Bé gái lớp 1 "nghiện" Tiktok: Ban đầu mẹ tưởng con giỏi nhưng sau đó phải đưa đi viện tâm thần
Sau khi phát hiện con gái học lớp 1 chơi Tiktok có các biểu hiện bất thường, bố mẹ vội vàng can thiệp nhưng đã quá muộn và phải đưa bé vào bệnh viện tâm thần khám.
Mới đây bé gái lớp 1 (Hà Nội) được gia đình đưa tới gặp TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để xin thăm khám, tư vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần.
Theo gia đình, từ khi học online, bé bắt đầu thích xem Tiktok (nền tảng video âm nhạc, mạng xã hội) và nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn bắt chước các video nổi tiếng, chủ yếu là những bài hát dễ thuộc, câu hát đang thu hút sự chú ý của nhiều người, kèm với đó là một vài động tác phụ họa để đăng tải lên nền tảng này. Thời gian đầu, thấy bé bắt chước giống và có nhiều người xem, gia đình rất hứng thú, nghĩ con có năng khiếu nên để cho bé vui vẻ. Tuy nhiên, dần dần, trẻ ngày càng ham lên mạng xã hội, bỏ bê học hành và tự quay video mà không cần nhờ trợ giúp từ bố mẹ.
"Thấy con mê quay video với những nội dung vô nghĩa, bắt chước các trò nhảy nhót thái quá, quên cả việc học, khi bị nhắc nhở lại tự nhốt mình trong phòng để tự quay video, tôi lo quá nên vội đưa đến viện thăm khám”, mẹ bé gái tâm sự.
Khi gia đình đưa bé đến viện thăm khám, TS.BS Trần Thị Hồng Thu thông tin, do cháu bé còn quá nhỏ để nghe bác sĩ tư vấn cũng như hợp tác điều trị, bác sĩ chủ yếu chia sẻ và tư vấn cho phụ huynh là chính. “Sự đồng hành của bố mẹ rất quan trọng, không nuông chiều, không mặc kệ con với các thiết bị điện tử”, TS Thu nói.
Bên cạnh đó, TS Hồng Thu hướng dẫn cha mẹ bé, ban đầu không nên cấm con một cách đột ngột, mà cần lấy việc “được vào mạng xem” làm phần thưởng. Nếu con học tập tốt, điểm cao, hoàn thành bài tập, sẽ được chơi trong một thời gian nhất định. Sau đó, bố mẹ nên áp dụng lộ trình chấm dứt hoàn toàn, không thể mãi xem đó là một phần thưởng.
Cũng theo vị TS này, nghiện Tiktok cũng như nghiện chơi game, nghiện Facebook, tức người dùng bị cuốn hút vào thế giới ảo gây hạn chế những kỹ năng khác. Người trưởng thành thì bỏ bê công việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để vào mạng, còn học sinh thì lực học giảm sút, không tập trung, giảm chú ý…
“Một vấn đề với những người trẻ bị nghiện internet nói chung và Tiktok nói riêng là ảnh hưởng đến nhận thức, có thể gây hậu quả lâu dài cho tương lai. Trẻ gặp tình trạng này có đặc điểm chung là dáng vẻ lơ ngơ”, TS Thu nói.
Thời gian gần đây học sinh học online nhiều, theo đó phụ huynh cần xây dựng cho con lối sống lành mạnh, tiếp xúc hợp lý với thiết bị điện tử để tránh tình trạng nghiện mạng xã hội nói trên.
Một số mẹo để loại bỏ chứng nghiện game, trò chơi video của trẻ
1. Nói chuyện thẳng thắn trước khi con tiếp cận: Giải thích cho bé rằng đó là một trò giải trí và đó không phải là cuộc sống của chúng. Làm cho trẻ nhận thức được rằng thành công trong thế giới trò chơi là ảo và không liên quan gì đến thành công ngoài đời thực.
Thật đáng giá để kiếm được điểm trong cuộc sống thực (bằng cách đạt điểm cao, kiếm được tiền thật, học một kỹ năng hữu ích trong cuộc sống thực) so với trong thế giới giả tưởng.
2. Xác định thời gian hợp lý để con bạn chơi điều độ: Thời gian tốt sẽ là 1 tiếng vào mỗi ngày thường và tối đa 2 - 3 tiếng vào cuối tuần.
3. Đưa ra hình phạt cụ thể cho việc không tuân theo quy tắc: Bạn có thể cấm con bạn chơi game trong một tuần nếu bé vượt quá giới hạn thời gian cho phép.
4. Đặt quy tắc cụ thể cho giới hạn thời gian chơi trò chơi và chắc chắn về điều đó: Hãy nói rõ cho con bạn biết cụ thể bạn cho phép chơi bao nhiêu thời gian và con bạn phải đảm bảo sẽ thực thi nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng cho trẻ một chút ngoại lệ nếu con có thành tích học tập tốt hoặc làm được điều gì đó tốt.
5. Biến thời gian trò chơi thành phần thưởng: Làm cho thời gian chơi trò chơi của con bạn phụ thuộc vào việc thực sự hoàn thành hoặc không đạt được mục tiêu.
Ví dụ, bạn có thể cho phép trẻ chơi vào những ngày đi học nếu bé duy trì bài tập sau khi bố mẹ kiểm tra còn nếu không, bé chỉ có thể chơi vào cuối tuần. Hoặc cho phép con bạn chơi chỉ khi bé đã làm xong việc đề ra.
6. Sử dụng các công cụ để đặt giới hạn cho thời gian trò chơi: Ví dụ cài đặt chế độ hẹn giờ ở máy tính hoặc điện thoại. Sau 1 tiếng thiết bị sẽ tự ngắt.
7. Theo dõi thời gian trò chơi: Có rất nhiều trò chơi theo cấp độ. Khi con chinh phục được vòng 1 sẽ vào được vòng 2, vòng 3… và hết giờ bố mẹ cho phép, con sẽ năn nỉ hoặc xin xỏ để được chơi thêm. Vì thế kiểm soát đừng để con chơi những trò khiến con bị cuốn đến mê muội.
8. Giới thiệu cho con bạn những điều thú vị khác để mang lại sự thích thú và thậm chí có thể kiếm được điểm thực tế - Chúng có thể bao gồm từ các hoạt động thể chất như chơi thể thao, đạp xe hoặc chạy đến ít thể chất hơn, như đọc, học chơi một nhạc cụ hoặc đi chơi với bạn bè.
9. Đặt máy chơi game hoặc máy tính của con bạn ở nơi bạn có thể nhìn thấy. Điều này sẽ khiến bé biết rằng bạn đang theo dõi giờ chơi game của bé và bạn có thể biết bé có chơi quá mức không.
10. Làm cho con bạn thoát khỏi tình trạng vượt quá giới hạn. Trong trường hợp xấu nhất, khi con bạn bị rối loạn chức năng vì bạn bố mẹ cố gắng hạn chế chơi game, bạn có thể khóa trò chơi hoặc gỡ cài đặt nó khỏi máy tính cho đến khi con bạn nhận ra rằng chúng có thể sống mà không cần game.
11. Rủ anh em họ hoặc bạn bè của con bạn để giúp bé quên việc chơi game và tham gia các hoạt động vui chơi khác.
Lưu ý: Trong những trường hợp cực đoan, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trị liệu hoặc bác sĩ nhi khoa để chữa chứng nghiện của con bạn trong trò chơi điện tử. Hãy can thiệp sớm và dứt khoát, đừng trì hoãn hoặc nghĩ làm thế vì thương con