Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao khiến Mỹ hỏa tốc chi 119 triệu USD mua vắc xin: Từng xuất hiện 64 năm trước, thời gian ủ bệnh đến 21 ngày, có thể gây mù lòa nếu mụn mủ lan vào mắt

24/05/2022 13:47 PM | Sống

Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu nhưng chúng cũng chỉ là vật chủ trung gian như con người.

Mỹ chi 119 triệu USD để mua vắc xin đậu mùa khỉ
Mỹ chi 119 triệu USD để mua vắc xin đậu mùa khỉ

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ... Đây là những quốc gia vốn không phải là nơi lưu hành của vi rút gây bệnh.

Hãng Bloomberg đưa tin, việc xóa sổ bệnh đậu mùa trên toàn cầu cách đây hơn 40 năm được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử y tế công cộng, vì đã loại bỏ được nguyên nhân gây tử vong, mù lòa và biến dạng cho nhân loại trong ít nhất 3.000 năm lịch sử. Song, mặt trái của việc xóa sổ bệnh đậu mùa là dẫn đến sự kết thúc của chương trình tiêm chủng toàn cầu nhằm bảo vệ trước các virus đậu mùa khác, bao gồm cả đậu mùa khỉ.

Tại Bỉ, Cơ quan Đánh giá Rủi ro tuần rồi đã thông báo quy định cách ly 21 ngày đối với những trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ. Quyết định này được triển khai sau khi Bỉ phát hiện 4 ca nhiễm.

Còn tại Mĩ, ngay khi phát hiện một người đàn ông ở bang Massachusetts mắc đậu mùa khỉ, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh (BARDA) đã ký hợp đồng trị giá 119 triệu USD với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic để nhập 13 triệu liều vắc xin ngừa virus gây ra bệnh.

Ngoài vắc xin, Chính phủ Mỹ cũng mua thêm các liều tecovirimat, một loại thuốc kháng virus điều trị bệnh đậu mùa ở khỉ, theo một hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD với hãng dược phẩm Mỹ SIGA Technologies.

Vậy căn bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao để khiến các quốc gia trên thế giới phải cấp bách phòng ngừa?

Đậu mùa khỉ là bệnh gì?

Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Khi đó chúng mắc chứng bệnh giống như đậu mùa.

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao khiến Mỹ hỏa tốc chi 119 triệu USD mua vắc xin: Từng xuất hiện 64 năm trước, thời gian ủ bệnh đến 21 ngày, có thể gây mù lòa nếu mụn mủ lan vào mắt - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ từng xuất hiện từ năm 1958 và lây lan sang con người ở Châu Phi

Mặc dù khỉ cũng mắc bệnh này, nhưng cũng như con người, khỉ không phải là vật chủ của virus. Virus gây bệnh thuộc chi Orthopoxvirus, bao gồm virus variola - nguyên nhân gây bệnh đậu mùa và virus vaccinia - được sử dụng trong vắc xin đậu mùa và virus đậu mùa bò (cowpox virus).

Đến năm 1970, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận tại Congo, Châu Phi. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.

Tổ chức WHO cho biết, đậu mùa khỉ ít lây hơn đậu mùa và có triệu chứng nhẹ hơn. Khoảng 30% bệnh nhân đậu mùa đã chết, trong khi tỉ lệ tử vong do đậu mùa khỉ gần đây là 3% đến 6%.

Bệnh đầu mùa khỉ có trở thành đại dịch

Từ tháng 5, hơn 100 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận chủ yếu ở các nước châu Âu.

Điều bất thường của đợt bùng phát là nó xảy ra ở những quốc gia nơi căn bệnh này không phổ biến trước đó. Hiện các nhà khoa học đang xem xét khả năng đợt bùng phát lần này chủ yếu do quan hệ tình dục với người mắc bệnh.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch hay không, nhưng ngay cả ở Congo - nơi có hàng ngàn ca bệnh hằng năm thì đậu mùa khỉ vẫn chưa phải là đại dịch.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Thông thường sau khi nhiễm virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.

Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:

Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên)

Đau đầu dữ dội

Đau mỏi lưng và các cơ

Ớn lạnh

Mệt mỏi uể oải

Nổi hạch

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao khiến Mỹ hỏa tốc chi 119 triệu USD mua vắc xin: Từng xuất hiện 64 năm trước, thời gian ủ bệnh đến 21 ngày, có thể gây mù lòa nếu mụn mủ lan vào mắt - Ảnh 2.

Nếu nốt mụn mủ lan vào mắt có thể gây mù lòa

Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở:

Trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt)

Lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%)

Miệng

Mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc)

Cơ quan sinh dục

Các nốt phát ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ rồi mới khô lại, đóng vảy và xẹp xuống. Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt.

Tuy nhiên, nếu vết thương hình thành trên mắt thì có thể gây mù lòa. Hoặc một số bệnh nhân bị tổn thương ở bộ phận sinh dục và phát ban, khó phân biệt với giang mai, HSV, giời leo hay một số bệnh khác.

Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).

Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao khiến Mỹ hỏa tốc chi 119 triệu USD mua vắc xin: Từng xuất hiện 64 năm trước, thời gian ủ bệnh đến 21 ngày, có thể gây mù lòa nếu mụn mủ lan vào mắt - Ảnh 3.

Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh.

Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không. Cần thêm các nghiên cứu khác để xác định vấn đề này.

Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Đậu mùa khỉ được chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR, dựa trên mẫu xét nghiệm lấy từ vết thương của bệnh nhân.

Bệnh thường nhẹ và hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh trong vài tuần. Việc điều trị nhắm vào việc giảm nhẹ các triệu chứng.

Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh, vắc xin phòng bệnh đậu mùa có thể được sử dụng cho cả trước và sau khi phơi nhiễm và có hiệu quả tới 85% trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM