Bí ẩn người đàn ông dạy thế giới hát karaoke: Bỏ chứng khoán theo đam mê âm nhạc, trầm cảm vì quá nhiều tiền, xây viện dưỡng lão cho... chó để "trả ơn"

10/01/2022 15:32 PM | Kinh doanh

Ở tuổi 82, cha đẻ của máy hát karaoke đang sống hạnh phúc cùng vợ, con gái, 3 cháu ngoại và 7 con chó tại Nishinomiya, phía tây thành phố Osaka, Nhật Bản.

Cuộc gặp thay đổi cuộc đời

Daisuke Inoue có lẽ là cái tên xa lạ với phần lớn thế giới, ngay cả với những người ngày ngày vẫn giải trí bằng phát minh của ông. Năm 1943, người đàn ông này tạo ra chiếc máy hát karaoke đầu tiên trên thế giới. Với phát minh của ông, hàng tỷ người có thể thỏa mong ước hát ca mà không cần tới sự hiện diện của ban nhạc.

Tuy nhiên, cuộc đời của ông Daisuke có lẽ là những kỳ tích. Năm 3 tuổi, cậu bé Yusike Inoue (tên khai sinh của Daisuke Inoue) ngã xuống hồ bơi của gia đình và bất tỉnh trong 2 tuần. Bác sĩ lo ngại cậu bé chắc chắn sẽ bị tổn thương não nếu có thể tỉnh lại. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra. Sau khi sư thầy làm lễ cầu phúc và đổi tên cậu thành Daisuke Inoue, cậu bé đã tỉnh lại và khỏe mạnh bình thường.

Bí ẩn người đàn ông dạy thế giới hát karaoke: Bỏ chứng khoán theo đam mê âm nhạc, trầm cảm vì quá nhiều tiền, xây viện dưỡng lão cho... chó để trả ơn - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm bánh, Daisuke hoàn toàn không có hứng thú với nghề "gia truyền" mà thích âm nhạc. Học trung học, Inoue trở thành tay trống trong ban nhạc của trường dù không hề biết đọc bản nhạc. Bí quyết của chàng trai là nghe đi nghe lại các bản nhạc, học giai điệu và chơi theo.

Sau đó, Daisuke chơi cho một ban nhạc vũ trường mỗi đêm. Đó là lý do cậu thường xuyên ngủ gật trong lớp. Tuy nhiên, điều đó không ngăn Daisuke tốt nghiệp cấp 3. Ngay sau đó, cậu trai trẻ làm việc cho một công ty chứng khoán trước khi bỏ ngành tài chính và đi lưu diễn cùng ban nhạc, điều mà cả gia đình cậu ủng hộ.

9 năm phiêu bạt với đam mê, Daisuke không một xu dính túi. Dù có thể chơi trống nhưng rõ ràng, Daisuke hiểu anh không thể trở thành ngôi sao. Trở về nhà với 2 bàn tay trắng năm 28 tuổi, Daisuke tiếp tục kiếm sống bằng việc chơi trống cho các ban nhạc trong quán bar. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời ông tới sau một cuộc gặp.

Ông chủ một công ty nhỏ tới gặp Daisuke, nói cho anh biết về cuộc gặp với đối tác sắp tới. Người đàn ông này biết mình sẽ bị đối tác yêu cầu hát nhưng có thể, họ sẽ không uống rượu ở quán bar mà Daisuke. Trong khi đó, vị giám đốc này biết bài tủ của ông chỉ hợp với cách chơi của nhóm nhạc này.

Từ lời khẩn cầu đó, Daisuke đã thu âm những bài tủ của nhóm vào băng cassette để ông này hát theo. Một ngày sau, người đàn ông trở lại với khuôn mặt hân hoan và đề nghị Daisuke thu âm thêm vài bài hát nữa.

Đó cũng là thời điểm Daisuke nảy ra ý tưởng về Juke 8, chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới. chiếc máy dựa vào một ý tưởng đơn giản là bỏ vài xu vào chiếc máy, vốn được kết nối với micro, loa và amply, một bản nhạc mà bạn muốn hát sẽ được phát lên, cho phép bạn thể hiện khả năng ca hát.

Chiếc máy thời thượng giá 425 USD.

Một người bạn của Daisuke có cửa hàng bán linh kiện điện tử và họ đã làm việc với nhau để tạo ra Juke 8 với giá 425 USD. Ban nhạc của Daisuke bắt đầu thu âm các bài hát để phát trên Juke 8 và nhanh chóng có được một list bài với hơn 300 ca khúc.

Tuy nhiên, phải tới năm 1971, chiếc máy này mới được tung ra thị trường. Bản thân Daisuke cũng nghĩ rằng sẽ chẳng ai quan tâm tới chiếc máy nhưng ông đã sai. Nó ngay lập tức gây tiếng vang lớn trên thị trường. Thời điểm đó, tại Tokyo và Osaka, người ta nghe nhạc trên những chiếc máy hát nhập khẩu từ Mỹ. Còn ở Kobe, người ta vẫn thích nhạc sống.

Bí ẩn người đàn ông dạy thế giới hát karaoke: Bỏ chứng khoán theo đam mê âm nhạc, trầm cảm vì quá nhiều tiền, xây viện dưỡng lão cho... chó để trả ơn - Ảnh 2.

Thuyết phục chủ quán bar đặt các máy hát của mình nhưng Daisuke nhanh chóng thất vọng khi chẳng ai mảy may quan tâm tới nó. Không đầu hàng, ông thuê những cô gái nóng bỏng nhất của quán bar tới hát bằng chiếc máy và điều kỳ diệu đã xảy ra. Không chỉ thu hút sự chú ý, chiếc máy còn được khách tranh giành để hát.

Ngay sau đó, 200 quán bar khắp Kobe đã trang bị loại đầu hát mà Daisuke phát triển. Bước ngoặt tiếp theo, loại phương tiện này tới Osaka khi các chủ quán bar ở Kobe tới Osaka mở cửa hàng. Cơn sốt karaoke bùng lên, trong một năm sau đó, công ty của Daisuke sản xuất 25.000 máy bán cho khắp nước Nhật.

Sau đó, Daisuke cũng thuyết phục được một số hãng thu âm lớn nhất góp mặt vào cuộc cách mạng này. Họ nhanh chóng hưởng ứng khi nhận ra cơ hội kiếm tiền bản quyền. Trong vài năm sau đó, công ty của Daisuke đạt doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Tay trống nghiệp dư ngày nào giờ chỉ chẳng cần làm gì mà tài sản vẫn phình ra nhanh chóng.

Trầm cảm vì quá giàu và việc xây viện dưỡng lão cho chó để trả ơn

Tuy nhiên, giàu quá cũng là áp lực. Daisuke rơi vào trầm cảm. Sau đó, ông quyết định trao quyền quản lý công ty cho em trai rồi nghỉ ngơi. Vài năm sau, nhờ chú chó có tên Donbei, Daisuke thoát khỏi trầm cảm.

Trả ơn con chó, ông mua một sân golf bỏ hoang ở Hyogo và xây "viện dưỡng lão" đầu tiên cho chó già bên cạnh một trung tâm huấn luyện chó. Người đàn ông này khao khát biến đây thành nơi đầu tiên ở Nhật không có chó hoang hoặc không có những con chó bị buộc phải tiêu hủy vì chủ bỏ rơi.

Bí ẩn người đàn ông dạy thế giới hát karaoke: Bỏ chứng khoán theo đam mê âm nhạc, trầm cảm vì quá nhiều tiền, xây viện dưỡng lão cho... chó để trả ơn - Ảnh 3.

Năm 1999, tạp chí TIME của Mỹ vinh danh Daisuke là một trong 20 người châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Việc bỏ lỡ cơ hội kiếm hàng trăm triệu USD bản quyền do không xin cấp bằng sáng chế cho cỗ máy hát karaoke của mình không khiến Daisuke hối tiếc, nhất là khi ông tin rằng sản phẩm của mình đã giúp cả thế giới có thể hát hò thỏa thích.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, máy hát karaoke cũng trở thành sản phẩm khiến nhiều người khó chịu, nhất là những người không trực tiếp tham gia cuộc hát. Thành thực mà nói, không phải người hát karaoke nào cũng là ca sĩ và không phải thể loại nhạc nào cũng được tất cả mọi người yêu thích.


Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM