Bệnh nhân 22 dương tính với Covid-19 sau khi xuất viện tại Đà Nẵng, TP.HCM kiến nghị cách ly xã hội đến hết tháng 4
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch.
Chiều ngày 13/4, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, thảo luận về các quyết sách thời gian tới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp/ Ảnh: Chinhphu.vn.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay, trên địa bàn TP có 54 ca nhiễm Covid-19, hiện đã điều trị khỏi bệnh cho 40 trường hợp và chỉ còn 14 trường hợp đang điều trị.
Để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, TP.HCM cho biết luôn cảnh giác cao và không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, kiên định 06 nguyên tắc chống dịch và phương châm 05 tại chỗ. Tổ chức chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội, trong đó, yêu cầu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hiện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dự phòng thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát tại 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch trên địa bàn. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân lưu trú trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Ngoài ra, TP sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh thành vào TP.HCM vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người vào TP.HCM.
Nam bệnh nhân 22 ở Đà Nẵng được TP.HCM phát hiện dương tính trở lại.
Một số trường hợp sau thời gian điều trị, đã được xét nghiệm âm tính, cho xuất viện dương tính trở lại, xuất hiện dương tính trở lại, đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng. Như trường hợp ca bệnh nhân số 22 tại Đà Nẵng, điều trị từ ngày 08/3/2020-27/3/2020 đã cho kết quả âm tính và được cho xuất viện. Từ Đà Nẵng, bệnh nhân đến TP.HCM để xuất cảnh ngày 11/4/2020, tuy nhiên, mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất cho kết quả dương tính.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người. Đặc biệt là có thể trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện.
Vì vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng.
Do đó, TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, tập trung cho công tác dự phòng và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh; chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Việc tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội lúc này được xem là cần thiết.
Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Những giải pháp được TP.HCM tập trung trong thời gian tới
1. Thứ nhất, tập trung cho công tác dự phòng gồm:
+ Giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện.
+ Xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao (ổ dịch bar Buddha) và những trường hợp từ nơi khác vào thành phố, đặc biệt là những trường hợp người nước ngoài (như ca bệnh số 22 vừa qua); đồng thời tổ chức theo dõi sức khỏe tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp được cách ly tập trung tại các tỉnh, thành về thành phố trong thời gian qua.
+ Luôn cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất. Xem tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm.
+ Xem xét mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng: trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…
+ Rà soát, những trường hợp người dân sinh sống tại TP.HCM nhưng đã đến thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội và có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, đặc biệt là bệnh nhân 262 và các F1, F2 liên quan.
+ Chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên của TP.HCM ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.
+ Thực hiện kế hoạch tổ chức sắp xếp lại năng lực ứng phó ngành y tế trong phát hiện kiểm soát và khống chế ổ dịch trong cộng đồng; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị ở các bệnh viện điều trị COVID-19.
+ Tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu thì tạm dừng hoạt động theo đúng Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2601.
2. Thứ hai,nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.
3. Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh.
4. Thứ tư, chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.