Bên trong dự án nhà xã hội bị ‘cắt xén’ xây biệt thự, nhà liền kề
Dự án The Diamond Park (Mê Linh, Hà Nội) được phê duyệt là nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng chủ đầu tư lại "bẻ lái" xây biệt thự và nhà liền kề để bán kiếm lời. Thậm chí, trong bản phê duyệt quy hoạch đồ án, tỉ lệ diện tích của NƠXH còn bị "cắt xén".
10 năm trước, Dự án xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) được kỳ vọng sẽ giúp hàng nghìn công nhân ở các khu công nghiệp, cũng như các đối tượng chính sách xã hội tại đây có những ngôi nhà giá rẻ, hiện đại.
Cụ thể, vào năm 2008, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng (nay là Công ty cổ phần Videc) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định cho phép đầu tư dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại vị trí trên với diện tích gần 14,5 ha, tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng. Đến ngày 15/3/2017, dự án được UBND TP Hà Nội (từ năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội) ký quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Theo đó, quy mô diện tích đất thay đổi từ 14,5 ha lên 16,8 ha.
Điều đáng nói là tất cả các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây và của UBND TP Hà Nội từ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chế độ ưu đãi... đến giấy phép xây dựng, bản quy hoạch đều dưới danh nghĩa là “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, trong đó ghi rõ đối tượng của dự án là công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội tại xã Tiền Phong.
Thế nhưng, trong bản quy hoạch hạng mục đất, lại thấy chủ yếu phần lớn diện tích được dành cho biệt thự và nhà liền kề. Trong tổng diện tích 16,8 ha, có tới 120 lô nhà biệt thự (với diện tích đất khoảng 27.700 m2); 219 lô nhà ở liên kế (22.700 m2); trong khi nhà ở xã hội chỉ vỏn vẹn có 3 lô (với 17.000 m2 chiếm khoảng 10% tổng diện tích).
Tuy nhiên, kể từ khi phê duyệt đến nay đã tròn 10 năm, dự án NƠXH vẫn chưa được chủ đầu tư khởi công, trong khi đó tất cả diện tích xây biệt thự, nhà liền kề được chủ đầu tư phân lô và bán nền... gần hết.
Trao đổi với Tiền Phong trước đó, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Videc (chủ đầu tư dự án The Diamond Park), cho biết do vẫn đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên hiện công ty vẫn chưa triển khai được khu nhà ở xã hội. Trong khi đó, ông Dũng xác nhận 120 lô nhà biệt thự và 219 lô nhà ở liền kề đã bán gần hết với giá bán từ 10-13 triệu đồng/m2.
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu là dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, dự án chắc chắn sẽ có tính chất riêng và được hưởng những ưu đãi, chính sách từ Nhà nước. Nhưng cũng xác định, dự án nếu vậy sẽ không thể mở bán lô đất biệt thự và nhà liên kề. Chính vì vậy, xét theo tính chất và thực tế, The Diamond Park chỉ có thể là dự án nhà ở hỗn hợp.
Vậy, tại sao The Diamond Park không có tên dự án nhà ở thương mại ngay từ đầu mà lại dán mác dự án “nhà ở cho người thu nhập thấp”. Theo thông tin chúng tôi nắm được, tại quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chủ đầu tư dự án đã được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng… Với diện tích 16,8 ha đất, chủ đầu tư chỉ phải nộp khoảng 60 tỷ đồng tiền thuê và sử dụng đất với giá 2.975 đồng/m2/năm. Đến nay, tập đoàn Videc đã nộp khoảng 14 tỷ đồng. Trong khi đó, căn cứ theo thông tin từ chủ đầu tư và đơn vị mở bán, hiện tại chủ đầu tư đã thu lại cả nghìn tỷ đồng từ việc bán sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết dự án Diamond Park là khu nhà ở hỗn hợp có nhà ở thương mại và NƠXH. Trong đó, phần diện tích 17.000 m2 là để xây dựng NƠXH và được hưởng các chế độ ưu đãi, còn công trình nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự thì vẫn phải theo các quy định của nhà ở thương mại.
Cũng theo các chuyên gia bất động sản, kể cả khi Diamond Park là nhà ở thương mại thì diện tích quy hoạch của dự án vẫn chưa chính xác. Theo Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội, đối với dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10 ha, chủ đầu tư phải dành khoảng 20% diện tích để xây dựng NƠXH. Nhưng Diamond Park chỉ có khoảng 10% (tương đương 17.000 m2). Năm 2017, sau lần thứ hai phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch, dự án không những không được điều chỉnh điểm bất hợp lý này mà còn được chấp thuận bản quy hoạch khi diện tích NƠXH bị “ăn bớt” một nửa.
Liên quan đến những "lùm xùm" tại dự án Diamond Park, mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã ký văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét và xử lý vi phạm (nếu có) của chủ đầu tư tại dự án Diamond Park.