Bên cạnh sự chết chóc, người Mỹ còn phải chứng kiến một nỗi đau đang kéo rất dài kể từ đầu đại dịch
Đó là thất nghiệp, khi rất nhiều người đang không thể tìm thấy việc làm, trong khi trợ cấp thất nghiệp sắp hết.
Eleanore Fernandez mất đi công việc của mình khi đại dịch chạm đến nước Mỹ hồi tháng 3/2020. Và kể từ đó, mọi chuyện với cô trợ lý giám đốc trở nên tồi tệ hơn.
Chồng của Fernandez - một nhạc sĩ chuyên nghiệp - cũng không có việc. Và hiện tại, cô chỉ còn vài tuần nước trước khi chính thức mất trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ, thứ đã giúp cô tồn tại và nuôi sống cô con gái tuổi teen của mình thời gian qua.
"Tôi chưa từng rơi vào tình huống như vậy," - Fernandez trả lời tờ AFP. Số tiền tiết kiệm thì đang cạn dần. "Tôi sẽ sớm phá sản nếu không có gì thay đổi."
Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ mất đi khoảng 20 triệu việc làm. Dù một số người đã tìm được tuyển lại, dữ liệu cho thấy số người thất nghiệp vẫn đang tồn tại, và sẽ còn tiếp tục như vậy khi đại dịch đang kéo dài.
Tháng 10/2020, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết có khoảng 3,6 triệu người Mỹ thất nghiệp chỉ trong ít nhất 6 tháng qua. Con số ấy tương đương 1/3 tổng số thất nghiệp tại Mỹ, và là dấu hiệu cho thấy có một phần đáng kể những người mất việc từ đầu dịch bệnh hồi tháng 3 vẫn chưa tìm được việc làm.
Số liệu cũng cao hơn so với tháng 9 tới 1,2 triệu người, trở thành "mức tăng cao nhất tháng trong lịch sử," - theo lời Michele Evermore, chuyên gia phân tích dữ liệu tại Dự án Luật Việc làm Quốc gia.
Nói về Fernandez, cô đã dành hàng tháng trời tìm kiếm một công việc mới, và hiện rất mông lung về những gì sẽ xảy ra kế tiếp sau khi khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ không còn nữa vào ngày 26/12 tới.
"Tôi chắc sẽ làm bất kỳ việc gì, kể cả giao hàng tạp hóa hoặc các việc tương tự thế," - cô cho biết.
Tình cảnh trái ngang này chính xác là những gì mà các chuyên gia đã dự đoán về thiệt hại kéo dài của dịch bệnh kể cả sau khi virus được kiểm soát.
"Khi con người ta mất đi liên hệ với lực lượng lao động, đặc biệt là trong trường hợp không còn bảo hiểm thất nghiệp, họ sẽ ngưng tìm việc, tìm về những thứ khác và dần chuyển sang nền kinh tế phi chính thức," - Evermore nhận định.
Chính phủ Mỹ dự kiến công bố báo cáo việc làm tháng 11 vào ngày 4/12 tới đây. Theo Evermore dự đoán, với việc nền kinh tế còn xa mới phục hồi, số lượng người thất nghiệp sẽ còn nối dài hơn nữa.
Trước đại dịch, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử Hoa Kỳ rơi vào khoảng 3,5%. Nhưng đa số các chuyên gia kinh tế tin rằng để về lại mốc này, họ sẽ cần thêm nhiều năm nữa. Trong khi đó, đại dịch còn thay đổi thị trường lao động theo nhiều cách khác, khi các công việc đang chuyển dần ra khỏi ngành dịch vụ sang công nghệ. Những ngành nghề này đòi hỏi đào tạo tốn kém và mất nhiều thời gian hơn để người thất nghiệp có thể sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới.
Những nỗi đau không tương đồng
Người Mỹ gốc Phi - cộng đồng có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất được Evermore nhận định nằm trong nhóm phải chịu hiệu ứng "Thuê cuối, đuổi đầu." Họ làm những công việc được xem là "yếu" nhất nền kinh tế, và là những đối tượng sẽ bị sa thải đầu tiên.
Một số cộng đồng đã không thể phục hồi hoàn toàn sau cơn khủng hoảng tài chính năm 2008. Còn đại dịch xuất hiện sẽ gây ra nhiều thiệt hại nặng nề hơn, đối với mọi mặt của nền kinh tế.
"Không chỉ là những cá nhân thất nghiệp chịu tổn thương, mà là cả cộng đồng nữa, vì người không có tiền thì chẳng thể chi tiêu bất kỳ thứ gì," - Evermore cho biết.
Nadra Enzi thất nghiệp từ tháng 4/2020, hiện đang chứng kiến hiện thực ấy tại nơi anh sống ở New Orleans.
"Nhiều người tự sát hơn. Bạo lực gia đình gia tăng. Nhiều người phải tìm đến tư vấn tâm lý..."
Nguồn: Economic Times