật, còn toàn bộ nội tạng bên trong cũng được bảo quản ở tình trạng hoàn hảo đến mức khó tin.
Sau đó, thi hài của bà Evita được đặt trong một chiếc qua tài làm từ đồng, vỏ bọc pha lê dày có giá 30.000 USD (tương đương gần 700 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và được trưng bày để người dân tới phúng viếng.
Trong 2 năm tiếp theo, bác sĩ Pedro Ara đã làm việc chăm chỉ, cật lực cho đến khi "tác phẩm sống động như thật" của ông chính thức hoàn thành. Nhưng tất cả các kế hoạch về một tượng đài cho Đệ nhất phu nhân Evita đã không thành công khi, vào năm 1955, chồng bà là Tổng thống Juan Peron bị quân đội lật đổ và ông phải chạy trốn sang Tây Ban Nha.
Lo sợ xác ướp của Evita sẽ trở thành điểm tập hợp của phe đối lập, binh lính đã thu giữ và di chuyển đến nơi bí mật.
Chuyên gia, Tiến sĩ John Kraniauskas, Đại học London, nói: "Thi hài của Evita đại diện cho quyền lực, biểu tượng quyền lực chính trị, và bà ấy cũng đại diện cho phụ nữ. Vì vậy, thi hài của bà ấy là thứ mà mọi người muốn có được. Họ đã cất nó trong một chiếc hộp được quân nhân giấu ở nơi bí mật".
Ban đầu, ban chỉ huy quân đội chịu trách nhiệm bảo vệ thi hài bà Evita đã từ chối để ở căn cứ của mình. Vì vậy, cỗ quan được giấu trong một thùng gỗ có ghi "thiết bị vô tuyến", được giấu trong một chiếc xe tải đậu ở Buenos Aires, tại các công trình cấp nước của thành phố, phía sau rạp chiếu phim và trên cả tầng gác mái của cơ quan tình báo quân sự. Nhưng bằng cách nào đó, tại mọi địa điểm, tin tức vẫn bị rò rỉ.
Thi hài bà Evita trải qua quá trình chính sửa lại vào năm 1974.
Tiến sĩ Kraniauskas nói: “Bà ấy đại diện cho phúc lợi cho người nghèo, vì vậy bà ấy được yêu mến. Bà ấy có quá khứ là một người mẫu kiêm diễn viên và có phần hơi giống Công nương Diana".
Khoảng thời gian này quan tài của bà Evita được cho là đã được cất giữ trong nhà của một thiếu tá quân đội. Một số tin đồn nói rằng vị đại tá này đã bắn vợ mình khi cô ghen tị với thời gian ông dành để ở bên thi hài bà Evita.
Cuối cùng, người ta cho rằng không nơi nào ở Argentina là nơi an toàn để giữ thi thể và chính quyền đã ra lệnh vận chuyển đến châu Âu. Chiếc quan tài chứa thi hài bà Evita được vận chuyển đến Bonn của Tây Đức và được chôn cất trong khu vườn của dinh đại sứ. Tiếp theo, nó được chuyển đến Milan và chôn cất trong một nghĩa trang với tên giả là Maria Maggi.
Năm 1971, thi hài của bà được đào lên và trao trả về cho chồng bà, lúc này đang ở cùng người vợ ba Isabel tại Tây Ban Nha. Những năm tháng ở đây, bà được đặt ở một nhà nguyện trên gác mái. Lúc này, xác ướp của bà đã không còn đẹp như ban đầu.
Sau gần 2 thập kỉ “bôn ba” khắp chốn, bà cùng chồng (lúc này đã mất) được trở về quê hương. Khi vợ 3 của ông Juan Peron lên làm Tổng thống, bà đã cho xây dựng một một đài tưởng niệm để đặt thi hài của Evita cùng cố Tổng thống Juan Peron cạnh nhau.
Năm 1976, cuộc đảo chính quân sự lại nổ ra. Lần này, thi hài của bà Evita đã được gia đình kịp thời cất giấu trước khi bị quân đội đảo chính đánh cắp lần nữa.
Cuối cùng, bà cũng kết thúc chuyến phiêu lưu của mình trong một hầm mộ xây bằng đá cẩm thạch, sâu 5m dưới lòng đất và có thể chống bom nguyên tử tại nghĩa trang trang La Recoleta (Buenos Aires).
Từ đó trở đi, không ai còn được nhìn thấy người phụ nữ được cho huyền thoại của Argentina này nữa.
Nguồn: Tổng hợp