Bé trai 4 tuổi bị cha bắt cởi trần chạy trong trời tuyết năm nào: Cuộc sống hiện tại thay đổi ngoạn mục
Gần nhất, cậu đã trở thành nghiên cứu sinh tại ĐH Cambridge danh tiếng.
Ở Trung Quốc từng nổi lên phương pháp "dạy con đại bàng" đã gây tranh cãi trong giới phụ huynh suốt một thời gian dài. Không như dạy con kiểu Nhật hay dạy con trải nghiệm, phương pháp dạy con đại bàng gây e ngại vì sự khắc nghiệt và nghiêm khắc mà cha mẹ muốn truyền đạt khi giáo dục trẻ nhỏ.
Nổi tiếng về cách giáo dục con kiểu đại bàng phải nhắc đến trường hợp của cậu nhóc Đa Đa (tên thật: Hà Nghị Đức, SN 2008), con trai của Hà Lý Sinh – giám đốc một công ty dệt may tư nhân ở thành phố Nam Kinh (Trung Quốc).
Từ nhỏ, Đa Đa sinh non và có khả năng bị bại não. Thế nhưng bố đã dạy Đa Đa theo cách khác biệt khi năm 4 tuổi, ông yêu cầu con trai cởi trần, chỉ mặc quần cộc và chạy giữa trời tuyết rơi với nhiệt độ -18 độ C.
Lối giáo dục nghiêm khắc này đã khiến cuộc đời Đa Đa thay đổi hoàn toàn và hiện tại ở tuổi 15, cậu trở thành nghiên cứu sinh của chương trình Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) - ngôi trường nổi tiếng với chất lượng giáo dục thuộc top đầu thế giới.
Bố bắt con 4 tuổi cởi trần, chạy trong tuyết rơi
Năm 2008, Đa Đa sinh non và được bác sĩ chuẩn đoán có dấu hiệu suy nhược cơ thể, thiếu hụt dinh dưỡng, xuất huyết não trái… Gia đình Đa Đa còn nhận tin dữ khi bác sĩ cho rằng cậu bé có khả năng bị bại não.
Cha của Đa Đa là ông Hà Lý Sinh rất đau lòng và không muốn chấp nhận thực tế này. Ông quyết định sẽ tự nuôi dạy con theo phương pháp riêng để mong thay đổi sức khoẻ và số phận của cậu con trai. Ông giao công ty cho cấp dưới và đưa con qua Mỹ để một mình chữa trị cho Đa Đa.
Bắt đầu với phương pháp của mình, Hà Lý Sinh cho con trai vào nước ấm để cậu bé học bơi. Mặc cho Đa Đa khóc vì không quen với nước, Hà Lý Sinh vẫn phớt lờ để con tự làm quen. Sau nhiều lần thử, Đa Đa ngừng khóc và điều kì diệu là cậu bé dần thích nghi với môi trường nước, bắt đầu tự chơi một mình.
Hà Lý Sinh rất vui mừng với kết quả này và ông càng có thêm động lực tiếp tục tăng mức độ rèn luyện thể lực cho con. Khi Đa Đa có thể đi lại, ông cho con đi bộ và leo núi vài cây số mỗi ngày. Sau khi con trai quen dần, Hà Lý Sinh lại tăng độ khó khi yêu cầu con chỉ mặc đồ lót chạy trong tuyết.
Sau đó, người cha đã đăng tải đoạn video con trai chạy trong tuyết lên mạng xã hội và nhận về nhiều bình luận trái chiều. Trong clip, cậu bé không ngừng khóc và cầu xin cha dừng bài tập khắc nghiệt này. Ngay cả vợ của Hà Lý Sinh cũng không kìm được lòng khi xem đoạn video, bà còn cho rằng chồng quá độc ác và nghiêm khắc với con trai.
Thế nhưng Hà Lý Sinh vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm và tin rằng sức khoẻ của con trai sẽ ngày một tốt lên. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mới 2 tuổi, Đa Đa tự leo ngọn núi Tử Kim Sơn. Mới 4 tuổi, cậu bé có thể leo núi Phú Sĩ và khi lên 7 tuổi, cậu còn hoàn thành được chặng đường 3.000 km địa hình sa mạc.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai bố con, đến bác sĩ cũng phải ngạc nhiên trước sự cải thiện sức khoẻ của cậu bé Đa Đa. Phương pháp dạy con kiểu đại bàng của Hà Nghi Đức cũng được áp dụng cho cô con gái út khi mới 9 tuổi, cô bé đã giành chức vô địch trong giải robot thế giới.
Thần đồng 5 tuổi lái máy bay, 8 tuổi đã vào đại học
Sau khi được cha giáo dục kiểu đại bàng, cậu bé Đa Đa không chỉ cải thiện cả về sức khoẻ mà còn đạt được một loạt thành tích học tập đáng nể.
Ngay từ nhỏ, cha đã cho Đa Đa theo học lớp Olympic Toán học và các hoạt động ngoại khoá khác như CLB cờ vây, đấm bốc… Những hoạt động liên tục kéo dài khiến cho cậu không có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Đa Đa từng tỏ ra ghen tỵ với bạn bè cùng trang lứa khi không thể có nhiều thời gian chơi đùa bình thường như các bạn.
Mỗi lần Đa Đa hỏi cha về cách giáo dục quá nghiêm khắc, cậu chỉ nhận được câu trả lời: "Chỉ khi con làm việc chăm chỉ hơn người khác, con mới có được thành tựu giỏi giang hơn người".
Dần dần, Đa Đa cũng quen với cách giáo dục và hoàn thành các bài tập lẫn mục tiêu mà cha cậu đưa ra. Khi mới 4 tuổi, Đa Đa có thể tự chèo thuyền và đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi. Lên 5 tuổi, cậu giành chức vô địch trong cuộc thi tính nhẩm và có thể lái chiếc máy bay nhỏ của riêng mình.
6 tuổi, cậu tự viết một cuốn tự truyện và lên 8 tuổi, Đa Đa được nhận vào trường đại học Nam Kinh. Thành tích học của Đa Đa cứ thể tăng dần và hầu như cậu đều học vượt cấp với thành tích tốt.
Khi mới 10 tuổi, cậu bé đã hoàn thành 20 khoá tự học và tốt nghiệp đại học khi mới 11 tuổi. Đặc biệt hơn, Đa Đa học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ năm 12 tuổi. Sau đó, cậu xuất sắc trở thành nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) năm 15 tuổi.
Có thể thấy, mỗi dấu mốc về thành tích học tập của Đa Đa đều đi nhanh và phát triển hơn người. Song, cậu có thực sự hạnh phúc với cách giáo dục nghiêm khắc của cha?
Trong một cuộc phỏng vấn, Đa Đa đã thẳng thắn trả lời: "Tôi không hiểu cha muốn gì khi yêu cầu tôi làm những điều này. Cha không lắng nghe ý kiến của bất kì ai hết. Tôi quá mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng lại không dám".
Đa Đa cảm thấy mệt mỏi với cách dạy con kiểu đại bàng của cha
Dạy con kiểu đại bàng có thực sự tốt?
Vì hoàn cảnh đặc biệt, Đa Đa trở nên xuất chúng nhờ phương pháp dạy con đại bàng nhưng không đồng nghĩa đứa trẻ nào cũng phù hợp với kiểu giáo dục này.
Cho đến hiện nay, cách dạy con này vẫn luôn gây tranh cãi. Nhiều người đánh giá phương pháp của Hà Nghi Đức chỉ phù hợp với Đa Đa. Bởi nếu không có những bài tập rèn luyện thể lực nghiêm ngặt, cậu nhóc không thể có đủ sức khoẻ để có thể sống và học tập như ngày hôm nay được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng Hà Nghi Đức dạy con có phần nghiêm khắc và ích kỉ, không quan tâm đến những niềm vui riêng của Đa Đa. Họ lo sợ rằng dù Đa Đa có thành tích xuất chúng nhưng cậu không thể sống hạnh phúc vì mải chạy theo những yêu cầu của bố.
Thực tế, mỗi đứa trẻ lại cần có phương pháp giáo dục phù hợp cho riêng mình. Cách dạy trẻ đúng đắn nhất là dạy theo năng khiếu chứ không nên giáo dục kiểu mù quáng, nghiêm khắc, khiến con đánh mất đi tuổi thơ và sống không hạnh phúc.
Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của con cái, cần biết cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi của bé.
Nguồn: Toutiao