Bé gái khóc vì mới đi học mấy tuần đã bị giáo viên và các bạn "cô lập", mẹ tìm đến tận trường kiện, sự thật khiến chị sững sờ
Người mẹ đau lòng khi chứng kiến con gái vừa đi vừa khóc.
Mới đây, cô Lưu - một bà mẹ Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện của mình và nhận được nhiều đồng cảm từ cư dân mạng. Được biết, vợ chồng cô Lưu đều làm kinh doanh, điều kiện kinh tế của gia đình rất khá. Sau khi kết hôn, cả hai chỉ có một cô con gái đầu lòng nên vợ chồng cô đã cố hết sức để mang lại những thứ tốt nhất cho bé.
Gần đây, con gái cô Lưu được bố mẹ cho đi học mẫu giáo. Dẫu bận rộn với công việc nhưng hàng ngày cô Lưu đều dành thời gian đưa đón con đi học và trò chuyện với cô bé.
Ban đầu, chuyện đi học của con gái dường như trôi qua suôn sẻ. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau, cô Lưu phát hiện một vấn đề. Đó là con gái cô lúc ở trường lúc nào cũng lủi thủi một mình, trong khi những đứa trẻ khác túm tụm chơi với nhau. Cô Lưu bắt đầu lo lắng và cho rằng nguyên nhân vì con gái sống hướng nội, không giỏi kết bạn. Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn cô tưởng tượng rất nhiều.
Một ngày nọ, sau giờ học, cô Lưu đang đợi con gái thì nhìn thấy cô bé vừa khóc vừa đi về phía mẹ. Sau khi kiên nhẫn an ủi con, cuối cùng cô Lưu cũng hiểu được nguyên nhân. Hóa ra, con gái đã cố gắng làm quen với các bạn cùng lớp nhưng luôn bị những đứa trẻ khác bỏ rơi. Điều khiến cô Lưu buồn hơn là chính cô giáo phụ trách lớp cũng sắp xếp cho con gái cô ở một mình trong giờ chơi, tách khỏi những đứa trẻ khác.
Nghe con gái nói xong, cô Lưu vô cùng tức giận. Cô lập tức đến gặp Hiệu trưởng để đòi làm rõ mọi chuyện. Nhưng lời giải thích của Hiệu trưởng khiến cô càng sốc hơn: "Không phải cô giáo hay các bạn khác cố tình cô lập con gái chị. Mà nguyên nhân do ngày nào bé cũng mặc quần áo và đeo balo hàng hiệu. Các phụ huynh khác lo lắng nếu con mình làm hỏng những đồ có giá trị này sẽ không bồi thường được. Lâu dần, những đứa trẻ khác cũng không dám chơi gần con gái chị. Đó cũng là lý do mà các em cùng đồng loạt xin cô tách riêng con gái chị và các bạn khác trong giờ ra chơi".
Sau khi nghe những lời này, cô Lưu cảm thấy xấu hổ. Cô chưa từng nghĩ rằng những món đồ hàng hiệu có thể trở thành "rào cản" ngăn cách con và các bạn.
Trong xã hội ngày nay với cuộc sống vật chất dồi dào, có rất nhiều bậc cha mẹ như cô Lưu. Họ mong muốn mang đến cho con cái điều kiện vật chất vượt trội thông qua những món đồ hàng hiệu. Nhưng thực tế, cách này không những khiến trẻ không cảm thấy tự hào mà còn vô tình đẩy con rơi vào cô đơn và nghi ngờ bản thân.
Cha mẹ cần lưu ý gì khi nuôi dạy con gái?
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng cho con hưởng càng nhiều điều kiện vật chất tốt thì càng có lợi cho trẻ nhỏ. Trên thực tế, mua cho con nhiều món đồ xa xỉ, đưa trẻ đến những nơi đắt tiền,... về lâu dài không phải giá trị cốt lõi để bồi dưỡng sự trưởng thành về mặt nhân cách cho trẻ.
Thay vào đó, cha mẹ nên để con cảm thấy thỏa mãn và hài lòng hơn từ sâu trong nội tâm thông qua sự đồng hành, giáo dục và hướng dẫn của gia đình. Đây mới là "chìa khóa" đúng đắn để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành cả về mặt thể chất và tâm hồn.
1. Nuôi dạy tính tự lập của con
Song hành với đáp ứng nhu cầu vật chất, cha mẹ nên dạy con cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Ví dụ, bạn hãy để trẻ cùng làm một số công việc vặt hàng ngày, đồng thời khuyến khích con cố gắng tự mình giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Điều này giúp các bé học cách tự mình đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong cuộc sống, mà không cần sự giúp đỡ của người lớn.
2. Chú ý đến bồi dưỡng tâm hồn
Ngoài việc cung cấp điều kiện vật chất, cha mẹ nên chú ý hơn đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức và quan điểm sống đúng đắn cho con, thông qua những cuộc trò chuyện và hành động thực tế hàng ngày.
Chẳng hạn, bằng cách cha mẹ kể cho con những câu chuyện về người tốt, trẻ được khuyến khích trở nên tốt bụng, bao dung và sống có trách nhiệm để trở thành người có tâm hồn đẹp trong tương lai.
3. Tạo môi trường phát triển lành mạnh
Cha mẹ nên tạo ra một môi trường sống lành mạnh xung quanh con. Môi trường ở đây bao gồm những điều kiện vật chất và con người mà bé tiếp xúc hàng ngày.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể đưa con tham gia nhiều hoạt động nhóm khác nhau như lớp học về sở thích của con, hoạt động từ thiện,... để con có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn đồng trang lứa, qua đó học được cách chia sẻ, hợp tác với người khác.
Theo Sohu