Bí ẩn về những "vòng tròn cổ tích" tại Namibia

13/09/2020 16:03 PM | Xã hội

Vòng tròn cổ tích là những mảng tròn của đất cằn cỗi, có đường kính từ 2 đến 15 mét, thường được bao quanh bởi một vòng tròn cỏ.

Truyền thuyết nói rằng những "vòng tròn cổ tích" này là dấu chân của các vị thần, nhưng cũng có những người khác tin rằng chúng là địa điểm cho những UFO hạ cánh và các nhà khoa học lại có những giả thuyết của riêng họ. Nhưng sự thật là không ai thực sự biết các vòng tròn rải rác trên sa mạc ven biển Namib này đã hình thành như thế nào.

Vòng tròn cổ tích là những khoảng trống tròn phân bố đồng đều trên đồng cỏ khô cằn khắp Namib trông giống như những chấm bi trên vải khi nhìn từ không trung. Cho đến năm 2014, chúng được biết là chỉ xuất hiện dọc theo sa mạc Namib ở miền nam Châu Phi, nhưng sau đó các vòng tròn có hình dáng và đặc điểm gần như tương tự cũng đã được phát hiện gần thị trấn khai thác mỏ Newman ở Tây Úc.

Tuy nhiên, những vòng tròn cổ tích ở Namibia vẫn là điểm nổi tiếng và hấp dẫn nhất đối với các nhà khoa học, họ đã nghiên cứu chúng từ những năm 1970. Các giả thuyết về sự hình thành và mục đích của chúng có rất nhiều, nhưng cho đến nay không ai có thể chứng minh được rằng tại sao chúng tại tồn tại và câu trả lời thực sự vẫn còn là một bí ẩn trong suốt hàng thập kỷ qua.

Bí ẩn về những vòng tròn cổ tích tại Namibia - Ảnh 1.

Namib là một hoang mạc ven biển rộng khoảng 81.000 km2, nằm ở miền Nam Phi. Rìa ngoài Namib tiếp giáp với biển Đại Tây Dương, kéo dài hơn 2.000km với bờ cát dốc đứng, có chỗ dốc dài tới 200m. Một trong những đoạn nguy hiểm nhất của nó là bờ biển Skeleton. Ở Namib, nhiệt độ ban ngày lên đến 45 độ C, còn ban đêm thấp dưới 0 độ C. Lượng mưa ở đây nghèo đến nỗi, trung bình chỉ 14mm/năm. Tại những vị trí khô hạn nhất, lượng mưa còn 2mm/năm. Trung bình mỗi năm, Namib có khoảng 180 ngày bị sương mù phủ trắng. Khắp bề mặt Namib nhấp nhô các đụn cát, nhiều đụn cao ngoài 200m. Tại khu vực Sossusvlei, một số đụn cát còn cao tới gần 400m. Dưới bóng của chúng là những đồng bằng và lòng chảo cát lớn nhỏ khác nhau. Trên bề mặt các vùng bằng biện, có nhiều cỏ mọc, nổi lên chi chít các vòng tròn gần như là hoàn hảo.

"Đó là một khu vực hình tròn trống không, không có gì trên đó, chỉ có một vòng cỏ xung quanh nó," Eugene Marais, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Gobabeb-Namib, mô tả về vòng tròn cổ tích. "Khi bạn nhìn nó từ không trung hoặc từ các điểm cao, nó gần giống như những nốt sởi."

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng giải thích lý do vì sao những vòng tròn kỳ lạ này tồn tại, nhưng trên thực tế, cho tới nay hiện tượng tự nhiên bí ẩn này vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Như Giáo sư Marais nói, "chúng tôi vẫn đang đối mặt với một điều gì đó mà lẽ ra phải dễ giải thích, nhưng việc tìm ra một lời giải thích có thể chấp nhận được cho điều này dường như lại khó khăn đến một cách đáng ngạc nhiên".

Bí ẩn về những vòng tròn cổ tích tại Namibia - Ảnh 2.

Do sự xuất hiện bí ẩn các vòng tròn trong sa mạc Namib được đặt tên là Fairu Circles – những vòng tròn cổ tích. Các vòng tròn này có đường viền là cỏ, bên trong hoàn toàn trống rỗng sự sống với đường kính từ 2 cho đến 12m nằm xen kẻ trên khắp sa mạc. Ở vị trí trung tâm của Namib, chúng rộng từ 1.5 - 6m. Tại phía Tây Bắc, trong khu vực thuộc lãnh địa của Namibia, chúng có đường kính lớn hơn gấp 4 lần, có vòng đạt 25m. Vùng đất xuất hiện vòng tròn kỳ lạ này trải dài trên quãng đường 1.800km.

Khi khoa học vẫn chưa thể giải thích rõ ràng thì vẫn luôn có những lời giải thích thần bí và khoa học viễn tưởng như các nàng tiên nhảy múa trong các vòng tròn và ngăn không cho thực vật phát triển, hay UFO hạ cánh xuống sa mạc vào ban đêm, và trong số đó, có một số giải thích được cho là hợp lý về lý do tại sao các vòng tròn thần tiên tồn tại.

Một số nhà khoa học tin rằng nó sự hình thành của những vòng tròn cổ tích có liên quan gì đó đến loài mối. Những con mối đã biến Namib trở thành nhà của chúng và nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết bên dưới các vòng tròn cổ tích đều có sự hiện diện của những đàn mối. Giả thuyết này cho rằng các đàn mối xâm nhập và xâm chiếm lẫn nhau, nhưng khi các đàn mối có kích thước tương tự gặp nhau, chúng không thể tiêu diệt lẫn nhau, vì vậy chúng tạo ra những vùng đệm biên giới giữa chúng.

Bí ẩn về những vòng tròn cổ tích tại Namibia - Ảnh 3.

Người ta đã đặt nhiều giả thuyết để giải thích nguyên nhân của hiện tượng này như thuốc diệt cỏ, mối và thậm chí là UFO… ly kỳ nhất vẫn là câu chuyện huyền thoại của người địa phương về một con rồng ẩn mình dưới đất, hơi thở của nó đã thổi bùng các ngọn lửa thiêu cháy thảm cỏ khô trên bề mặt sa mạc. Suốt nhiều năm, giới nghiên cứu địa chất và khoa học đau đầu tìm lời lý giải cho hiện tượng các vòng tròn trong sa mạc Namib.

Một giả thuyết khác cho rằng những vòng tròn cổ tích là kết quả của sự cạnh tranh của các loài thực vật đối với nguồn nước khan hiếm ở Namib.

Cũng có những người tin rằng vòng tròn cổ tích của Namib bằng cách nào đó có liên hệ với những bụi cây Euphorbia có độc mọc ở Namib, vì một số tàn tích của những loài thực vật này đã được tìm thấy trong các vòng tròn cổ tích. Nhưng sự thật là không ai biết chắc liệu có giả thuyết nào trong số này là đúng hay không, hay câu trả lời thực sự là sự kết hợp của các giả thuyết.

Theo nhà côn trùng học Eugene Marais, Viện Nghiên cứu Gobabeb – Namib, có 2 giả thuyết tương đối hợp lý. Mối sa mạc cố tình gặm hết cỏ trong một phạm vi hẹp, theo hình vòng tròn. Chúng làm như thế để tạo ra một không gian trống, thuận lợi cho nước mưa thấm sâu vào lòng đất. Nói một cách khác, các vòng tròn này chính là “ao trữ nước” của mối. Cỏ sa mạc phát triển bộ rễ mạnh, lan rộng và ăn sâu. Khi chúng mọc gần nhau, sự cạnh tranh sẽ xảy ra, làm chết những cây yếu hơn, cuối cùng hình thành vòng tròn trống giữa. Vòng tròn này cũng được sử dụng như “ao chung”, tập trung tích lũy nước và dưỡng chất, nuôi sống viền cây cỏ xung quanh. Tuy nhiên khi thời gian hạn hán kéo dài, các vòng tròn trong sa mạc Namib mờ dần, gần như là biến mất. Nhưng chỉ cần có một chút mưa, tất cả lại hiện ra, rõ nét. Vì thế, các nhà khoa học vẫn chưa làm sao giải thích thỏa đáng hiện tượng kỳ lạ như ma thuật này.

Nghiên cứu được thực hiện trên các vòng tròn cổ tích mới hơn ở Úc đã phát hiện ra rằng mối không gây ra các mảnh đất cằn cỗi, mà chúng là kết quả của các quá trình phi sinh học như phong hóa cơ học đất do mưa lớn trong lốc xoáy, nhiệt độ khắc nghiệt và bốc hơi.

Tiến sĩ Stephan Getzin từ Đại học Göttingen giải thích: "Khoảng trống thảm thực vật do mối thợ gây ra sẽ chỉ có diện tích rất nhỏ, và chúng cũng sẽ có hình dạng ngẫu nhiên thay vì đồng đều như những vòng tròn cổ tích".

Bí ẩn về các vòng tròn cổ tích vẫn chưa được giải đáp, và mặc dù các nhà khoa học chắc chắn đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ những năm 1970, và có thể chúng ta sẽ không bao giờ thực sự biết mục đích của những vòng tròn này là gì.

Đức Khương

Từ khóa:  nhà khoa học
Cùng chuyên mục
XEM